Trên thế giới, hiện có tới hơn 5.000 loài động vật có vú khác nhau đang sinh sống. Tuy nhiên, con người chúng ta (Homo sapiens) là loài duy nhất có bầu ngực luôn căng tròn, tức là không bị giảm kích thước khi không mang thai.
Một số người đơn giản chỉ coi bầu ngực to và căng tròn là nét gợi cảm riêng có của loài người. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới một câu hỏi cần lời giải đáp, đó là: Tại sao bầu ngực của phụ nữ lại khác biệt như vậy và đó có phải là một sai lầm của tạo hóa?
Ngoại trừ loài người, tất cả động vật có vú đều phát triển kích thước của bầu ngực lớn lên một cách tạm thời trong quá trình rụng trứng hoặc nuôi con. Về cơ bản, bầu ngực đối với các loài động vật chỉ nhằm mục đích sản xuất sữa.
Vì vậy, khi không cần sữa nữa, bầu ngực sẽ teo nhỏ lại. Tuy nhiên, kể từ khi dậy thì, bầu ngực của người phụ nữ sẽ liên tục phát triển cho tới khi đạt được một kích thước nhất định ở tuổi trưởng thành. Việc mang thai không hề ảnh hưởng tới quá trình bầu ngực lớn lên trong tuổi dậy thì.
Việc này không hề giống với các loài động vật có vú khác và đã thúc đẩy các nhà khoa học tìm kiếm điều gì đã thay đổi trong quá trình tiến hóa của con người. Ví dụ, vào năm 1987, nhà sinh vật học Tim Caro đã đưa ra 7 giả thuyết khác nhau về bầu ngực của phụ nữ.
Trong đó, đáng chú ý nhất là giả thuyết cho rằng kích thước ngực lớn sẽ giúp đứa trẻ có thể dễ dàng bú sữa mẹ trong khi được bế bên hông, từ đó cho phép người mẹ di chuyển linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, giả thuyết này lại không giải thích được tại sao bầu ngực của phụ nữ lại to lên và không bị nhỏ đi sau khi sinh con một thời gian.
Ngực của phụ nữ đã tiến hóa để trở thành một biểu tượng giới tính
Có lẽ, giả thuyết hợp lý nhất đã từng được nêu ra lần đầu tiên bởi nhà sinh học nổi tiếng Charles Darwin và được nhà động vật Desmond Morris giải thích rõ hơn trong quyển sách "The Naked Ape" (Vườn trần trụi) xuất bản năm 1967.
Trong đó, Morris cho rằng bầu ngực phát triển là biểu tượng giới tính được con người dùng để thay thế cơ quan sinh dục. Ở nhiều loài linh trưởng, cơ quan sinh dục thường được dùng để nhận biết đâu là con cái và thời điểm chúng sẵn sàng mang thai.
Tuy nhiên, khi tổ tiên của con người bắt đầu đứng thẳng, việc phân biệt giới tính chỉ bằng cơ quan sinh dục trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, bầu ngực đã phát triển như là một cách để đàn ông dễ dàng nhận biết đâu là một người phụ nữ trưởng thành và có thể mang thai.
Giả thuyết này giải thích tại sao ngực của phụ nữ lại liên tục lớn lên trong tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nó lại không giải thích được tại sao sau thời kỳ mãn kinh, bầu ngực của phụ nữ vẫn không biến mất. Để giải thích được triệt để vấn đề, chúng ta cần phải tìm hiểu cấu tạo của bầu ngực phụ nữ.
Sự khác biệt lớn nhất giữa bầu ngực con người so với các loài động vật khác đó là chúng có nhiều mỡ hơn hẳn. Mỡ lấp đầy các mô bên trong bầu ngực và khiến nó căng tròn. Ngoài ra, khác với sữa, mỡ ở trong bầu ngực không bao giờ biến mất. Đó là lý do vì sao bầu ngực của phụ nữ không bao giờ biến mất.
Trong trường hợp phát triển ở một kích thước quá lớn, bầu ngực thậm chí còn có thể khiến phụ nữ bị đau lưng. Đó là lý do vì sao nhiều phụ nữ ngày nay phải thực hiện phẫu thuật cắt bớt ngực. Tại Mỹ, có tới 61.000 phụ nữ đã phải tiến hành phẫu thuật này chỉ riêng trong năm 2016.
Bầu ngực lớn không chỉ gây ra một số bất tiện trong sinh hoạt đối với phụ nữ, chúng còn có thể gây chết người. Ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong số 1 của phụ nữ trên khắp thế giới. Hàng năm, có 1,5 triệu phụ nữ bị phát hiện mắc ung thư vú. Và chỉ riêng năm 2015, 570.000 phụ nữ đã chết vì căn bệnh này.
Theo nhiều nhà khoa học, ung thư vú không phải là căn bệnh phổ biến trong nhiều loài động vật linh trưởng khác. Nguyên nhân có thể do nguy cơ ung thư vú tăng dần theo độ tuổi của người phụ nữ.
Trong khi đó, các loài động vật khác lại không thể sống lâu được như con người. Tuy nhiên, lý do của ung thư vú cũng có thể là vì bầu ngực luôn căng tròn của phụ nữ. Giả thuyết này được đặt ra sau khi có một nghiên cứu cho thấy, nguy cơ ung thư vú giảm tới 95% đối với những người phụ nữ đã từng làm phẫu thuật cắt bớt cả hai bên ngực.
"Ung thư thường xuất hiện ở những tế bào có khả năng phân chia nhanh. Mỗi lần tế bào được sinh ra và chết đi đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra lỗi trong DNA.
Về cơ bản, một tế bào lỗi có thể trở thành một tế bào ung thư. Tế bào mô ở bầu ngực phụ nữ có tốc độ phân chia rất nhanh nên nguy cơ bị lỗi lại càng lớn hơn", bác sĩ chuyên khoa ung thư Callahan Rena tại California (Mỹ) cho biết.
Dù sao đi nữa, bầu ngực căng tròn của phụ nữ đã luôn được đề cao trong văn hóa và ứng xử xã hội của con người. Phụ nữ luôn khao khát có được bầu ngực đẹp, từ đó khiến họ trở nên hấp dẫn hơn. Và đối với nhiều người đàn ông, họ sẵn sàng làm tất cả để có được một người phụ nữ sở hữu bộ ngực đáng mơ ước.