Sudan là nơi từng ra đời nghị quyết lịch sử về việc thiết lập chính sách thù địch của khối với nhà nước Do Thái trước đây.
Sự kiện Israel và Sudan đạt được thỏa thuận hòa bình không phải do lãnh đạo hai nước này thông báo, mà do đích thân Tổng thống Mỹ công bố với thế giới hôm 23/10. Động thái này cho thấy rõ vai trò mang tính quyết định của ông chủ Nhà Trắng trong việc trung gian tạo dựng mối quan hệ hòa bình giữa hai cựu thù này.
Ngay sau khi Sudan đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, Mỹ cũng thông báo sẽ đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Tổng thống Trump còn nhấn mạnh đây là bước tiến lớn đối với nền hòa bình Trung Đông và thông báo sắp tới sẽ còn nhiều diễn biến tích cực rất bất ngờ khác.
Đặc biệt, Tổng thống Trump tiết lộ sẽ có thêm ít nhất 5 nước tiến tới thỏa thuận hòa bình với Israel, trong đó có cả hai nước vốn giữ quan hệ rất căng thẳng là Ả-rập Xê-út và Iran. Nếu điều này diễn ra như đúng kế hoạch thì đây thực sự là một dấu ấn đậm nét của ông đối với lịch sử chính trị thế giới.
Việc chọn thời điểm hiện nay để thúc đẩy nỗ lực dàn xếp thỏa thuận hòa bình giữa Sudan và Israel cũng được coi là một tính toán mang đậm tính chiến lược, nhằm nhấn mạnh thành tựu đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Mỹ vào ngày 3/11 tới.
Sudan là nước Hồi giáo và Ả Rập thứ ba bình thường hóa quan hệ với Israel trong thời gian gần đây qua sự dàn xếp của Washington, sau UAE và Bahrain hồi tháng 9. Trước đó có Ai Cập ký thỏa thuận hòa bình với Israel từ năm 1979 và Jordan ký năm 1994.
So với các nước trên, việc Sudan bình thường hóa quan hệ với Israel mang tính biểu tượng hơn vì chính tại thủ đô quốc gia châu Phi này là nơi Liên đoàn Ả Rập đã ra Nghị quyết Khartoum năm 1967, với “tuyên bố 3 không” nổi tiếng là “không hòa bình, không công nhận và không đàm phán với Israel”.
Văn bản này sau đó đã định hình toàn bộ mối quan hệ thù địch giữa khối Ả Rập với nhà nước Israel, đẩy khu vực Trung Đông thành chảo lửa của thế giới trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Do đó, thỏa thuận hòa bình mới nhất của Israel với Sudan được coi là đồng nghĩa với sự cáo chung của chính sách coi nhà nước Do Thái là kẻ thù không đội trời chung của khối Ả Rập, đồng thời khởi đầu một giai đoạn mới trong khu vực.
Tuy nhiên, ngay lập tức sự kiện này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhà nước Palestine. Văn phòng Tổng thống Palestine ra tuyên bố “lên án và bác bỏ” thỏa thuận bình thường hóa quan hệ nói trên vì “Israel vẫn đang chiếm đóng lãnh thổ Palestine”.
Một thành viên Ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là Wasel Abu Youssef còn coi quyết định của Sudan là sự phản bội như “nhát đâm mới vào lưng người Palestine”.
Đây là phản ứng không khó dự đoán nhưng theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, quan điểm truyền thống của Palestine sẽ khó có khả năng ngăn cản được xu hướng các nước Ả Rập thiết lập hòa bình với Israel dưới sự trung gian của Mỹ trong thời gian tới.