Đó là chia sẻ của cô Tạ Ngọc Phương Châu – Giáo viên Trường mầm non Quới Thiện (TP Vĩnh Long).
Cô Châu là một trong số ít gương mặt giáo viên tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long đã vinh dự được tham dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc năm 2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức hồi tháng Năm vừa qua.
Về dự Liên hoan, cô Châu đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình dạy và học môn tạo hình đối với trẻ mầm non.
Nhập môn
Theo cô Châu, giáo viên cần chuẩn bị dụng cụ, bài hát, bài thơ và không gian rộng rãi trước khi dạy cho trẻ tạo hình. Trước khi hoạt động tạo hình với một nhóm trẻ, giáo viên cần chỉ sẵn một loạt hoạt động giúp trẻ có kỹ năng, hứng thú tích cực, năng động và sáng tạo, sẵn sàng có trong tay đầy đủ các nội dung, hình thức lựa chọn phù hợp.
Đơn cử như đối với tiết dạy “Bé làm đồ chơi từ nguyên vật liệu mở”. Giáo viên cần xác định mục đích của bài học này là nhằm giúp trẻ phát triển nhận thức, củng cố kỹ năng làm đồ chơi và biết yêu quý sản phẩm làm ra, biết giữ gìn sản phẩm.
Theo đó, giáo viên có thể giới thiệu bài hài bằng hình thức mở cuộc thi về làm đồ dùng, đồ chơi với các phần thi như: Thi trả lời lời nhanh; sáng tác bài thơ, bài hát, hò vè có tên một số đồ dùng, đồ chơi và phần thi bé khéo tay.
Sau mỗi phần thi và cuộc thi giáo viên có thể kết hợp với âm nhạc để cho tiết học thêm sinh động. Sau đó giáo viên sẽ tiến hành công bố kết quả, khen ngợi, động viên khích lệ các em tham gia.
Cần lưu ý: Khi trẻ thực hiện, giáo viên cần chú ý gợi ý, hướng dẫn đến những trẻ có kỹ năng thực hiện có hạn, đồng thời quan sát, phát hiện những trẻ khéo tay có kỹ năng thực hiện tốt để khen ngợi bằng nhiều hình thức. Kết thúc tiết học giáo viên cho các đội hát múa giao lưu với nhau.
Để trẻ “học mà chơi, chơi mà học”
Hay như với đề tài “Bé làm đồ chơi từ nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương”. Giáo viên có thể giới thiệu bài học bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức cho các bé dưới hình thức hoạt cảnh thằng Bờm.
Đàm thoại nội dung câu chuyện hoạt cảnh: Con thấy thằng Bờm đi đâu? Phú Ông đòi đổi gì với Bờm để lấy quạt mo? Bờm có chịu đổi không? Cuối cùng Phú Ông đã làm gì?
Sau đó cô giới thiệu ở lớp có tổ chức làm đồ chơi và mời Bờm tham gia vào hoạt động cùng các bạn. Giáo viên cần gợi ý và hỏi trẻ định làm đồ chơi gì mà trẻ thích? Trẻ nào có cùng ý làm đồ chơi giống bạn thì về một nhóm, trẻ thực hiện cô quan sát gợi ý hướng dẫn trẻ về kỹ năng làm đồ chơi.
Cùng là một đề tài, giáo viên có thể thực hiện thay đổi nhiều phương pháp khác nhau, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú.
“Để lôi cuốn, thu hút trẻ tôi giới thiệu bài học bằng tranh, ảnh, múa rối, hò vè kể chuyện… gây sự chú ý đối với trẻ và dẫn dắt trẻ vào tiết học một cách nhẹ nhàng, sinh động, thoải mái mà trẻ không hề nhám chán “chơi mà học – học mà chơi” kết thúc tiết học tôi dùng sản phẩm của trẻ đẻ dạy trên tiết học, khi trẻ nhìn thấy sản phẩm của mình được cô và các bạn quan sát.
Từ đó trẻ rất hứng thú tham gia vào các hoạt động một cách tích cực để cho ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú”- cô Châu trao đổi.
Giúp trẻ phát triển khả năng tư duy
Giáo viên cần quan sát tìm những nơi rộng rãi, thoáng mát, phù hợp với từng địa điểm, không nhất thiết phải ở lớp, có thể ở hành lang, sân trường, vườn trường.
Mỗi bài hát có nội dung khác nhau, nên hình thức dạy cũng khác nhau, có những tiết dạy nào cần vận động nhiều thì lựa chọn không gian rộng, thoáng mát.
Việc lựa chọn nội dung tích hợp phù hợp với tính chất từng hoạt động. Ngoài giờ học môn tạo hình, giáo viên còn tổ chức kết hợp trong các giờ hoạt động khác. Ví dụ: Kết hợp với môn Văn học; kết hợp với môn môi trường xung quanh và kết hợp với âm nhạc
Thông qua đó nhằm giúp trẻ phát huy được tính tích cực, sáng tạo, khả năng tư duy trí tưởng tượng, linh hoạt trong các hoạt động.
Đồng thời, phát triển các kỹ năng tạo hình khéo léo thông qua các hoạt động tạo sự lôi cuốn trẻ, thu hút trẻ một cách nhẹ nhàng, thoải mái để từ đó trẻ mạnh dạn, tự tin tạo ra những sản phẩm mà trẻ thích, giúp nâng cao chất lượng môn tạo hình.