Bắt đầu từ những trò chơi đơn giản
Là một người mẹ có hai con ở độ tuổi mầm non, chị Bạch Yến (Ba Đình, Hà Nội) đã chia sẻ về cách dạy con của mình. Chị cho biết: Đối với trẻ nhỏ việc dạy bé nhận thức về màu sắc là điều rất cần thiết. Bởi đây là một trong những kỹ năng đầu tiên giúp bé nhận biết với thế giới xung quanh.
Đầu tiên, bạn nên chỉ cho bé các đồ vật có các màu cơ bản như trắng, đen, xanh, đỏ... sau đó yêu cầu bé tìm các đồ vật xung quanh mình có các màu tương tự như thế. Với cách này, bé sẽ nhanh chóng ghi nhớ các màu sắc trong đầu mình một cách dễ dàng. Khi bé đã quen với các màu sắc cơ bản, bạn có thể dạy bé các màu khác như xanh lá cây, xanh da trời, màu nhạt, màu đậm...
Để tạo hứng thú cho trẻ, bạn nên cho trẻ chơi trò chơi bằng cách gọi tên một màu sắc, rồi yêu cầu bé chỉ ra cho bạn những đồ vật có màu đó. Theo các chuyên gia việc giúp não bộ nhận biết các màu sắc là một trong những yếu tố kích thích những khám phá mới lạ ở trẻ.
Để rèn sự nhanh nhạy, khả năng phán đoán cho trẻ, thì trò chơi đoán đồ vật sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị. Khi chơi trò này, các bậc phụ huynh nên thay đổi nhiều loại đồ vật khác nhau để mang lại sự hứng thú cho các bé.
Trong quá trình chơi, phụ huynh nên gợi ý cho trẻ thật kỹ từng chi tiết như hình dáng, màu sắc, tính chất của đồ vật để trẻ có thể suy nghĩ và hình dung trong đầu để có thể gọi đúng tên đồ vật. Nếu bé trả lời đúng, phụ huynh nên khen ngợi, khuyến khích để trẻ vui và có hứng thú với trò chơi. Nếu bé đoán sai tên đồ vật thì bạn nên đưa ra thêm nhiều gợi ý để bé tiếp tục suy nghĩ và đi tìm đồ vật đó.
Khi tham gia trò chơi đoán đồ vật, trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều điều như nhận biết và phân biệt được nhiều đồ vật, học được nhiều từ mới, rèn luyện trí thông minh và nhanh nhạy hơn.
Khuyến khích trẻ tự nghĩ ra cách chơi
Một số bà mẹ để kích thích trẻ có những sáng tạo, họ đã có những cách làm độc đáo mà không hề tốn kém. Chị Kim Oanh, một bà mẹ hiện đang sống tại TPHCM cũng đã chia sẻ cách giúp con phát huy tố chất sáng tạo của mình. Chị tâm sự: Để kích thích trí thông minh của con, chị rất ít khi chi các khoản tiền cho việc mua sắm đồ chơi.
Thường thì vào những dịp cuối tuần chị hay đưa các con đi công viên hoặc về các miền quê gần gũi với thiên nhiên. Theo chị được ra ngoài trẻ rất háo hức và có nhiều cơ hội được quan sát cũng như vận dụng tất cả các giác quan của bản thân. Chúng sẽ học được cách tự chơi một cách phong phú.
Lúc ở nhà nếu chị nấu cơm, các con sẽ có đồ chơi là những loại rau củ quả. Bất cứ việc gì chị cũng hướng các con cùng nhau tương tác. Theo quan sát của chị những trò chơi tự do mà các con tự nghĩ ra sẽ tạo cho trẻ có thói quen tư duy. Điều này giúp trẻ không thụ động nhằm phát triển trí thông minh trong học tập.
Chia sẻ về điều này, thạc sĩ Trần Ái Liên, chuyên gia tâm lý với chủ trương dạy con tích cực cho biết: Đừng nên giới hạn sự tưởng tượng của con bằng những hình dung, mường tượng có sẵn. Bởi như vậy chỉ là sự sao chép lại không có sự sáng tạo. Tưởng tượng là việc đứa trẻ không bị ngăn cản bởi giới hạn nào cả. Trẻ sẽ nghĩ ra những điều mà xung quanh chúng không có. Lúc đó tư duy của trẻ mới có điều kiện phát triển.
Theo chuyên gia Ái Liên, người lớn không nên can thiệp vào cách mà trẻ chơi, mà nên khuyến khích trẻ tự nghĩ ra cách chơi của mình. Đối với trẻ em mọi việc đều là trò chơi, mọi thứ đều trở thành đồ chơi, mọi nơi đều là chỗ chơi, mọi lúc đều là giờ chơi, mọi người đều là bạn chơi. Tuy nhiên những gì nguy hiểm bạn nên dạy trẻ biết tránh xa.