Đừng chạm vào sao biển

GD&TĐ - Việc bắt sao biển để chụp ảnh “sống ảo” là sở thích của không ít du khách. Ít ai biết rằng hành động đưa sao biển lên khỏi mặt nước không chỉ giết chết loài này mà còn góp phần hủy hoại môi trường.

Đừng chạm vào sao biển

Sống ảo chết thật!

Mới đây trên nhiều diễn đàn du lịch, câu chuyện một du khách đăng tải bức ảnh sao biển chết khô do bị đưa lên bờ để chụp ảnh “sống ảo” ở Rạch Vẹm, Phú Quốc đã thu hút nhiều sự quan tâm.

Đa số các bình luận là phẫn nộ bởi hành động thiếu hiểu biết của một số bạn trẻ đã dẫn đến cái chết không đáng có của loài sinh vật biển vốn là biểu trưng của vùng biển này.

Việc bắt sao biển lên bờ đã trở thành “thói quen” của một số du khách. Trên các trang mạng, nhiều tài khoản liên tục chia sẻ những tấm hình check-in của cả những người nổi tiếng dùng sao biển làm công cụ sống ảo mà không biết rằng chỉ cần rời khỏi mặt nước tầm vài chục giây, sao biển sẽ chết ngay.

GS.TS Đỗ Công Thung, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết, sao biển thở bằng các chân ống và các nốt nhú (các hạt nhỏ li ti rải khắp mình). Các chân ống và các nốt nhú này được trang bị một lớp mô rất mỏng, cho phép các loại khí đi qua dễ dàng, dù là hít vào oxy (O2) hay thở ra carbon dioxide (CO2), trong một quá trình được gọi là khuếch tán.

Khác với các loài cá chỉ có hai mang, khắp mình sao biển được bao phủ bởi các nốt nhú. Nói cách khác, “mũi” hay “mang” của chúng được đặt rải khắp bề mặt cơ thể. Khi không còn ở trong nước, sao biển không chỉ không hấp thu được oxy cần thiết.

Vì thế, chúng không thể thải carbon dioxide và carbon monoxide (CO) ra khỏi cơ thể. Điều này dẫn đến ngộ độc carbon dioxide và carbon monoxide và gây ra tử vong. Phần lớn sao biển chỉ có thể nín thở dưới 30 giây.

Sao biển, hải sâm và san hô, bẩm sinh đã là những sinh vật cực kỳ yếu ớt, mỏng manh. Chỉ một cái chạm nhẹ thôi là đã có thể làm tổn thương chúng. Hành vi đưa chúng lên khỏi mặt nước là hành vi thô bạo, giết chết loài thủy sinh đặc hữu này.

“Khi bị đưa lên khỏi mặt nước, sao biển sẽ chết trong vòng khoảng 1 phút trở lại. Hành vi bắt sao biển lên khỏi mặt nước để chụp ảnh rất nguy hiểm. Nó đe dọa sự sống của loài này. Các bãi biển có sao biển cần đưa ra những cảnh báo, nếu không loài sao biển sẽ đứng trước nguy cơ khan hiếm và tuyệt chủng, mất đi giá trị của sinh cảnh biển”, GS.TS Đỗ Công Thung cho biết.

Còn ông Nguyễn Linh Ngọc, chuyên gia bảo tồn biển Phú Quốc cho biết, nhiều du khách bắt sao biển lên khỏi mặt nước để chụp ảnh, rồi lại thả xuống ngay thì không sao. Nhưng khi để phơi nắng trên bờ, chúng sẽ chết nhanh chóng.

Sao biển không có giá trị kinh tế như hải sâm hay cá ngựa. Sao biển là đối tượng hải sản bình thường. Nó không phải là động vật chỉ thị cho sinh thái ít có giá trị khoa học. Nó là loài giáp xác, chẳng ai ăn vì không có thịt. Du khách thích chủ yếu hình thù nó giống ngôi sao.

Về mặt bảo tồn biển cũng không quy định cấm khai thác sao biển vì loài này không có tên trong danh mục bảo tồn. Nhưng sao biển lại tạo ra cảnh quan đẹp cho môi trường biển, thu hút du khách rất lớn. Do vậy, việc bảo vệ sao biển chủ yếu trông chờ vào ý thức của du khách cũng như sự nhắc nhở của các khu nghỉ dưỡng.

Vai trò quan trọng trong hệ sinh thái

Việt Nam có 60 loài sao biển khác nhau phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam, riêng vịnh Nha Trang đã phát hiện được 20 loài thuộc 16 chi, 11 họ và 4 bộ. Còn tại bãi vạn bội Cát Bà, Hải Phòng có bãi sao biển với diện tích rộng lên đến 5 ha là nơi tập trung các loài sao biển rãnh nông và sao biển rãnh sâu với mật độ cao khoảng 20 con/m2. 
Thức ăn của sao biển là cá, ốc, trai, mực tôm và các loại có thân mềm khác. Một số loài sao biển có khả năng lộn dạ dày ra ngoài để bao lấy những thức ăn có kích thước lớn rồi tự tiêu hóa ngay bên ngoài cơ thể của chúng.
Việt Nam có các loài như sao biển gai, sao biển xanh, sao biển gối, sao biển giòn… Mỗi loài khác nhau có một vai trò nhất định, đóng góp cho hệ sinh thái chung, đặc biệt tạo nên tính liên tục trong chuỗi thức ăn mà một khi chuỗi thức ăn này bị phá hủy sẽ gây tác động không ít nhiều đến cả một hệ sinh thái.

Anh Lê Chiến, Trưởng Trung tâm cứu hộ sinh vật biển Sasa cho biết, việc sờ nắn, cầm, chạm, bắt sao biển và sinh vật biển lên bờ là vô cùng phản cảm. Nó đang bị lên án mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Khi con người chạm vào các sinh vật biển, vi khuẩn và hóa chất từ kem chống nắng, xà phòng... trên tay có thể tấn công trực tiếp vào mô mềm của chúng.

Sinh vật chưa từng tiếp xúc và không có hệ thống miễn dịch với vi khuẩn từ con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dù có thể chưa chết ngay. Ngoài ra, sao biển chỉ có khả năng phơi nắng trong một khoảng thời gian nhất định, nên đem chúng lên bờ là vô cùng nguy hại.

Ngoài ra, không phải bất cứ sinh vật biển nào cũng vô hại với con người. Nếu chạm nhầm loài sao biển, con người có thể bị đốt, sốc và tử vong. Chưa kể còn nhiều loài có độc tố khác như ốc cối. Việc làm này cũng chính là đùa giỡn với mạng sống của mình và người thân.

GS.TS Đỗ Công Thung cho biết, sao biển là loài chủ chốt (keystone species) trong hệ sinh thái. Chúng là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là xác thối, động vật thân mềm, cá nhỏ, tảo hoặc mùn bã hữu cơ. Trên thế giới hiện có hơn 1.900 loài sao biển, sống ở tất cả độ sâu của các đại dương.

Chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình luân chuyển hữu cơ, vận hành hệ sinh thái mà chúng tồn tại. Vì vậy, việc thiếu vắng hoặc suy thoái của sao biển có thể dẫn đến sụp đổ cả hệ sinh thái dưới biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.