Các nhà khoa học ở Trường ĐH Hoàng gia London (Anh) cũng vừa công bố các phân tích thú vị về môi trường. Theo họ, chúng ta cần tiếp tục duy trì ngành khai thác mỏ, ít ra là trong một thời gian tương đối dài nữa và theo một số quy tắc.
Cân bằng carbon
Theo Thỏa thuận chung Paris, để duy trì sự gia tăng nhiệt độ trung bình trên Trái đất dưới 2 độ C trong thế kỷ này, chúng ta phải đạt được cân bằng carbon (carbon neutrality – lượng carbon thải ra cân bằng với lượng carbon được loại bỏ) vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi có sự liên kết các hệ thống tạo năng lượng theo cách cân bằng, chủ yếu là sử dụng bức xạ Mặt trời và sức gió, cùng các hệ thống thu carbon dioxide (CO2) từ khí thải hoặc trực tiếp từ không khí, có khả năng lưu giữ carbon lâu dài, chẳng hạn dưới đất.
Tiến sĩ Piery Patrizio, giáo sư Nialla Mac Dowella cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm Chính sách Môi trường thuộc Trường ĐH Hoàng gia London đã phân tích tình hình tại 3 quốc gia phụ thuộc vào carbon với những mức độ khác nhau và có khó khăn trong chuyển đổi thành nền kinh tế không phát thải carbon.
Ba quốc gia đó là Tây Ban Nha, Ba Lan và Anh. Theo các nhà nghiên cứu, để thoát khỏi nền kinh tế dựa trên than đá, mỗi quốc gia phải lưu ý không chỉ đến chi phí công nghệ mà còn cả đến chi phí xã hội. Họ cho rằng, không có giải pháp hiệu quả như nhau đối với mọi quốc gia.
Việc phân tích các giải pháp hữu ích từ góc nhìn của các quốc gia khác nhau đang tập trung quá nhiều vào các chi phí công nghệ mà coi nhẹ tình trạng kinh tế và điều tiết công nghiệp địa phương.
“Chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải carbon không chỉ cần các yếu tố công nghệ và tài chính, mà còn cần sự ổn định xã hội. Không thể để xảy ra các hậu quả liên quan đến những thay đổi bất lợi trên thị trường lao động”- Tiến sĩ Piera Patrizio cho biết.
“Nếu từng quốc gia riêng lẻ không chú ý đến tình trạng đặc trưng, khả năng công nghệ, nguồn nhân lực, thì họ sẽ gặp nguy cơ là sự chuyển đổi năng lượng làm tăng thêm các khoảng cách phân chia xã hội. Điều nảy ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sản xuất, cũng như các mối quan hệ xã hội” – Giáo sư Niall Mac Dowell bổ sung.
Phát triển công nghệ CCS
Đối với Ba Lan, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là quốc gia phụ thuộc vào năng lượng từ than đá đến 80%. Ba Lan không có kinh nghiệm sử dụng năng lượng Mặt trời. Cho nên không có cơ hội chuyển đổi ngành nghề cho đội ngũ thợ mỏ đông đảo và chuyển sang sử dụng điện mặt trời mà không gây ra các căng thẳng xã hội nghiêm trọng. Ảnh hưởng đến cơ cấu lao động sẽ rất lớn.
Chính vì vậy, các tác giả công trình nghiên cứu khẳng định, Ba Lan cần tiếp tục duy trì năng lượng mỏ, ủng hộ các hoạt động nhằm giảm thiểu phát thải carbondioxide dựa trên công nghệ CCS (thu hồi và lưu trữ carbon theo cách không gây hại cho môi trường). Tất nhiên ở đây xuất hiện câu hỏi, làm thế nào để thực hiện CCS hiệu quả. Và câu trả lời cũng không có.
Tây Ban Nha có vẻ gặp ít khó khăn hơn, bởi họ có nhiều kinh nghiệm hơn Ba Lan trong lĩnh vực lấy năng lượng từ nguồn Mặt trời và gió. Các kinh nghiệm này giúp Tây Ban Nha giảm thiểu khá nhiều chi phí xã hội.
Trong khi đó, nước Anh có nhiều khả năng mở rộng các “trang trại điện gió” trên biển. Tuy nhiên để duy trì an ninh năng lượng, nước Anh phải phát triển công nghệ CCS đối với năng lượng truyền thống.
Các nhà khoa học ở Trung tâm Chính sách Môi trường thuộc Trường ĐH Hoàng gia London cho rằng, những khó khăn trong biến đổi năng lượng đang ở trước chúng ta. Muốn vượt qua những khó khăn này, các quốc gia cần có sự hợp tác thích hợp.