Trong đó, giá một lần khám tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 42.100 đồng.
Lương tăng, giá dịch vụ y tế tăng
Khung giá này được áp dụng từ ngày 17/11, theo Thông tư 22 vừa được Bộ Y tế ban hành điều chỉnh phí khám chữa bệnh sau hơn 4 tháng lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng.
Khoảng 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá lần này. Trong đó, có dịch vụ tăng giá nhiều như phí khám chữa bệnh, giá giường nằm, một số dịch vụ tăng giá ít như chụp X-quang...
Giá khám bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt như: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Quân đội 108, tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng.
Trạm y tế xã thay đổi giá khám bệnh từ 27.500 lên 30.100 đồng. Trung bình mức tăng ở các hạng bệnh viện từ 2.600 - 3.400 đồng một lượt khám, tức khoảng 10% so với giá cũ.
Giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu cũng tăng theo từng hạng bệnh viện từ 30.000 đến 50.000 đồng. Ví dụ, giá giường nằm ở bệnh viện hạng đặc biệt tăng lên 509.400 đồng, bệnh viện hạng I là 474.700 đồng, hạng II 359.200 đồng.
Giá xét nghiệm và kỹ thuật của hơn 1.900 dịch vụ cũng tăng, như giá siêu âm tăng từ 43.900 đồng lên 49.300 đồng. Trong khi đó, chi phí chụp X-quang tăng 3.000 đồng, chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang tăng 11.000 đồng/lượt.
Khung giá khám chữa bệnh được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tối thiểu.
Tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế cho biết nếu điều chỉnh viện phí theo mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 9%, trong đó chi phí do điều chỉnh lương cơ sở kết cấu vào giá chiếm 5%, còn lại là chi phí quản lý.
Về tác động của điều chỉnh này, Bộ Y tế cho biết, các nhóm có thẻ BHYT là người nghèo, dân tộc thiểu số, các nhóm chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100%, không bị ảnh hưởng. Với các nhóm phải đồng chi trả 20% hay 5%, khoản tăng thêm không nhiều và họ có khả năng chi trả vì thu nhập tăng theo lương cơ sở.
Đầu năm, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh gồm nhiều loại chi phí khác nhau cộng lại. Đó là chi phí nhân công (tiền lương, tiền công, các khoản đóng góp theo lương và phụ cấp của cán bộ y tế); chi phí trực tiếp gồm thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng khám chữa bệnh, khấu hao thiết bị, cũng được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh; chi phí quản lý như duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Các loại chi phí này được cộng lại nhằm giải quyết vấn đề “tính đúng tính đủ” giá khám chữa bệnh mà thời gian qua nhiều bệnh viện phản ánh “lạc hậu”.
Ví dụ, Bệnh viện Bạch Mai thu phí một lượt siêu âm là 43.900 đồng không đủ để chi trả hao mòn máy móc, chưa tính tới tiền nhân công. Bệnh nhân đông, nguồn thu bệnh viện vẫn eo hẹp, rất khó khăn khi phải cân bằng thu, chi, không giữ chân được y bác sĩ.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội, về giảm chi phí điều trị cho người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định đây là vấn đề được ngành Y tế rất quan tâm. Vì vậy, để giảm tiền túi của người dân, cần chuyển đổi mô hình bệnh tật bền vững, tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, bao phủ BHYT toàn dân, giảm gánh nặng bệnh tật.
Người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, mô hình bệnh tật ở nước ta đã thay đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. “Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhiều người có bệnh rồi mới đi khám, khiến chi phí khám, chữa bệnh rất cao và hiệu quả chăm sóc y tế kém”, bà Đào Hồng Lan nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, thực tế này đặt ra vấn đề về tăng cường nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tăng cường độ bao phủ của các chính sách BHYT. Việc này cần ưu tiên bên cạnh việc tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm.
Dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, tỷ lệ tiền túi của người dân phải bỏ ra cho công tác chăm sóc y tế nếu đạt mức 30% thì có hệ thống y tế bền vững. Vì vậy, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Vạch nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế
Song song với đó, ngành Y tế chưa khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Về vấn đề này, tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, có nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới thiếu thuốc, vật tư y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay vấn đề mua thuốc có 3 nơi đảm nhận. Bộ Y tế chỉ phụ trách vấn đề đấu thầu tập trung cấp quốc gia, chỉ chiếm khoảng từ 16 - 18% tổng số, còn lại là đấu thầu tập trung cấp tỉnh và các cơ sở trực tiếp chủ động mua sắm cho mình.
Về phía Bộ Y tế, từ tháng 8 đến tháng 10 đã liên tục có những văn bản đề nghị các nơi tổng hợp lại những vấn đề còn vướng mắc để tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục tháo gỡ. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, có mấy vấn đề đặt ra khiến xảy ra tình trạng ở cơ sở.
Trước hết là do việc triển khai thực tế, rất nhiều đơn vị địa phương giao cho những đơn vị đấu thầu. Các bác sĩ làm chuyên môn, chưa có chuyên môn sâu về đấu thầu nên trong quá trình làm còn lúng túng. Việc phân cấp, phân quyền: Ví dụ như Bộ đã phân cấp toàn diện cho các cơ sở thuộc Bộ đảm nhiệm việc mua sắm.
Tuy nhiên, ở địa phương cũng có nơi các cơ sở y tế cũng chỉ đảm bảo mua dưới 100 triệu đồng, trên 100 triệu đồng phải trình qua Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND tỉnh phê duyệt nên việc mua sắm rất lâu. Tư lệnh ngành Y tế mong thời gian tới, các tỉnh rà soát lại quy định này làm sao đảm bảo vừa quản lý được vừa trao quyền cho các đơn vị.