Gắn kiến thức hàn lâm với thực tiễn đời sống
EPICS - Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng cũng đồng thời khuyến khích các tổ chức cộng đồng tận dụng các kỹ năng về kỹ thuật của sinh viên nhằm cải thiện, hợp tác và xây dựng nên các sáng kiến thiết thực về sự đổi mới cho cộng đồng.
Vương Thị Ngọc Tuyết (SV Trường ĐH Cần Thơ) chia sẻ: “Là một trong số ít sinh viên nữ theo học ngành kỹ thuật, tôi không dám nói lên ý kiến của bản thân mình - ngay cả khi tôi thật sự cần điều gì đó”. Tuyết được khuyến khích tham gia EPICS - và tại đây em đã tìm thấy được những người phụ nữ trẻ tài năng, cùng chí hướng với mình khi tham gia chương trình.
Thông qua chương trình này, Tuyết cùng nhóm của mình đã sáng chế ra một loại kẹo làm từ cám gạo nhằm giúp bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường quản lý chế độ ăn. Tuyết và các bạn còn có thêm dự án máy phun thuốc trừ sâu dạng cuốn công suất cao, dễ sử dụng được thiết kế để giảm bớt gánh nặng cho nông dân.
Tham gia Cuộc thi EPICS 2021, dự án Xe lăn điện của của nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng đạt giải nhất. Đây là sản phẩm thiết kế nhằm giúp đỡ người khuyết chi trong việc mưu sinh và hoạt động hàng ngày. Nhóm sinh viên đã đưa ra giải pháp xe lăn điện với những cải tiến so với thiết bị hiện có, giá thành phù hợp. Dự án hiệu chỉnh xe lăn cho người sử dụng điều khiển dễ dàng hơn, đồng thời tích hợp tấm pin năng lượng cho xe khi di chuyển, đồng thời làm mái che cho người dùng.
Nhóm ANNAM đạt giải Nhất EPICS 2021 với sản phẩm găng tay kháng lực hỗ trợ phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm |
Sản phẩm găng tay kháng lực hỗ trợ phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm của nhóm ANNAM, sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đạt giải Nhất cuộc thi EPICS 2021. Theo đánh giá của kỹ thuật viên phục hồi chức năng Bệnh viện Đà Nẵng, sản phẩm đáp ứng khoảng 60% bài tập co, 90% bài tập duỗi. Với bệnh nhân sau đột quỵ, thường phải thực hiện các bài tập phục hồi để cải thiện khả năng vận động của cơ tay. Thường thì bệnh nhân phải tới phòng khám hoặc bệnh viện để được các kỹ thuật viên vật lý trị liệu hỗ trợ tập luyện. Tuy nhiên, việc điều trị dài ngày tại các cơ sở y tế tốn khá nhiều chi phí. Chưa kể là lượng bệnh nhân đông dẫn đến quá tải. Các thiết bị hỗ trợ tập luyện trên thị trường cũng không có nhiều, chủ yếu là quả bóng mềm.
Găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng của nhóm ANNAM có 3 bài tập được tích hợp sẵn trong sản phẩm. Hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tập luyện cơ bản của bệnh nhân. Chi phí sản xuất khoảng 4,5-5 triệu đồng. Đây là mức giá thấp so với các sản phẩm nhập ngoại có mặt trên thị trường.
Từ sáng tạo tới khởi nghiệp
EPICS là một chương trình doanh nghiệp xã hội liên ngành được công nhận trên thế giới mang đến cho các nhóm sinh viên thuộc các lĩnh vực STEM - khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học với tư duy hợp tác và các kỹ năng kỹ thuật để đưa ra ý tưởng, thiết kế, tạo mô hình sản phẩm và chạy thử các giải pháp kỹ thuật đối với các vấn đề thách thức ở địa phương. Thông qua các dự án, sinh viên học được cách làm việc nhóm, cách đưa ra ý tưởng, bảo vệ ý tưởng và sau đó trình bày ý tưởng để thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng.
Không gian sáng chế là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy cho sự ra đời của các Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng |
Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã đưa EPICS vào trong chương trình giảng dạy chính thức với mô hình Dạy – học theo dự án. Trong các chương trình EPICS của nhà trường, sinh viên được thiết kế các dự án đổi mới sáng tạo thực tiễn cho xã hội và doanh nghiệp. Sinh viên sẽ cải tiến các mẫu mô hình thành sản phẩm thông qua chương trình ươm tạo tương tự như chương trình “Từ Sáng tạo tới Khởi nghiệp”.
Dự án Thúc đẩy Hợp tác trường Đại học và Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT) đã hỗ trợ Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng trong việc tích hợp khung chương trình học tập dựa trên dự án này để thúc đẩy sinh viên hướng tới việc đưa ra các giải pháp kỹ thuật thực thụ. Đồng thời, các chương trình giảng dạy sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đạt được kiểm định quốc tế.