Sau bao năm lo lắng sẽ không ai giữ nghề truyền thống, thì cuối cùng chàng trai Lê Hoàn – con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã nỗ lực tiếp nối, để hồi sinh dòng tranh dân gian độc đáo này.
Nhiều lần muốn bỏ nghề
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên sinh năm 1950 trong một gia đình có nghề truyền thống làm tranh tại làng Bình Vọng (Hà Tây cũ). Khi còn nhỏ, ông đã theo gia đình đến lập nghiệp tại phố Hàng Trống (Hà Nội). Ông nội và người cha thân sinh ra ông là hai cụ: Lê Xuân Quế, Lê Đình Liệu cũng là hai nghệ nhân làm tranh Hàng Trống có tiếng một thời.
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở phố Cửa Đông (Hoàn Kiếm – Hà Nội), nhà ông Nghiên không lấy gì làm hoa văn cho xứng với danh họa sĩ cổ truyền.
“Cụ tôi là Lê Xuân Quế ngày xưa đã làm nghề tranh. Bố tôi là Lê Đình Liệu tiếp nối nghề một cách vẻ vang. Cả nhà tôi có đến 7 anh chị em nhưng chỉ duy nhất tôi theo được nghề gia truyền”, ông Nghiên kể.
“Theo được” - nhưng chính ông Nghiên từng dở sống dở chết để nuôi dưỡng tình yêu và trách nhiệm gìn giữ nghề gia truyền. Cơm áo không đùa với khách thơ, vì phải lo toan cho cuộc sống đầy khó khăn, nên ông Nghiên từng lựa chọn từ bỏ. Cho đến khi ông cụ thân sinh ốm nặng, mà tâm nguyện phải có người giữ nghề vẫn chưa toại. Để hài lòng cha, ông Nghiên đành gác hết những lo toan quay về nghề cũ.
Năm 1972, ông Nghiên về làm việc cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với chuyên môn phục chế số lượng tranh Hàng Trống đang lưu trữ tại đây. Cố gắng để những bức tranh còn lại mang hồn cốt xưa, ông Nghiên đã dùng bí quyết gia truyền giữ màu truyền thống cho hàng trăm bức tranh cổ quý giá.
Tiếng là nghệ nhân, nhưng không ít lần ông Nghiên muốn bỏ nghề để làm xe ôm. Rồi lại chẳng đành, vì một dòng tranh của Hà Nội chưa ai tiếp nối. Vì tiền, người ta có thể thay đổi quan niệm, nhưng vì nghề mà không suy suyển cái tâm.
Quyết bám víu nghề cũ, vì chẳng ra tiền nên bạn bè không ít người cho ông là dị biệt. Thậm chí, có người chê ông bảo thủ, không thức thời. Ba đời giữ nghiệp cha ông, cũng là ba đời giữ hồn cốt Hà Nội. Ông Nghiên không thể để dòng tranh xưa mai một nên âm thầm khơi dậy đam mê ở người con trai Lê Hoàn.
Vun đắp văn hóa Hà Nội
Nghệ nhân trẻ Lê Hoàn sinh năm 1988, dù không học bất cứ khóa đào tạo bài bản nào nhưng được người cha “cầm tay chỉ việc” nên anh tiếp thu khá nhanh. Chỉ sau vài năm, Hoàn đã dần học hỏi và nắm vững các thao tác, kĩ thuật để xử lý tranh cũng như bảo tồn vốn quý của Hà Nội.
Từ những lần xem cha tỉ mẩn khắc gỗ, lên màu đã nhen nhóm niềm yêu thích và đam mê. Hoàn không mất quá nhiều thời gian để “nhập cuộc”, anh nhanh chóng khám phá thêm những kỹ thuật mới. Thế rồi màu vẽ, bút vẽ, những bản khắc gỗ và những bức tranh gắn bó với Hoàn một cách tự nhiên.
Những kỹ thuật khó như bồi tranh, cản màu… Hoàn đều đã rất thành thạo. Anh cho biết, chính giá trị mộc bản cũng như cái tôi cá nhân hiện rõ qua từng tác phẩm là yếu tố thách thức người nghệ nhân, nhưng cũng làm cho nghệ nhân say mê với nghề.
Đam mê của Lê Hoàn được đền đáp xứng đáng. Nhiều bức tranh Hàng Trống được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chọn lựa đặt trong phòng triển lãm các dòng tranh dân gian Việt Nam. Nhiều khách đến tham quan không khỏi ngỡ ngàng bởi kích thước lẫn sự hài hòa về màu sắc và sự tinh tế trong từng nét vẽ.
Đặc biệt hơn là những tác phẩm đó không mặc nhiên thuộc về nghệ nhân Lê Đình Nghiên như mọi người vẫn nghĩ. Đó là sản phẩm chung của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và cậu con trai Lê Hoàn. Tất cả chứng minh cho những năm tháng miệt mài học hỏi của chàng trai trẻ.
Giờ đây, Lê Hoàn đã có thể độc lập vẽ những bức tranh Hàng Trống vừa tinh xảo lại mang đầy hồn cốt Thăng Long xưa. Anh luôn nhớ kỷ niệm với hai bức vẽ chung với cha và đem đi triển lãm “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” tại Bảo tàng Hà Nội năm 2016. Đó là bức “Tứ phủ công đồng” và “Ngũ hổ” với cùng kích thước 1,4m x 1,8m - được coi là bức tranh Hàng Trống lớn nhất từ trước đến nay.
Họa sĩ Lê Quốc Huy, Phòng Nghiên cứu sưu tầm và giám định tác phẩm mỹ thuật - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết, dòng tranh Hàng Trống với nghệ nhân Lê Đình Nghiên sẽ là người cuối cùng. Thế nhưng, điều may mắn luôn đến khi con trai ông - Lê Hoàn đã tiếp nối để giữ gìn vốn quý văn hóa này.
Nghệ nhân Lê Hoàn mong muốn sẽ có một triển lãm riêng của bản thân về dòng tranh Hàng Trống. Đó vừa là cách để tạo dấu ấn cá nhân, khơi gợi tình yêu của công chúng đối với dòng tranh đặc biệt này của Hà Nội. Và trên hết, triển lãm cá nhân về dòng tranh dân gian của Thăng Long cũng là cách hiệu quả nhất để gìn giữ, lan tỏa những tinh hoa mà người Hà Nội xưa đã sáng tạo, vun đắp vì một nền văn hiến kinh kỳ.