Mới đây, thông tin Ốc Thanh Vân bị một số người chê là "vô duyên", "phản cảm" vì hình ảnh cho con bú trên máy bay khiến cộng đồng những "bà mẹ bỉm sữa" xôn xao.
Câu chuyện này, một lần nữa lại làm dấy lên cuộc tranh cãi nảy lửa về chuyện có nên hay không cho con bú nơi công cộng . Một "trào lưu" mới cũng vừa được khai phá trong cộng đồng những người mẹ nuôi con nhỏ: tự tin khoe ảnh cho con bú nơi công cộng.
Với họ, việc khoe những bức ảnh này không chỉ thể hiện sự ủng hộ, đồng tình với bà mẹ 3 con xinh đẹp nổi tiếng, mà còn là cách để họ chứng minh rằng, nuôi con sữa mẹ là điều thiêng liêng nhất, ngọt ngào nhất, bất chấp mọi hoàn cảnh và "lời ong tiếng ve" của những người ngoài cuộc.
Với những thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ: cho con bú không bao giờ là vô duyên, và không việc gì phải che đậy, phải xấu hổ, ai cảm thấy hình ảnh mẹ cho con bú nơi công cộng là vô duyên thì hãy tự che mắt mình lại; bộ ngực là nơi chứa đựng trái tim, là bầu sữa ngọt nuôi lớn những em bé được sinh ra từ máu thịt, không phải là công cụ tình dục; hãy trả lại quyền được bú mẹ mọi lúc mọi nơi cho trẻ..., trào lưu khoe ảnh cho con bú nơi công cộng đang được nhiều mẹ Việt hào hứng chia sẻ.
Những hashtag như # breastfeeding , # breastfeedinginpublic , # brelfie , # choconbunoicongcong , # bfinpublicrocks, # thisismybabyeating , #unghoOcThanhVan... cũng được họ tạo ra, như những làn sóng mạnh mẽ thể hiện quan điểm của mình cũng như để kết nối với nhau, kết nối những người mẹ cùng chí hướng.
Là một người "phải lòng" trào lưu khoe ảnh cho con bú nơi công cộng từ sớm, chị Cao Khương Kim Phượng (TP. Hồ Chí Minh) rất thích lưu lại những hình ảnh ngọt ngào khi cho bé Bill, con trai của mình bú mẹ, vì với chị, việc mẹ cho con bú là một việc rất đỗi hiển nhiên.
Chị Phượng chia sẻ: "Các cô gái chưa, sắp hoặc đang chuẩn bị làm mẹ, hãy giành thời gian để tìm hiểu về những lợi ích về sữa mẹ, nó tốt cho đứa con thân yêu của bạn như thế nào. Và cho con bú mọi lúc mọi nơi là chuyện hết sức bình thường! Đừng mắc cỡ, đừng ngại ngùng, tất cả vì con yêu thôi!".



Gắn một loạt hashtag thể hiện sự ủng hộ việc cho con bú nơi công cộng, chị Trần Thị Huyền Trang (Hà Nội) cũng hào hứng khoe một loạt ảnh ghi lại cảnh chị cho con bú. Thông điệp của người mẹ trẻ sở hữu cả một bộ sưu tập những bức ảnh cho con bú nơi công cộng này rất mạnh mẽ: Ai thấy khó nhìn (việc trẻ em bú mẹ) thì hãy tự nhắm mắt mình lại, thay vì chê người mẹ là "hở hang", "phản cảm" hay yêu cầu họ che lại.



"Bộ sưu tập" những hình ảnh cho con bú ở nơi công cộng được làm phong phú thêm bởi hình ảnh bé bú mẹ mọi lúc mọi nơi, và trong tất cả những bức ảnh, sự rạng ngời trong gương mặt mẹ và con không thể giấu nổi. Chị Quỳnh Chi, một mẹ Việt sống tại Thụy Điển cũng hân hoan chia sẻ bức ảnh chị cho con bú tại sân bay quốc tế Copenhagen với lời dẫn: "Em đói em có quyền được bú! Bất kể lúc đó là lúc em ở nhà hay ở ngoài phố!".



![]() |
![]() |
![]() |
Việc cho bé bú bất cứ khi nào bé muốn, tại bất cứ đâu là việc mình vẫn đang làm, vừa tốt cho bé, vừa tiện cho mẹ, và mình nghĩ rằng nếu mình khéo léo che chắn hoặc sử dụng khăn trùm chuyên dụng thì thật sự không gây ảnh hưởng đến ai.
![]() |


Người mẹ sở hữu tài khoản Facebook A Tiny Lily tâm sự: “Hôm nay mẹ cho em đi biển chơi, cho em nhúng chân xuống nước lần đầu tiên. Sóng trào lên chân em, rút cát dưới chân em dào dạt. Em bị hẫng nên khá là "căng thẳng".
Thế là em nhất định đòi ti, ngay lập tức, không được chậm trễ. Xung quanh chẳng có ghế, chẳng có mùng rèm, chẳng có góc nào kín... Mà tại sao phải cần những thứ ấy khi em đang hết sức bức xúc và cần được trấn an ngay? Thế là mẹ vỗ về em bằng dòng sữa ngọt ngào giữa trời xanh biển xanh vậy đó!
Em say sưa ti và còn huơ huơ tay lên chạm vào mẹ. Người ngoài nghĩ gì thì nghĩ, mẹ thì nghĩ đây là khoảnh khắc đẹp - những khoảnh khắc khi đã qua là không bao giờ trở lại”.

![]() |

Ngọt ngào hơn nữa, có lẽ là những bức ảnh mà các ông bố không chỉ là người giấu mặt, đứng sau camera ghi lại khoảnh khắc đáng yêu khi mẹ cho con bú nơi công cộng, thay vào đó, họ xuất hiện, sát cánh bên vợ đầy tự hào. Và "sự nghiệp" nuôi con sữa mẹ, quả thực là hành trình của hai người, chứ không chỉ riêng người mẹ.


