Khởi động Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13

GD&TĐ - Chiều 22/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi tham dự lễ công bố Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc tại chương trình. Ảnh: Đình Tuệ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc tại chương trình. Ảnh: Đình Tuệ.

Tham dự còn có đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam; các vụ/cục thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cùng đại diện nhà tài trợ.

Lan tỏa thông điệp về tình đoàn kết

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi - Trưởng Ban tổ chức Đại hội nhấn mạnh, ngày 28/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1640/QĐ-TTg về việc đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á (ASEAN SchoolsGames - viết tắt là ASG) lần thứ 13 tại Việt Nam.

Bộ GD&ĐT, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với các bộ, ban, ngành và đơn vị liên quan chủ trì, triển khai tổ chức Đại hội.

Đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển giáo dục, thể dục thể thao, mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao và du lịch góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị.

Tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với cộng đồng các nước trong khối ASEAN; góp phần quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa của Việt Nam đến các quốc gia, hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển.

Các vận động viên cầm trên tay linh vật chính thức của Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13.

Các vận động viên cầm trên tay linh vật chính thức của Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13.

Trong những năm vừa qua, Bộ GD&ĐT triển khai các chương trình, hoạt động thể thao, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học, nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho học sinh.

Gắn giáo dục thể chất, thể thao trường học với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống nhằm phát triển đội ngũ nhân lực có trí tuệ phát triển cao, thân thể cường tráng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định, Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á là cơ hội để các vận động viên được giao lưu, học hỏi, nâng cao thành tích chuyên môn trong thể thao học đường. Đại hội là cơ hội để lan toả thông điệp đến nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội nhằm chung tay vì sứ mệnh nâng cao thể chất, tầm vóc người Việt Nam.

"Với việc tổ chức vào mùa hè - thời điểm đẹp nhất trong năm tại Đà Nẵng, sự kiện thể thao này hứa hẹn thu hút đông đảo khách du lịch trong nước, quốc tế cùng người dân địa phương đón xem và cổ vũ. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa, du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho hay.

Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng báo cáo tại chương trình về công tác chuẩn bị của thành phố chủ nhà.

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng báo cáo tại chương trình về công tác chuẩn bị của thành phố chủ nhà.

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, TP Đà Nẵng đã đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ thi đấu. Địa phương này cũng đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, An toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyển chọn tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các đoàn dự đại hội. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho đại hội đã sẵn sàng.

Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 bắt đầu từ ngày 31/5 - 9/6 với sự tham gia 1.300 vận động viên, huấn luyện viên từ đoàn thể thao của 10 nước gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam.

Các vận động viên sẽ tham gia tranh tài ở 6 môn thể thao: Bơi, Điền kinh, Cầu lông, Bóng rổ, Pencak Silat, Vovinam với tổng cộng 107 nội dung thi đấu.

Đại diện Ban tổ chức cung cấp thêm thông tin về đại hội tới các cơ quan báo chí.

Đại diện Ban tổ chức cung cấp thêm thông tin về đại hội tới các cơ quan báo chí.

Với thông điệp "Kết nối cùng tỏa sáng" (Connect to shine bright), Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 không chỉ là nơi tôn vinh tài năng thể thao mà còn để cao sự kết nối của học sinh các quốc gia trong khu vực, cùng đoàn kết vì một thế hệ trẻ Đông Nam Á hội nhập và phát triển.

Linh vật của Đại hội là Voọc chà vá chân nâu - loài động vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, được tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới và Việt Nam xếp ở mức "Nguy cấp". Thông qua hình ảnh linh vật này, ASG lần thứ 13 cũng truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường tới mỗi em học sinh nói riêng và cả cộng đồng nói chung.

ASG lần thứ 13 được nước chủ nhà Việt Nam chuẩn bị chu đáo từ khâu tổ chức; hệ thống hình ảnh nhận diện chuyên nghiệp; sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan thông tấn từ Trung ương đến địa phương, trong nước và quốc tế.

Song song với hoạt động thi đấu, Đại hội hướng tới tăng cường sự giao lưu, hội nhập giữa các nước trong khu vực thông qua các hoạt động trải nghiệm đa dạng, các hội thảo nhằm thảo luận, nghiên cứu thúc đẩy phong trào thể thao học đường và phát triển thể lực cho học sinh Đông Nam Á.

Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á là ngày hội thể thao lớn nhất dành cho học sinh trung học trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sự kiện nhằm thúc đẩy sự đoàn kết của các nước trong khối ASEAN thông qua các hoạt động thể thao trường học, tạo cơ hội cho các vận động viên thi đấu, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và tinh thần thể thao. Tập đoàn TH là Nhà tài trợ Kim cương, nhãn hàng TH True YOGURT là Nhà tài trợ Vàng của ASG lần thứ 13.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Hỏm Hốc tìm hiểu mô hình kinh tế của gia đình chị Lò Thị Mông.

Chị Mông làm kinh tế giỏi

GD&TĐ - Trong cuộc sống vô vàn khó khăn, chị Lò Thị Mông đã vươn lên để trở thành một trong những hội viên làm kinh tế giỏi ở Tuần Giáo (Điện Biên).

Những ngày tháng Bảy, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tiếp đón hàng chục đoàn du khách từ khắp nơi tìm về mỗi ngày, trong đó có nhiều đoàn học sinh cùng thầy cô giáo. Ảnh minh họa: ITN

Cảm thụ văn học: Khúc tráng ca bất tử

GD&TĐ - Với lòng xúc động và cảm kích về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, nhà thơ Vương Trọng đã sáng tác “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn”...

Trường ĐH Thủy lợi tổ chức thăm và tặng quà gia đình có công ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Tri ân những mất mát, hy sinh

GD&TĐ - Ngành Giáo dục các địa phương, trường học đã có nhiều hoạt động để lan tỏa lòng biết ơn đến gia đình có công.

9 cách học làm người con hiếu thuận

9 cách học làm người con hiếu thuận

GD&TĐ - Người ta nói "nhìn cha mẹ sẽ ra con cái, nhìn con cái sẽ biết cha mẹ chúng là ai?”. Trước khi muốn làm cha mẹ tốt hãy học cách làm đứa con tử tế.

Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC

Tuổi trẻ và tháng 7

GD&TĐ - Tháng 7, "thế hệ gen Z" tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Buổi nghe kể chuyện về lịch sử của học sinh Trường THCS Vừ A Dính (Tuần Giáo) thông qua những bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Văn

Thắp sáng truyền thống cách mạng

GD&TĐ - Mỗi dịp Hè, ngành Giáo dục Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thắp sáng truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước...