Khối lượng gỗ của cây tăng nhờ carbon dioxide

GD&TĐ - Từ lâu, cây cối được biết đến với vai trò hỗ trợ con người khỏi những tác động của biến đổi khí hậu, bằng cách hút khí carbonic từ khí quyển.

Khối lượng gỗ trên 1 ha năm 1997 và 2017 phân theo nhóm rừng.
Khối lượng gỗ trên 1 ha năm 1997 và 2017 phân theo nhóm rừng.

Giờ đây, nghiên cứu mới chỉ ra cách rừng đã sinh sôi nhờ lượng carbon dư thừa đó.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Communications phát hiện, nồng độ carbon dioxide cao trong khí quyển đã làm tăng khối lượng gỗ hoặc sinh khối của các khu rừng ở Mỹ. Các yếu tố khác như khí hậu và sâu bệnh có thể ảnh hưởng phần nào đến khối lượng của cây.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, mức carbon cao liên tục dẫn đến sự gia tăng khối lượng gỗ ở 10 nhóm rừng ôn đới khác nhau trên khắp nước Mỹ. Điều này cho thấy, cây cối đang giúp bảo vệ hệ sinh thái của Trái đất khỏi tác động của sự nóng lên toàn cầu thông qua quá trình phát triển nhanh chóng.

Ông Brent Sohngen - đồng tác giả của nghiên cứu, Giáo sư kinh tế tài nguyên và môi trường tại Trường Đại học Tiểu bang Ohio (Mỹ) - cho biết: “Rừng đang lấy carbon ra khỏi bầu khí quyển với tỷ lệ khoảng 13% tổng lượng khí thải của chúng ta. Chúng ta đang đưa hàng tỷ tấn carbon dioxide vào bầu khí quyển. Chúng ta đang thực sự loại bỏ phần lớn carbon dioxide chỉ bằng cách để rừng phát triển”.

Giáo sư Sohngen cho biết, khi đưa một tấn carbon dioxide vào khí quyển, nó sẽ không ở lại đó mãi mãi. Một lượng lớn carbon dioxide sẽ rơi vào đại dương. Trong khi đó, cây cối và những khu vực khác sẽ hấp thu phần carbon dioxide còn lại.

Trong hai thập kỷ qua, rừng ở Mỹ đã cô lập khoảng 700 - 800 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm. Con số này chiếm khoảng 10 - 11% tổng lượng khí thải carbon dioxide của đất nước. Theo ông Sohngen, so với những cái cây của 30 năm trước, thảm thực vật hiện đại lớn hơn khoảng 20 - 30%.

Nếu được áp dụng cho các khu rừng Coast Redwood - nơi có một số cây lớn nhất thế giới, một tỷ lệ phần trăm nhỏ tăng lên cũng đồng nghĩa là sẽ có thêm rất nhiều trữ lượng carbon trong rừng. Các nhà nghiên cứu phát hiện, ngay cả những cây cổ thụ lớn vẫn tiếp tục bổ sung sinh khối khi chúng già đi do nồng độ carbon dioxide tăng cao.

Ông Sohngen giải thích, lượng carbon dioxide trong khí quyển trộn lẫn gần như đồng đều. Vì vậy, mọi nơi trên Trái đất đều có lượng gần như nhau.

Để kiểm tra xem liệu hợp chất hóa học có chịu trách nhiệm hình thành quần xã sinh vật của chúng ta hay không, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu lịch sử từ Chương trình Kiểm kê và Phân tích Rừng của Cục Kiểm lâm Mỹ.

Sau đó, họ so sánh cách trữ lượng gỗ của một số nhóm rừng nhất định đã thay đổi trong quá khứ. Nghiên cứu ước tính, từ năm 1970 - 2015, khối lượng gỗ của cây đã tăng đáng kể. Điều này tương quan với sự gia tăng rõ lượng khí thải carbon.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.