Theo TS Trần Thị Minh Huế - Trưởng khoa Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán năm 2022 có những khác biệt căn bản. Trên hết là sự thành công và hài lòng của báo cáo viên cũng như học viên.
Phát triển nhiều năng lực chuyên môn
- Là người trực tiếp tham gia xây dựng Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025” (Đề án 33), TS kỳ vọng điều gì ở Đề án này?
- Đề án 33 đã thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước trong phát triển giáo dục mầm non trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện Đề án 33, tôi mong muốn có được sự thay đổi căn bản về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non. Qua đó, bảo đảm cho chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam trong bối cảnh thực tiễn.
TS Trần Thị Minh Huế. Ảnh: NVCC. |
- Nhiều người ví Đề án 33 như “luồng gió mới” cho các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và các cơ sở giáo dục mầm non. Còn TS thì sao?
- Tham gia và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng tôi nhận thấy, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cấp học mầm non đã được tiếp nhận, phát triển nhiều năng lực chuyên môn và hoàn thiện các phẩm chất nghề nghiệp. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hoá, quốc tế hóa.
Đặc biệt, sự thiết lập và phát triển cộng đồng nghề nghiệp tích cực giữa các nhà quản lý, giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trong toàn quốc đã giúp cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có điều kiện học hỏi và đóng góp nhiều hơn trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về phát triển giáo dục mầm non.
Đề án 33 đặt các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non vào bối cảnh cần có trách nhiệm tham gia và tham gia hiệu quả cùng với Bộ GD&ĐT trong triển khai các các chương trình mục tiêu về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019-2025.
Tinh thần của Đề án 33 đã thúc đẩy đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đổi mới. Giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non tích cực, chủ động hơn trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo theo định hướng tự chủ, phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thiện phẩm chất nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trước yêu cầu đổi mới.
Học viên thảo luận tại lớp học Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán năm 2022. |
Mong muốn được tiếp nối những hoạt động bồi dưỡng
- Thực tế, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vẫn còn những hạn chế nhất định, liệu Đề án 33 có góp phần khắc phục những khó khăn cho họ?
- Chất lượng của giáo dục mầm non tại các địa phương gắn liền với vấn đề thực hiện quyền tự chủ và trao quyền tự chủ ở một số lĩnh vực như: nhân lực, tài chính, chương trình giáo dục… cho các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên.
Qua thực tế tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn với tư cách là báo cáo viên tại các địa phương, tôi nhận thấy, đâu đó trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non của chúng ta còn thiếu về năng lực tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thiếu về năng lực thực hiện quyền trao quyền.
Chúng ta cần tiếp tục, nghiên cứu, rà soát hoàn thiện các chính sách, văn bản ngày càng phù hợp với bối cảnh mới. Qua đó, giúp đội ngũ này thực hiện tốt hơn các chức trách nhiệm vụ được giao.
TS Trần Thị Minh Huế làm báo cáo viên tại Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên mầm non và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non tỉnh Bắc Kạn. |
- Khép lại Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán năm 2022 ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; TS nhìn nhận và đánh giá như thế nào về Khóa Tập huấn, bồi dưỡng này?
- Dưới góc nhìn của một thành viên thực hiện Đề án và một báo cáo viên, tôi nhận thấy rõ trách nhiệm và mong muốn được thay đổi của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán khi tham gia các lớp bồi dưỡng.
Chúng tôi đã làm việc cùng nhau với tư cách là các nhà chuyên môn thực thụ về giáo dục mầm non.Các báo cáo viên và học viên cùng nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả bồi dưỡng.
Sự hợp tác cùng sáng tạo về phương thức tổ chức trong bối cảnh thực tiễn của lớp học; chia sẻ, kết nối trách nhiệm và cảm xúc, những mong muốn cống hiến và những hành động thay đổi… Tôi được tiếp thêm động lực và lòng yêu nghề từ Khóa Tập huấn, bồi dưỡng này!
TS Trần Thị Minh Huế và các học viên chụp ảnh lưu niệm. |
- Theo TS, ngoài kiến thức chuyên môn, học viên lĩnh hội được những gì từ Khóa Tập huấn, bồi dưỡng nêu trên? TS có ấn tượng gì đặc biệt với Khóa Tập huấn, bồi dưỡng này?
- So với những khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trước đây mà tôi từng được tham gia, tôi thực sự thấy những khác biệt căn bản trong Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán năm 2022.
Từ lời nói, chữ viết, hành động của các học viên, tôi nhận thấy sự hài lòng và mong muốn được tiếp nối những hoạt động bồi dưỡng như thế này trong thời gian tới.
Xin cảm ơn TS!
"Một cách khái quát, tôi cho rằng, Khoá Tập huấn, bồi dưỡng này đã rất thành công. Sự thành công này có được bởi nhiều yếu tố. Ngoài vấn đề chuẩn bị tốt về tài liệu, đội ngũ báo cáo viên thì yếu tố cốt lõi là: chúng ta đã tổ chức bồi dưỡng theo quan điểm “Lấy cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán là trung tâm”; theo tiếp cận bối cảnh thực tiễn, tiếp cận chuẩn chất lượng hiệu trưởng, giáo viên mầm non cốt cán, chuẩn giáo viên và theo tiếp cận cá nhân hóa, nhân văn hóa, đa dạng hóa" - TS Trần Thị Minh Huế.