Khơi gợi điểm mạnh của học viên Trung tâm GDNN - GDTX

GD&TĐ - Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, cô Kiều Thị Thúy luôn tìm tòi, học hỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú học tập cho học viên.

Cô Kiều Thị Thúy - giáo viên dạy môn Vật lý tại Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Tây – Hà Nội.
Cô Kiều Thị Thúy - giáo viên dạy môn Vật lý tại Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Tây – Hà Nội.

Cô Thúy sinh ra và lớn lên tại xã Sen Phương – huyện Phúc Thọ – Hà Nội trong gia đình có bố mẹ làm nông. Từ nhỏ, cô Thúy đặt quyết tâm phải học hành để trở thành giáo viên, giúp đỡ bố mẹ.

Tạo động lực cho trò

Tốt nghiệp THPT, cô Kiều Thị Thúy (giáo viên dạy môn Vật lý tại Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Tây – Hà Nội) quyết định thi vào ngành Sư phạm vật lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau 4 năm miệt mài đèn sách, năm 2011 tốt nghiệp đại học, cô Thúy xin dạy hợp đồng tại Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Tây – Hà Nội.

Yêu nghề, luôn khát khao cống hiến thế nhưng thời gian mới đầu bước vào giảng dạy, cô gặp không ít khó khăn và thách thức để tạo môi trường học tập, hứng thú cho học trò.

Cô Thuý tâm sự, dạy học sinh bình thường đã vất vả, thầy cô giáo ở trung tâm GDNN - GDTX càng lao tâm, khổ trí hơn bội phần. Phải mất gần 1 năm mới bắt nhịp được với môi trường dạy.

Ở môi trường GDTX, học viên thuộc nhiều độ tuổi, hoàn cảnh gia đình khác nhau. Nhiềm em có hoàn cảnh khó khăn, tự ti, mặc cảm trước định kiến “học lực yếu, cá biệt” nên luôn có tư tưởng “học cho xong”. Những ngày đầu mới đi dạy, cô không ít lần cô giáo trẻ phải bật khóc trước lớp vì thái độ ngỗ nghịch, thách thức của học viên.

Cô Thúy trải lòng: “Khi mới vào Trung tâm GDNN - GDTX Sơn Tây - Hà Nội công tác, tôi được giao chủ nhiệm lớp 11E, phần lớn học viên rất nghịch, ý thức học tập và tu dưỡng rèn luyện chưa cao. Là một giáo viên mới ra trường khi bước vào một tập thể lớp như vậy, tôi khá bất lực khác xa với những gì mà tôi được học trước đây”.

Để gần gũi, nắm bắt được tâm lý của học viên, cô Thuý ngoài dành tâm huyết giảng dạy, còn quan tâm đến tâm lý, gia cảnh của mỗi học viên từ đó hiểu và chia sẻ được với các em nhiều hơn.

Đồng thời, cô luôn cố gắng khơi dậy những thế mạnh, sở trường của học viên từ đó giúp các em phát huy được năng lực, đam mê và định hướng nghề nghiệp cho bản thân.

Cô Thúy nói: “Có những em học văn hóa không giỏi nhưng lại có đam mê đối với công việc sửa chữa các loại máy móc, nấu ăn, pha chế,… Tôi nghĩ là mỗi em sẽ có những điểm mạnh riêng, mình là thầy cô cần trang bị cho các em. Đồng thời định, giúp các em tự tin vào bản thân, cố gắng khơi gợi ước mơ để các em có thêm động lực”.

06fe5af81c10ba4ee301-142.jpg
Cô Kiều Thị Thúy.

Truyền cảm hứng cho môn Vật lý

Gắn bó với bảng đen phấn trắng hơn 10, bằng tài năng sư phạm, cô Thuý là một trong những giáo viên cốt cán đã đào tạo, để học sinh yêu thích môn Vật lý, cô Thúy dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, học hỏi từ đồng nghiệp, vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh tại trung tâm.

Theo cô Thúy, môn Vật lý được cho là khô khan, nhiều học sinh không thích học. Bản thân giáo viên phải làm sao khơi dậy được cảm hứng học tập của học sinh để các em yêu thích môn học, có hứng thú trong từng tiết học là điều quan trọng.

Trong quá trình giảng dạy, cô Thúy ứng dụng công nghệ thông tin vào việc soạn bài giảng hay các bài kiểm tra đánh giá năng lực nhằm giúp công việc giảng dạy đạt hiểu quả tốt.

Cô Thuý dẫn chứng: “Tôi sử dụng phần mềm mô phỏng thí nghiệm vật lý để giúp cho học sinh dễ quan sát các hiện tượng vật lý hơn, từ đó giúp các em hiểu sâu bản chất của hiện tượng. Đối với những bài đánh giá năng lực, tôi tổ chức dưới dạng trò chơi trên máy tính, điện thoại để tạo hứng thú cho học sinh”.

Nhờ đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy học, cô Thuý đã đào tạo thành công nhiều khóa học trò. Trong số đó, cô ấn tượng với em Đặng Trịnh Đường Tùng, một học sinh ngoan ngoãn, thông minh do cô chủ nhiệm.

“Tùng học rất giỏi các môn Tự nhiên nhưng gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố không có khả năng lao động, mẹ đi làm thuê công việc không ổn định”, cô Thúy kể.

Thấu hiểu hoàn cảnh của học sinh, cô Thúy nhận dạy kèm miễn phí cho Tùng môn Vật lý trong năm lớp 11 và lớp 12. Nhờ vậy, Tùng có cơ hội tham gia học sinh giỏi, đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp thành phố môn Vật lý. Được biết, hiện nay, Tùng đang theo học chuyên ngành Sư phạm Vật lý - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX Sơn Tây, cô Thuý là một giáo viên năng nổ, nhiệt huyết luôn tận tâm với công việc. Đối với học viên, cô luôn gần gũi, sẻ chia và cố gắng để tạo cho học viên có môi trường học tập tốt, sáng tạo và định hướng cho các em những thế mạnh của mình từ đó phát huy.

Đồng thời, cô có nhiều thành tích trong công tác chuyên môn đặc biệt là bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý. Nhiều năm liền đội tuyển có học sinh đạt giải Nhất, Nhì cấp thành phố và 100% đội tuyển đạt giải.

Với lòng yêu nghề, sự cống hiến không mệt mỏi, Th.S Kiều Thị Thúy đã đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy như giáo viên dạy giỏi cấp trường, bằng khen Lao động tiên tiến cấp thị xã, bằng khen Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đối với công tác chuyên môn, cô Thúy thành công đào tạo nhiều khóa học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Vật lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.