Khoa học chứng minh lợi ích của việc nằm sấp đối với trẻ sơ sinh

GD&TĐ - Gần đây, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đã đưa ra những hướng dẫn và lợi ích liên quan đến phát triển các cơ quan khi cho bé nằm sấp vài dịp trong ngày. Những hướng dẫn này giúp cha mẹ hiểu và dễ dàng thực hành những hoạt động này cùng trẻ, giúp trẻ đạt được những lợi ích cả về vận động và trí não.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng khả năng vận động

Ngay từ khi trong bụng mẹ, trẻ đã được rèn luyện kỹ năng nằm sấp nhờ sự hỗ trợ của nước ối và bánh nhau. Vì vậy, sau khi chào đời, trẻ sơ sinh thích được nằm sấp hơn nằm ngửa. Nằm sấp sẽ giúp chân tay con có thể khua khoắng, lớn hơn chút con trườn, choài, với, di chuyển, tập bò, chống tay... điều này hỗ trợ tối đa khả năng vận động của trẻ.

Phát triển thị giác

Nếu trẻ chỉ nằm ngửa, tầm nhìn sẽ bị hạn chế trong khoảng không gian trần nhà hoặc hai bên xung quanh. Trẻ sẽ không thể nhìn thấy đồ vật phía trước hoặc phía sau mình. Tuy nhiên, nằm sấp sẽ giúp con cải thiện tầm nhìn, phát triển thị giác mạnh mẽ. Điều này cũng kích thích con vận động, nằm nghiêng, nhìn xung quanh để có thể nhìn thấy nhiều vật hơn.

Phát triển não bộ

Khả năng vận động tốt, khả năng linh hoạt giữa cổ, vai, lưng và tay thành thạo cùng với thị giác phát triển chính là tiền đề giúp não bộ trẻ phát triển. Khi nằm sấp, một phản xạ tự nhiên của trẻ là nhổm đầu, sau khi nhổm được đầu trẻ sẽ tìm cách xoay người để được nhìn xung quanh, điều này sẽ giúp cho xương sống trẻ vận động phát triển - đây là yếu tố rất quan trọng.

Bởi xương sống là nơi truyền thông tin lại não bộ trẻ, trẻ càng hoạt động bộ phận này nhiều, não bộ trẻ càng nhận được nhiều thông tin dẫn tới kích thích hai bán cầu não. Chưa kể, nằm sấp giúp thị giác phát triển, dẫn tới sự tò mò về mọi vật xung quanh, tìm cách trườn, với đồ vật, đây cũng là những tác động ý nghĩa trong việc phát triển não bộ trẻ.

Hạn chế tình trạng méo, bẹp đầu

Nếu mẹ đặt trẻ nằm ngửa nhiều, trẻ sẽ có nguy cơ bị méo hoặc bẹp đầu nhiều hơn so với những trẻ được mẹ cho nằm sấp và khả năng xoay đầu tốt. Vì khi nằm ngửa, trẻ thường có thói quen quay sang một bên để nằm dẫn tới đầu bị méo hoặc bẹp do nằm tư thế chính giữa mà không di chuyển đầu nhiều.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Mẹ đừng lo trẻ bị đau bụng hay đầy hơi, tức ngực khi nằm sấp. Đây là bản năng tự nhiên sinh tồn của trẻ sơ sinh, vì vậy, việc nằm sấp với trẻ không những không gây khó chịu mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ nằm sấp vận động nhiều hơn vì vậy, nhu động ruột cũng hoạt động tốt hơn, hệ tiêu hóa vì thế cũng được cải thiện như giảm táo bón ở trẻ, trẻ nhanh đói, ăn ngon hơn chẳng hạn.

Lưu ý khi cho trẻ nằm sấp

Nằm sấp sai cách có thể ảnh hưởng tới khả năng vận động của con, trẻ khó chịu, quấy khóc, đau tay chân, tức bụng. Vì vậy, khi cho con nằm sấp mẹ cần lưu ý:

- Chỉ cho trẻ nằm sấp khi trẻ được 3 - 4 tuần tuổi sau sinh.

- Cho bé nằm sấp sau khi ăn khoảng 1 tiếng, lúc này dạ dày của bé đã tiêu gần hết thực phẩm khiến bé không bị đau khi nằm.

- Cho trẻ nằm sấp từ từ. Khi mới tập cho trẻ nằm sấp, mẹ chỉ cho nằm từ 1 - 2 phút, sau đó tăng dần thời gian nằm sấp cho tới khi trẻ có thể tự mình lẫy được.

- Lần đầu cho bé nằm sấp, mẹ dùng tay nghiêng đầu để con có thể nhìn thấy mọi vật (lúc này bé chưa có phản xạ nghiêng đầu). Lâu dần, con sẽ hiểu ở tư thế này có thể nghiêng đầu thoải mái và không cần sự trợ giúp từ mẹ nữa.

- Không đeo bao tay, chân khi trẻ nằm sấp để con có thể cảm nhận mọi vật một cách “thật” nhất, điều này giúp phát triển xúc giác ở trẻ.

Các tư thế nằm sấp an toàn cho trẻ sơ sinh:

- Đặt trẻ nằm trên bụng mẹ: Mẹ nằm ngửa, đặt con lên bụng. Trẻ sẽ cảm thấy thích thú, đồng thời làm khăng khít hơn tình cảm mẹ con.

- Mẹ bế trẻ nằm sấp trên tay hoặc đùi sau khi đã thay tã giúp trẻ cảm thấy thoải mái. Bế trẻ nằm sấp trên vai rồi vỗ về trẻ ợ hơi làm giảm nôn trớ sau khi trẻ bú mẹ.

- Mẹ đặt trẻ nằm sấp dưới giường: Mẹ nên nhớ đặt một chiếc khăn bông mềm hoặc để ga mềm nhưng không nhũn để trẻ có thể cảm thấy êm ái. Tuyệt đối không để khăn và đồ vật xung quanh quá nhiều, chỉ cần điểm xuyến để mắt trẻ chăm chú vào các vật lạ xung quanh trẻ.

- Khi trẻ đã cứng cáp, có thể ngóc đầu dậy được một lúc, mẹ có thể nhẹ nhàng đỡ đầu trẻ để giúp trẻ xoay chuyển hướng trái, phải. Trước mặt trẻ, mẹ hãy để một số đồ chơi với các màu sắc để kích thích khả năng quan sát của trẻ.

- Ngoài tư thế nằm sấp, mẹ nên cho trẻ xen kẽ thêm nhiều tư thế khác như nằm nghiêng, nằm ngửa để tránh méo đầu và hỗ trợ phát triển vận động của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

HLV Leicester City bị sa thải

HLV Leicester City bị sa thải

GD&TĐ - Leicester City vừa ra thông báo về quyết định sa thải đối với huấn luyện viên Steve Cooper sau chuỗi thành tích kém cỏi ở Ngoại hạng Anh