Dạy trẻ biết khoan dung

GD&TĐ - Đôi khi những tình huống chúng ta gặp trong cuộc sống khiến mình phải chịu thiệt thòi, ấm ức. Điều đó thường dẫn tới những phản ứng tiêu cực không mấy dễ chịu. Dạy trẻ biết khoan dung độ lượng để tha thứ cho một ai đó nếu có thể được sẽ làm cho cuộc sống nhân ái hơn.

Dạy trẻ biết khoan dung

Những tình huống tréo ngoe

Khi đón con ở sân trường nhìn thấy vẻ mặt không vui của con gái, chị Lan Anh (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) đã trò chuyện với con. Sau một hồi ngân ngấn nước mắt, con bé kể: “Hôm nay ở lớp tới phiên tổ con trực nhật, con đã đến sớm để quét lớp còn bạn ngồi cùng bàn con chẳng làm gì.

Con đã nhắc bạn phải đứng lên xóa bảng trước khi cô vào dạy, vậy mà bạn ấy không nghe. Thế nên, khi vào lớp cô giáo đã yêu cầu cả lớp phải đứng cho tới khi con đi lên xóa bảng. Chúng con vừa bị phê bình và bạn ấy bị phạt trực nhật thêm một hôm nữa”.

- Vậy con sẽ xử trí thế nào?

“Con mà để bạn ấy trực nhật một mình, kiểu gì cũng muộn mẹ ạ. Nhưng nếu giúp bạn ấy thì lần sau bạn ấy lại có thể mắc lỗi.” “Theo mẹ, nếu là lần đầu thì con nên giúp bạn ấy và hỏi xem vì lý do gì mà bạn không thể trực nhật cùng con. Con cũng nói điều này với cô giáo để cô hiểu và xử lý nhé”. - chị Lan Anh đã tư vấn giúp con như thế.

Chia sẻ về chuyện ở trường con thường xuyên phải chịu thiệt thòi trong giờ ăn, chị Ngọc Mai, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tâm sự:

Khi thấy con phàn nàn về việc hay bị các em lớp dưới đòi ưu tiên nhận phần ăn trước, chị đã giải thích cặn kẽ cho con: Thật ra con và các bạn chỉ nhận chậm hơn các em nhỏ sau vài phút, vì vậy đừng buồn về điều đó. Con và các bạn phải lấy đó là niềm vui vì mình là các anh chị lớn biết nhường nhịn cho các em nhỏ hơn…

Từ hôm đó chị thấy con về nhà vui hơn và còn tíu tít kể chuyện giờ ăn ở trường đầy hào hứng. Có hôm cháu còn kể: “Hôm nay con đã tha thứ và làm hòa với một bạn cùng lớp vì bạn ấy trót làm rơi mực ra chiếc áo mà con thích nhất. Sau đó bạn ấy đã xin lỗi con mẹ ạ”.

Rộng lượng với những người xung quanh

Diễn giả truyền cảm hứng Nguyễn Phùng Phong của chương trình “Cha mẹ học, con thành tài” cũng cho rằng: Khoan dung không phải là nhu nhược, lại càng không phải là biểu hiện của sự bất lực.

Khoan dung đối với người khác, không những giúp chúng ta thêm nhiều niềm vui mà còn khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Tấm lòng khoan dung giúp con người ta hướng thiện, biết chấp nhận thiệt thòi vì những người xung quanh.

Thông thường trẻ học được lòng khoan dung độ lượng thông qua sự quan sát mà các con nhìn thấy từ những người xung quanh, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Bởi vậy, chính thái độ, cách cư xử của người lớn sẽ khiến trẻ học theo rất nhanh.

Việc cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội, trong đó có những hoạt động từ thiện sẽ là cơ hội tốt nhất giúp trẻ có được môi trường thực hành.

Để trẻ biết khoan dung với người khác còn cần thời gian và quá trình. Mỗi ngày một chút bắt đầu từ những câu chuyện trên phim ảnh hay những tình huống thực tế, trẻ sẽ tự nhận thức và ngấm dần.

Những câu chuyện về cuộc đời thực về số phận không may mắn về một ai đó mà trẻ được chứng kiến, hoặc nghe kể cũng khiến trẻ biết động lòng trắc ẩn. Hãy nói với các con rằng, khi chúng ta làm được một việc tốt sẽ thấy tâm hồn vui vẻ và sẽ luôn được người khác yêu mến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