Cách lựa chọn trò chơi
Để lựa chọn trò chơi phù hợp - theo thầy Trịnh Tiến Nam, giáo viên cần xác định được mục tiêu của trò chơi đưa ra là gì, hình thành, luyện tập, củng cố kiến thức nào, giáo dục kĩ năng gì, phẩm chất gì?... Điều này được xác định dựa trên mục tiêu bài học.
Trò chơi đưa ra phải đa dạng, phong phú, hấp dẫn; luật chơi đơn giản dễ hiểu, dễ chơi, phải phù hợp với chủ đề bài học với đặc điểm và trình độ học sinh, với quỹ thời gian, với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của lớp học, có tác dụng khích lệ tinh thần học tập cho tất cả các đối tượng học sinh trong lớp, tránh bỏ rơi học sinh yếu kém ngoài cuộc.
Đặc biệt, trò chơi phải không gây nguy hiểm cho học sinh và môi trường xung quanh.
Không nên chọn những trò chơi chỉ được mặt vui nhộn, nhưng lại thiếu tác dụng giáo dục về kiến thức, phẩm chất cũng như kĩ năng học tập. Trò chơi phải được luân phiên thay đổi một cách hợp lí để không gây nhàm chán cho học sinh.
Nguyên tắc sử dụng phương pháp trò chơi
Theo thầy Trịnh Tiến Nam, để phương pháp trò chơi phát huy hiệu quả trong dạy học Toán, người giáo viên cần lưu ý những nguyên tắc sau:
Có sự chuẩn bị tốt; mọi học sinh đều hiểu trò chơi và tham gia dễ dàng, học sinh phải nắm được quy tắc chơi và phải tôn trọng, tuân thủ luật chơi.
Giáo viên cần quy định rõ thời gian, địa điểm chơi, không lạm dụng quá nhiều kiến thức và thời lượng bài học.
Phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh tham gia tổ chức, điều khiển tất cả các khâu, từ chuẩn bị, tiến hành trò chơi và đánh giá sau khi chơi.
Tác phong giáo viên chững chạc, nghiêm túc nhưng lại vui vẻ, gần gũi, hòa đồng với học sinh; lời nói phải rõ ràng, dễ hiểu, ấn tượng, luôn tạo sự hấp dẫn và pha trộn ít hài hước trong mỗi trò chơi.
Sau mỗi trò chơi phải có thưởng phạt phân minh. Tuy nhiên, nên tránh xử phạt đối với đội thua, người thua, mà tập trung tuyên dương, khen thưởng (nếu có) đối với người thắng, đội thắng.
Sau khi chơi, giáo viên cần cho học sinh thảo luận để nhận ra ý nghĩa giáo dục của trò chơi.
Về cách chơi, trước hết, giáo viên phải chia được các đội chơi phù hợp, cân đối lực lượng, hợp với yêu cầu trò chơi.
Sau đó, giới thiệu trò chơi, luật chơi, quán triệt ý thức kỷ luật khi chơi. Đây là khâu rất quan trọng, giáo viên nên giới thiệu trò chơi một cách ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, thu hút và hấp dẫn người chơi (nếu luật chơi khó thì giáo viên có thể chơi mẫu trước).
Động viên học sinh chơi nhiệt tình, hết mình, chơi đẹp, đảm bảo nề nếp, nội quy nhà trường.
Một số trò chơi hấp dẫn
Áp dụng trong các giờ dạy học Toán lớp 9 ở Trường THCS Dân tộc Nội trú Bá Thước, thầy Trịnh Tiến Nam đã áp dụng rất hiệu quả các trò chơi sau:
Trò chơi “Chạy tiếp sức”: Giáo viên chuẩn bị sẵn một số bài Toán hoặc câu hỏi có nội dung liên quan đến tiết dạy. Học sinh chuẩn bị bảng nhóm, phấn, bút dạ.
Cách chơi: Giáo viên đưa đề bài lên bảng phụ (hoặc màn hình chiếu); cho các đội thảo luận làm bài theo dãy hoặc khu vực (tương đương với số nhóm đề bài giáo viên đưa ra); học sinh trao đổi một số phút (tuỳ mức độ yêu cầu).
