“Ngại” mua BHXH
Theo số liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2014, ngành xây dựng ở Việt Nam có tới ba triệu người lao động hưởng lương nhưng chỉ có 6% tham gia BHXH. Trong ngành nghề sản xuất và kinh doanh mây tre đan, có khoảng hơn 300.000 người lao động hưởng lương chỉ khoảng 20% số đó được tham gia BHXH.
Báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra nguyên nhân do bản thân doanh nghiệp và người lao động đều “ngại” tham gia BHXH. Bà Paulette Castel, chuyên gia tư vấn của ILO, cho biết: Một mặt người lao động mong muốn có nghề nghiệp ổn định với doanh nghiệp, nhưng mặt khác, họ cũng muốn nếu có điều kiện thì sẵn sàng quay trở về nông thôn lập nghiệp. Đặc biệt, những người lao động trong ngành xây dựng có nhu cầu về bảo đảm thu nhập trong ngắn hạn hơn là tham gia vào các khoản lợi ích xã hội. Nhiều người lao động trong ngành xây dựng ngại ký hợp đồng lao động, đóng BHXH vì sợ bị ràng buộc...
Đối với ngành mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, với tính chất đối tượng lao động chủ yếu thuộc các hộ trong làng nghề truyền thống, làm việc cho hợp tác xã, các hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ với quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cũng là nguyên nhân chính của tình trạng tham gia BHXH thấp. Đáng chú ý, người lao động thường thỏa mãn với đề xuất của doanh nghiệp về việc sẽ trả cho họ mức lương thực nhận cao hơn nếu không đóng BHXH, và tình trạng không muốn ký hợp đồng diễn ra từ cả hai phía. Từ nghiên cứu này của ILO, cho thấy thực tế tại Việt Nam con số lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH còn đang rất thấp.
Bảo hiểm tự nguyện thiếu hấp dẫn
Lý giải về khoảng trống trong triển khai chính sách, chuyên gia an sinh xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Diệu Hồng, cho rằng: Đối với chính sách BHXH bắt buộc mức độ tuân thủ tham gia BHXH của các doanh nghiệp không cao, tình hình nợ tiền BHXH còn lớn, nhất là với khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đặc biệt, xu hướng cho hưởng BHXH một lần dẫn đến mất hiệu lực bao phủ, độ bao phủ bị thu hẹp, không đạt được mục tiêu “khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân”.
Chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, không thu hút sự tham gia của người dân, vì không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trước mắt là chế độ thai sản và tai nạn lao động, mới chỉ có hưởng chế độ hưu trí và tử tuất... Hiện, chính sách vẫn thiếu sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; thiếu sự gắn kết giữa các chế độ trong một hệ thống an sinh xã hội... Do đó, cần phát triển hệ thống BHXH đa tầng với sự liên thông giữa bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Việc tham gia bảo hiểm tự nguyện chủ yếu dựa trên đóng góp của người dân, có sự hỗ trợ, đảm bảo của Nhà nước. Đặc biệt là cần sớm xây dựng bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân đối với thủ tục hành chính BHXH để từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ của cơ quan BHXH để tạo niềm tin cho các bên tham gia.
Việt Nam hiện có số lượng người tham gia BHXH mới đạt gần 13,5 triệu người, chiếm khoảng 27,3% lực lượng lao động xã hội, theo khuyến nghị của ILO, Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục tiếp cận, tham gia BHXH. Đối với công nghệ, xây dựng một phương thức tham gia linh hoạt sẽ cho phép người lao động tiếp cận bảo hiểm tốt hơn.