Ngoài tổ chức chợ việc làm, ngày hội nghề nghiệp… làm cầu nối cho sinh viên và nhà tuyển dụng, các cơ sở giáo dục đại học đã đưa nội dung kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo để sinh viên sớm thích nghi với môi trường làm việc.
Tuần lễ kết nối doanh nghiệp
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức Ngày hội tuyển dụng có sự tham gia của 4 đơn vị với nhu cầu tìm kiếm 150 vị trí việc làm. Đại diện các công ty tham dự cung cấp thông tin liên quan đến vị trí tuyển dụng, yêu cầu công việc, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, hướng phát triển của doanh nghiệp… giúp sinh viên hiểu rõ hơn cơ hội việc làm, quá trình ứng tuyển và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngoài tư vấn, tuyển dụng, các đơn vị còn tiếp nhận 500 sinh viên tham gia thực tập học kỳ doanh nghiệp.
Ba năm trở lại đây, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đều tổ chức Tuần lễ doanh nghiệp cho sinh viên ngành Việt Nam học. Trong đó, có nhiều hoạt động giao lưu giữa sinh viên và đại diện các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đến lịch sử, di sản, văn hóa và du lịch như nói chuyện chuyên đề, tư vấn nghề nghiệp, tham quan, học tập tại doanh nghiệp…
Tham gia Tuần lễ doanh nghiệp giúp sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà hình dung rõ hơn cơ hội việc làm trong tương lai. “Sau khi ra trường, em có thể ứng tuyển tại các cơ sở giáo dục, bảo tàng, cơ quan quản lý di tích hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lưu trú… Từ chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, em nhận ra ngoài kiến thức chuyên ngành thì kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ giúp sinh viên sớm hòa nhập, thích nghi môi trường làm việc đa dạng, có tính cạnh tranh cao”, Thu Hà chia sẻ.
Tham gia Ngày hội việc làm do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tổ chức tháng 7/2024, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ, được doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp và ứng tuyển thành công vị trí nhân viên văn phòng tiếng Trung với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Thời điểm này, tuy chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng Ngô Hoàng Tú đã trúng tuyển vào một ngân hàng thương mại ngay tại Ngày hội việc làm.
Tú cho biết: “Phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở thời điểm sinh viên chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp. Đây là cơ hội tốt để chúng em nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, tích lũy thêm kinh nghiệm trả lời phỏng vấn, có thêm kỹ năng để hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển một cách tốt nhất”.
Ngày hội việc làm, Tuần lễ doanh nghiệp… là kênh quan trọng giúp sinh viên xác định những kỹ năng cần rèn luyện trong quá trình học tập. Không phải tất cả sinh viên đều tìm được việc làm ngay lập tức tại Ngày hội việc làm nhưng việc đa số doanh nghiệp công bố nhu cầu tuyển dụng và hướng phát triển trong tương lai đã giúp sinh viên sắp tốt nghiệp hoạch định được kế hoạch xin việc rõ ràng hơn.
TS Huỳnh Phương Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, cho biết: “Ngày hội việc làm được nhà trường tổ chức hằng năm nhằm tạo điều kiện cho sinh viên, doanh nghiệp và nhà trường gặp gỡ, trao đổi nhu cầu tuyển dụng việc làm, tuyển thực tập sinh cũng như đề xuất các hợp tác sâu rộng, lâu dài và hiệu quả hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp”.
Ngoài các gian hàng tuyển dụng, Ngày hội việc làm của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng còn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tọa đàm về các chủ đề liên quan khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xu hướng công nghệ mới hiện nay ở các ngành nghề, lĩnh vực để sinh viên cập nhật.
Các cơ sở giáo dục đại học ngày càng quan tâm hơn đến việc nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên. Tuy nhiên, tích lũy kỹ năng nghề nghiệp không đơn giản là việc nhà trường cung cấp vài khóa học kỹ năng mềm và tổ chức một kỳ thực tập vào cuối khóa. Tích hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng mềm cho sinh viên đang là xu hướng của các cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.
