Khởi động Bách Khoa Innovation mùa 8

GD&TĐ - Bách Khoa Innovation mùa 8 năm 2025 mở rộng quy mô, lần đầu tiên xuất hiện bảng hợp tác đại học và doanh nghiệp.

PGS.TS Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa phát biểu khai mạc BKI 2025. Ảnh: HCMUT
PGS.TS Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa phát biểu khai mạc BKI 2025. Ảnh: HCMUT

Ngày 12/4, lễ phát động cuộc thi Bách Khoa Innovation (BKI) 2025 diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM).

PGS.TS Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, khởi động lần đầu từ năm 2018, BKI đã trở thành nơi những ý tưởng sáng tạo được phát triển thành các giải pháp thực tiễn và có tính ứng dụng cao.

Trong giai đoạn 2018-2024, cuộc thi đã thu hút 457 dự án với 65 lượt trường đại học, 24 lượt trường THPT và 12 nhóm startup góp mặt.

Là sân chơi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo uy tín tại khu vực phía Nam và toàn quốc, BKI mang sứ mệnh ươm mầm ý tưởng cho học sinh, sinh viên và các startup.

Cuộc thi hướng đến khuyến khích khai phá các sáng kiến, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, qua đó tạo bệ phóng để người trẻ hiện thực hóa ý tưởng dưới sự đồng hành của các chuyên gia và nhà đầu tư.

Với nền tảng tích hợp giữa nghiên cứu - phát triển (R&D), sản xuất và kinh doanh, BKI trang bị cho người tham gia bộ công cụ thiết yếu gồm kiến thức, kỹ năng và tư duy khởi nghiệp trong thời đại mới.

3.jpg
Lễ phát động cuộc thi Bách Khoa Innovation (BKI) 2025. Ảnh: HCMUT

Bắt đầu từ năm 2025, BKI sẽ mở rộng tầm nhìn, phát triển thành một cuộc thi đổi mới sáng tạo mang tầm quốc tế.

Cuộc thi sẽ kết nối các trường đại học, doanh nghiệp, startup và sinh viên từ Việt Nam và quốc tế cùng hợp tác để giải quyết các thách thức đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp công nghệ chuyên sâu.

Mùa thi thứ 8 năm 2025 tiếp tục duy trì ba bảng thi truyền thống: Bảng Học sinh; Bảng Sinh viên (dành cho sinh viên và cựu sinh viên tốt nghiệp trong vòng hai năm); Bảng Startup (dành cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc doanh nghiệp thành lập từ tháng 1/2020).

Đáng chú ý, bảng U-I Challenge chính thức được đưa vào cuộc thi năm nay, cho phép các đội thi phối hợp cùng doanh nghiệp giải quyết những bài toán thực tiễn trong sản xuất và kinh doanh. Toàn bộ phần trình bày của các đội thi được yêu cầu thực hiện bằng tiếng Anh.

1.jpg
Đội thi thuyết trình tại vòng chung kết BKI 2024. Ảnh: HCMUT

Năm 2025, bảng U-I có sự tham gia của hai doanh nghiệp: công ty Malaya Glass Việt Nam (O-IBJC) và công ty Cổ phần Indefol Solar.

Ở các bảng thi truyền thống, đề tài không bị giới hạn lĩnh vực, trải rộng từ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật môi trường, hóa học, cơ điện tử và nhiều lĩnh vực khác.

Dự án của các đội thi được đánh giá dựa trên các tiêu chí: tính đổi mới sáng tạo, mô hình thử nghiệm, tiềm năng thị trường, năng lực đội ngũ và người cố vấn, cùng khả năng thuyết trình.

Xuyên suốt hành trình cuộc thi, thí sinh được tham gia các khóa học ngắn hạn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chương trình cố vấn 1:1 với chuyên gia, sử dụng không gian Innovation FabLab để phát triển sản phẩm mẫu và tham gia các chuyến tham quan thực tế giàu trải nghiệm.

BKI 2025 nâng cấp cơ cấu giải thưởng với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng. Ngoài các phần thưởng tài chính, các đội thi còn nhận được gói hỗ trợ phát triển dự án sau cuộc thi. Đặc biệt, ban tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại tối đa 500 USD cho đội thi quốc tế (2 người/đội) và tối đa 5 triệu đồng cho đội từ Đà Nẵng trở ra các tỉnh phía Bắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