Giáo viên bốc thăm chọn ra 2 (hoặc 3) đội chơi. Khi có hiệu lệnh của giáo viên, lần lượt từng thành viên của 2 (hoặc 3) đội dùng phấn (bút) lên viết đáp án tương ứng vào phần bảng của đội mình.
Mỗi lần lên bảng chỉ được ghi một câu trả lời (hoặc một bước trong toàn bộ công việc của đội). Học sinh này ghi xong, chạy về trao phấn cho bạn để bạn đó được lên bảng.
Người lên sau có thể sửa kết quả của người lên trước, nhưng khi sửa thì không được làm thêm việc khác, hết lượt có thể vòng lại lượt 2, 3...).
Thời gian chơi được quy định trước (nên từ khoảng 1 - 3 phút), đội nào xong trước là đội giành chiến thắng về mặt thời gian.
Khi hết giờ chơi, giáo viên ra hiệu lệnh dừng cuộc chơi. Giáo viên và cả lớp cùng đánh giá, cho điểm, đội chiến thắng là đội hết ít thời gian mà có kết quả tốt nhất.
Trò chơi “Sai ở đâu? Sửa thế nào?”: Giáo viên chuẩn bị sẵn một số bài Toán có lời giải sai ở một vài bước trên bảng phụ (bố trí chỗ sai là những sai lầm mà học sinh thường hay mắc khi làm kiểu bài này).
Cách chơi: Tùy vào lúc thích hợp của tiết học, giáo viên đưa các bài Toán có lời giải như đã nói ở trên lên bảng chính.
Các đội thảo luận trong vài phút để truy tìm ra chỗ sai của bài giải và đưa ra phương án sửa sai. Đội tìm ra và có phương án sửa sai nhanh nhất sẽ trình bày đáp án, nếu chưa đúng các đội sau có quyền xin trả lời, khi nào lời giải đã đúng thì trò chơi dừng lại.
Giáo viên yêu cầu những đội có câu trả lời đúng chỉ ra nguyên nhân sai lầm từ đó nhấn mạnh để cả lớp rút kinh nghiệm.
Đội chiến thắng là đội tìm ra nhanh nhất những chỗ sai, chỉ ra nguyên nhân sai và sửa lại cho đúng.
Trò chơi “Ai nhanh mắt hơn”:
Giáo viên chuẩn bị sẵn một số nội dung kiến thức cần kiểm tra (bằng chữ hoặc hình vẽ) để đưa lên màn hình máy chiếu (hoặc bảng phụ). Học sinh chuẩn bị bảng nhóm, bút dạ.
Cách chơi: Giáo viên chiếu nội dung kiến thức cần kiểm tra lên màn hình; yêu cầu học sinh tìm và liệt kê những hình, những số, những vấn đề liên quan đến bài học vào bảng nhóm. Trong vài phút, đội nào tìm được nhiều hình, hoặc nhiều số… (ghi lên bảng nhóm) chính xác hơn thì đội đó sẽ thắng cuộc.
Trò chơi “Thử tài ghi nhớ”:
Giáo viên chuẩn bị một số nội dung kiến thức cần thiết liên quan đến bài học (đưa vào máy tính hoặc ghi sẵn lên bảng phụ). Học sinh chuẩn bị bảng nhóm, bút dạ.
Cách chơi: Giáo viên đưa nội dung cần thử trí nhớ lên màn hình (hoặc treo bảng phụ) cho các nhóm quan sát trong vòng vài giây đến vài chục giây, sau đó, cất bảng phụ (chuyển slide).
Giáo viên yêu cầu học sinh ghi lại những nội dung mà mình đã nhìn thấy. Học sinh các nhóm thi nhau ghi lên bảng nhóm của nhóm mình. Nhóm có nội dung ghi lại đúng và được nhiều hơn là nhóm giành chiến thắng.
Trò chơi “Nhà sáng tạo trẻ”:
Học sinh chuẩn bị bảng nhóm, bút dạ.
Cách chơi: Để củng cố kiến thức bài dạy, giáo viên cho học sinh giải một số bài tập đơn giản liên quan. Sau đó yêu cầu các đội đặt một bài toán có nội dung tương tự bài tập đã giải, trong đó đã có sáng tạo cho khác đi.
Giáo viên cùng nhóm học sinh khác xem xét, kiểm định, đánh giá đề Toán của các đội, rồi đưa ra kết luận đội nào đạt danh hiệu “Nhà sáng tạo trẻ”.