Chia sẻ thông tin, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, đồng thời cho hay: “Với mô hình “Học theo dự án” cho sinh viên trong toàn khóa học, ngoài kiến thức nghề nghiệp, sinh viên còn có cơ hội tích lũy kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện”.
Dạy học theo dự án đặt sinh viên vào những vai trò học tập tích cực như: Giải quyết vấn đề, ra quyết định, điều tra nghiên cứu tổng thể, đề xuất giải pháp, đánh giá hiệu quả của giải pháp, trình bày hay viết báo cáo. Sinh viên không chỉ tìm hiểu kiến thức và các yếu tố thuộc chương trình giảng dạy, mà còn áp dụng những gì họ biết để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Gợi mở từ mô hình Liên hiệp đào tạo
Xác định công tác giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là yếu tố hàng đầu giúp thu hút người học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn gắn tuyển sinh với tuyển dụng, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để kết nối, giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng thì phương thức hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp chủ yếu dựa trên thỏa thuận có tính tự nguyện, thiếu cơ chế ràng buộc, cộng đồng trách nhiệm và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai nên mức độ kết quả, hiệu quả chưa cao.
Về phía doanh nghiệp, nội dung hợp tác chủ yếu là tìm kiếm, tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nên hiệu quả tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực còn lãng phí, chưa khai thác hết nguồn nhân lực được các trường đại học đào tạo. Các doanh nghiệp chưa thực sự tham gia và góp ý kiến về xây dựng chương trình đào tạo một cách chi tiết, thường xuyên. Do đó, kiến thức của sinh viên nhận được sau khi ra trường đôi khi chưa đáp ứng thỏa đáng nhu cầu các nhà tuyển dụng.
Từ đây, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề xuất cần có quy định quy chuẩn giảng viên phù hợp với thực tế để huy động lực lượng cán bộ doanh nghiệp có trình độ cao, kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy đại học.
“Ở những nước phát triển, lực lượng cán bộ doanh nghiệp tham gia giảng dạy có khi chiếm 50% số giảng viên. Nhờ vậy, kiến thức của sinh viên liên tục được cập nhật. Ở nước ta, do rào cản tiêu chuẩn giảng viên nên các trường không huy động được lực lượng này. Điều này kéo dài sẽ khó phát triển được mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ phân tích.
Trước rào cản trên, Đại học Đà Nẵng đề xuất mô hình kết nối cung - cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học gắn với đổi mới sáng tạo thông qua hình thành cơ chế, mô hình Liên hiệp đào tạo, khoa học công nghệ “Training - Science - Technology Consortium” giữa các trường đại học với doanh nghiệp đối tác và vai trò kết nối, kiến tạo của sở, ngành các địa phương, hiệp hội.
Thông qua đó, các bên tăng cường trao đổi nhu cầu hợp tác, đặt hàng lẫn nhau để tìm kiếm cơ hội, thế mạnh hợp tác trong đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ. Mô hình này sẽ giúp đánh giá, nhận diện những biến động về kinh tế, xã hội để kịp thời đề xuất giải pháp, chính sách nhằm tham mưu, điều chỉnh, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, dự báo đảm bảo cung - cầu nguồn nhân lực kịp thời, sát với yêu cầu thực tiễn của địa phương và doanh nghiệp.
“Cần cấp chỉ tiêu bổ sung cho các chương trình phối hợp đào tạo đối với những ngành đang hút nhân lực, nếu theo cơ chế đào tạo như hiện nay thì khó đảm bảo được nhu cầu lao động.
Ngoài ra, cần có cơ chế giúp nhà trường phối hợp với doanh nghiệp sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ của doanh nghiệp trong đào tạo. Cơ sở vật chất và đội ngũ này được xem như của trường đại học để tính chỉ tiêu. Chính sách này Bộ GD&ĐT đã áp dụng thí điểm trước năm 2020 đối với ngành công nghệ thông tin và du lịch, nên tiếp tục mở rộng sang những ngành nghề khác”. - PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng