Thỏa mãn mọi giác quan
Chị Thúy Hảo (Báo TNTP) luôn được đồng nghiệp và bạn bè khen ngợi vì là một người mẹ có nguồn cảm hứng dạy con rất dồi dào. Hai cô con gái một 10 tuổi, một 6 tuổi của chị có một sự tự tin và ham hiểu biết vượt trội so với nhiều đứa trẻ khác chính là nhờ được mẹ khích lệ tạo điều kiện khơi gợi sự tìm tòi, sáng tạo.
Những ngày nghỉ cuối tuần cả nhà lại lang thang ngoài thiên nhiên hoặc đến những môi trường văn hóa có không gian thoáng đãng như công viên, bảo tàng, vườn thú, trang trại… Cho con chạy nhảy vui chơi và thỏa sức tưởng tượng, tiếp xúc với thiên nhiên trong lành. Trẻ sẽ cảm nhận được một thế giới đang chuyển động không hề giống với không gian chật hẹp, bó buộc trong căn hộ của gia đình.
Được nhìn tán cây xanh có bóng nắng nhảy nhót trong gió, đuổi theo những cánh bướm trong vườn hoa, đố con gọi tên các loài cây, tả về mùi thơm của hoa, mùi ngái nồng của đất sau trận mưa, tả về dáng vẻ và tính tình các con vật. Để kích thích trí tò mò của trẻ, bạn có thể cho con tự “giải phẫu” một bông hoa bất kỳ, chỉ cho trẻ thấy từng bộ phận của hoa… Trẻ sẽ ham hiểu biết hơn sau mỗi lần khám phá bài học tưởng như vô cùng đơn giản ấy. Mọi vật đang vận động, đang hít thở và con người được thỏa mãn mọi giác quan, được làm chủ vạn vật là điều sung sướng và hạnh phúc…
Không dạy mà chỉ tìm cách khơi gợi, hướng dẫn con biết tự suy nghĩ, tìm cách giải đáp những thắc mắc… đó là cách mà các chuyên gia khuyên giúp kích hoạt các tế bào thần kinh trong não bộ để phát triển năng lực ghi nhớ cho trẻ - điều vô cùng cần thiết trong quá trình học tập.
Liên tưởng sách vở với thực tiễn
Giống như khi còn ở trong nhà, bố mẹ cho trẻ xem bức tranh rồi gập lại và yêu cầu con kể lại một câu chuyện xung quanh bức tranh đó, thì khi ra ngoài cũng hãy yêu cầu con phát hiện và nhận xét về cảnh vật hoặc sự vật để kích thích tài quan sát và khả năng đánh giá, miêu tả của trẻ.
Con sẽ không chỉ dùng mắt để quan sát và ghi nhớ nữa mà biết cách huy động các giác quan cùng tư duy. Năng lực ghi nhớ của trẻ được kích thích qua những hình ảnh, sự vận động trực quan sinh động có thật…, giúp trẻ hứng thú hơn khi có sự liên hệ, liên tưởng giữa bài học trong sách với bài học cảm nhận thực tiễn ngoài đời sống.
Ban đầu chị Thanh Thúy (Phòng Nghệ thuật - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) chỉ đơn giản là phát cho con bộ sáp màu và mấy tờ giấy để con ngồi yên vẽ nhăng vẽ cuội cho mình có thời gian làm nốt công việc. Nhưng sau mỗi lần vẽ vời lung tung đó cậu con trai 8 tuổi lại thích khoe với mẹ. Chiều con, chị Thúy lại dành thời gian ngắm nghía những nết vẽ nguệch ngoạc, không rõ hình thù hay bố cục của bức tranh và nói đôi câu khen ngợi, động viên con. Mỗi lần thấy mẹ thích thú với “ý muốn” của mình, cậu bé lại hào hứng giải thích nó đang vẽ gì, nhân vật của nó nghĩ gì làm gì…
Qua cái nhìn và sự cảm thụ của con, chị Thúy thấy cuộc sống thú vị hơn gấp nhiều lần so với bức tranh sơ sài đó. Mỗi lần như thế, hai mẹ con lại cùng nhau sáng tạo và mở rộng thêm ý tưởng và màu sắc cho bức tranh. Được mẹ gợi ý và bồi dưỡng, khả năng diễn đạt mạch lạc và vốn từ của cậu con trai ngày phong phú, sắc bén. “Hóa ra trò chơi tình thế lại trở nên hấp dẫn và đem lại khá nhiều ích lợi. Bức tranh con vẽ không còn quan trọng là xấu hay đẹp, mà con đang thể hiện năng lực tưởng tượng, sáng tạo và biểu đạt những suy nghĩ riêng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm tốt. Tôi nghĩ, đây cũng là cách dạy trẻ tư duysắc bén, kích thích sự nhanh nhạy, sáng tạo của con” - chị Thúy chia sẻ.