Đây là tin vui với những nghệ nhân tranh dân gian, vì nếu thành công, nghề làm tranh Đông Hồ sẽ trở thành nghề thủ công truyền thống đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh.
Tìm lại nghề làm tranh cổ
Trước những biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, nhu cầu thẩm mỹ thay đổi theo thời gian đã khiến hầu hết người dùng trong nước đều thờ ơ với dòng tranh dân gian. Hiện nay, phần lớn tranh Đông Hồ chỉ được mua để làm quà lưu niệm, hoặc phục vụ khách du lịch – thay vì treo trong nhà như nếp cũ.
Về làng tranh dân gian Đông Hồ, hiện nay trong làng 90% dân làng Hồ đang làm nghề hàng mã. Duy nhất trong làng còn có gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và gia đình cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam còn sản xuất tranh, ngoài ra trong làng không còn cửa hàng hay xưởng tranh nào nữa.
Trong khi đó, việc bảo tồn mộc bản dùng để in tranh Đông Hồ đang là nỗi lo của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, trước đây, ông đã đến gõ cửa từng nhà trong làng hỏi xin mua lại những bản khắc gỗ quý từ thời xưa. Ông nhận thấy, một phần rất lớn những bản khắc gỗ khác, cũng như nhiều bí quyết làm tranh của làng, đã bị mất đi trong quá khứ.
Để thể hiện một bức tranh, ngoài bản nét đen chủ đạo, tranh mẫu có bao nhiêu màu thì cần bấy nhiêu bản gỗ khắc in màu tương ứng. Kỹ thuật giữ mộc bản cũng khó nên mộc có thể bị mốc hoặc mối xông.
Theo đánh giá của một số họa sĩ, tranh Đông Hồ không còn mang tính hồn nhiên, chất phác, thuần Việt như xưa, mà đang dần bị thương mại hóa, không có màu sắc thắm như tranh cổ. Bên cạnh đó, màu sử dụng cũng chuyển sang dùng loại màu công nghiệp cho rẻ và tiện, các bản khắc mới thường thô và sơ sài, không được tinh tế như bản cổ.
Gian nan để thực sự trở thành một “làng tranh”
Trước nguy cơ mai một nghề làm tranh truyền thống, việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề; đồng thời, tranh Đông Hồ sẽ có thêm những cơ hội mới vươn ra thế giới qua các sản phẩm lưu niệm, từ đó sẽ có những cơ hội mới để phát triển và bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo có truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, nếu được Unessco công nhận đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp thì nghề tranh sẽ được giúp đỡ như thế nào để thực sự trở thành một “làng tranh”, đó là trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.
Ông Nguyễn Đăng Chế cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc bảo tồn và phát triển tranh Đông Hồ là chỉ 1 - 2 gia đình thì không thể đủ sức để phát triển làng nghề tranh. Kỳ vọng biến làng Đông Hồ trở thành điểm tham quan, thu hút đông đảo khách du lịch, nơi học sinh đến trải nghiệm là mong muốn của ông từ lâu. Tuy nhiên, làm thế nào để nhiều người, nhiều gia đình cùng quay lại nghề làm tranh lại là một vấn đề cần được tính đến.
Bên cạnh đó, làn sóng đương đại hóa tranh Đông Hồ đã và đang thu hút sự chú ý của không ít người. Màu sắc trong tranh Đông Hồ cũng rực rỡ nhưng không phải là với chất liệu truyền thống mà là chất liệu hiện đại. Việc đương đại hóa các dòng tranh dân gian là một hướng đi mới trong việc phát huy giá trị cổ điển của tranh Đông Hồ. Tuy nhiên, đây cũng là sự cảnh tỉnh trong việc làm mới nghệ thuật truyền thống sẽ làm mất đi hồn cốt của một dòng tranh.