'Vẽ đường' cho sinh viên khởi nghiệp

GD&TĐ - Ở ĐBSCL, nhiều trường đại học quan tâm, tạo điều kiện để sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp...

Thí sinh trình bày dự án trước Ban Giám khảo Cuộc thi thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2022”.
Thí sinh trình bày dự án trước Ban Giám khảo Cuộc thi thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2022”.

Vun đắp đam mê khởi nghiệp

Tại Trường ĐH Trà Vinh, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên luôn được nhà trường quan tâm. Sinh viên của trường tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp cấp trường, cấp tỉnh, cấp Trung ương và các cuộc thi khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á, đạt nhiều thứ hạng cao. Nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án của sinh viên được triển khai trong thực tế, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Đáng chú ý là mỗi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ vay 50 triệu đồng lãi suất thấp…

Thầy Cao Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội sinh viên, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường ĐH Trà Vinh cho biết: Trường hỗ trợ các chi phí thành lập doanh nghiệp như đăng ký sở hữu trí tuệ, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí trưng bày sản phẩm tại các sự kiện, hội chợ thương mại. Đặc biệt, trường quan tâm, gắn kết chặt chẽ với các “vườn ươm doanh nghiệp” thúc đẩy khởi nghiệp, tạo điều kiện giúp sinh viên khởi nghiệp thành công.

Từ sự quan tâm, đầu tư, mỗi năm Trường ĐH Trà Vinh đều có 2 dự án vào vòng chung kết của cuộc thi Ý tưởng sinh viên khởi nghiệp do Bộ GD&ĐT tổ chức. Cùng với đó là trưng bày sản phẩm tại Ngày hội Techfest quốc gia và khu vực ĐBSCL. Đoàn trường đã có hơn 40 dự án khởi nghiệp và có 8 dự án được ươm tạo. Chỉ trong năm 2021, Đoàn trường có 14 ý tưởng/dự án đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cấp tỉnh, 3 dự án vào vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp khu vực ĐBSCL, 5 dự án vào vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức…

TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, Chủ tịch HĐQT Mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL cho biết, tại ĐBSCL, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên được các cấp, các ngành rất quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ nhằm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vừa qua, Mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL đã được thành lập, bầu HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2024 gồm 17 thành viên thuộc các trường ĐH, CĐ trong khu vực.

Mạng lưới được thành lập với mục đích thúc đẩy tinh thần, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, cựu sinh viên. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và phát triển hợp tác và bổ sung hài hòa giữa các thành viên trong mạng lưới nhằm tối đa hóa tài nguyên hiện có của mỗi tổ chức nhằm hỗ trợ khởi nghiệp. Mạng lưới kết nối giữa các thành viên thực hiện các dự án quốc tế, các nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

“Hiện nay trường thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp với hơn 1.200 thành viên tham gia nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên đam mê khởi nghiệp hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp và đưa vào thực tế. Trường còn thành lập các câu lạc bộ vệ tinh có liên quan trực tiếp đến khởi nghiệp như mô hình Hợp tác xã sinh viên, các câu lạc bộ, mô hình Kinh doanh thử nghiệm… Qua đó giúp em và các bạn được trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp”, Nguyễn Mỹ Trang, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh cho biết.

Ban tổ chức trao giải Nhất cho dự án Cá cơm Xanh của sinh viên Trường ĐH Kiên Giang.

Ban tổ chức trao giải Nhất cho dự án Cá cơm Xanh của sinh viên Trường ĐH Kiên Giang.

Vững tâm khi rời ghế nhà trường

Khởi nghiệp trong sinh viên ngày càng phát triển, mỗi trường có những cách làm riêng để hỗ trợ sinh viên. Theo TS Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, đề ra 3 mục tiêu chính trong phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đó là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, tạo môi trường cho sinh viên hình thành ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Điều này giúp các em cải thiện kỹ năng, rèn luyện tư duy, tiếp cận công nghệ và sáng tạo không ngừng, định hướng phát triển cho sinh viên trước khi rời ghế nhà trường.

Từ năm 2016 đến nay, Trường ĐH Kiên Giang đã tăng cường kết nối các mối quan hệ với doanh nghiệp để sinh viên có thể tiếp cận, trao đổi, có cơ hội thực hành thực tập trực tiếp. Từ đó trau dồi kiến thức chuyên môn, học hỏi cách thức tổ chức, vận hành của doanh nghiệp. Qua đó, các ý tưởng, dự án của sinh viên ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi cao và phù hợp với sinh viên, nhiều dự án nhận được phản hồi tích cực từ ban giám khảo các cuộc thi.

Nhà trường từng bước xây dựng, kết nối với Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia phía Nam và các trường ĐH, CĐ để tạo môi trường, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như tạo ra các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo KGU-STARTUP hằng năm nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học. Giúp sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.

“Nhiều hoạt động đào tạo các lớp khởi nghiệp cho sinh viên, giảng viên đã được tổ chức thực sự tạo ra hiệu quả tích cực, lan toả được tinh thần văn hóa khởi nghiệp rộng rãi trong nhà trường và có sự kết nối với cộng đồng”, TS Nguyễn Văn Thành cho biết.

Tại cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2022 vừa tổ chức, dự án Cá cơm Xanh của sinh viên Nguyễn Thị Thúy Liên (Trường ĐH Kiên Giang) đã đạt giải Nhất. Theo Ban giám khảo, Cá cơm Xanh là dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang nhiều giá trị như: Làm tăng chuỗi giá trị nguồn tài nguyên cá cơm bản địa, tạo thêm sản phẩm đặc trưng cho du lịch Kiên Giang và phục vụ cộng đồng, cung cấp sản phẩm đổi mới sáng tạo chất lượng với giá thành cạnh tranh…

Chia sẻ về dự án, sinh viên Nguyễn Thị Thúy Liên cho biết, dự án Cá cơm Xanh tập trung vào khai thác chuỗi giá trị của nguồn tài nguyên bản địa (Cá cơm biển Kiên Giang) để tạo ra các sản phẩm thực phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương nhằm phục vụ cho thị trường và du lịch. Sản phẩm của dự án gồm Bánh phồng cá cơm biển Kiên Giang và Muối ớt cá cơm biển Kiên Giang. Sản phẩm tập trung vào nguồn tài nguyên bản địa góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.