Cụ thể, nhóm chuyên gia quyết định chọn chuột đồng (Microtus ochrogaster) bởi chúng là một trong số ít loài sống với cá thể khác phái như vợ chồng. Chúng kết cặp với nhau, cùng nhau xây tổ, đẻ con và cùng nhau nuôi nấng. Việc ghép đôi này không giống như ở người nhưng các nhà khoa học tin rằng vẫn sẽ có nhiều cơ chế thần kinh cơ bản như tình yêu của con người.
Ở thử nhiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã cấy điện cực vào não bộ của những con chuột cái để xác định mạch thần kinh cụ thể đóng vai trò kích hoạt "tình yêu" khi chúng bắt đầu kết đôi trong môi trường tự nhiên. Họ phát hiện có một kết nối hoạt động tích cực hơn vào thời điểm 2 cá thể kết đôi, đặc biệt là sau khi giao phối hay âu yếm nhau.
Khi xác định được "mạch yêu", các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách kích hoạt nó ở những con chuột cái bằng cách sử dụng kỹ thuật optogenetics. Để thực hiện điều đó, họ chèn thêm một số gen vào các nơron thần kinh của võ não trước trán, từ đó có thể kích hoạt nơron khi chúng tiếp xúc với ánh sáng. Sau đó, họ sẽ đưa các xung ánh sáng vào vùng não này thông qua một sợi quang để kích hoạt các gen.
Để kiểm tra xem hệ thống này có thật sự hiệu quả hay không, đầu tiên, các nhà khoa học đã cho một con chuột đực may mắn lại gần cá thể chuột cái trên trong suốt 1 tiếng đồng hồ nhưng ngăn không cho chúng giao phối.
Suốt quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu liên tục kích thích các nơron nằm ở vỏ não có liên kết với hệ thống khen thưởng ở cùng một tần số dao động như khi giao phối, nhằm mô phỏng tín hiệu kết đôi trong tự nhiên. Sau đó, họ cho những con cái lựa chọn hoặc giao phối với một cá thể đực khác hoặc với cá thể đã có dịp gặp trước đó.
Trong số 12 con cái được thử nghiệm, 10 con đã chọn bạn tình mà nó đã biết trước. Trong một thử nghiệm tương tự ở 10 cá thể chuột khác nhưng các nhà khoa học chèn vào các gen không liên quan, chỉ có 3 con lựa chọn bạn tình mà nó từng biết.