Thành phố Palu, đảo Sulawesi, Indonesia, nằm ở đồng bằng với phù sa sông màu mỡ. Nơi đây cũng tiếp giáp với vịnh nước hẹp, xung quanh được che chắn bởi những ngọn núi cao dốc thẳng xuống biển. Tuy nhiên, những yếu tố giúp Palu phát triển thịnh vượng cũng có thể khiến thành phố này trở nên mong manh trước thiên tai..
Khi đội giải cứu tới để hỗ trợ người sống sót sau trận động đất và sóng thần hôm 28/9, các chuyên gia địa chất bắt đầu phác họa bức tranh về nguyên nhân khiến thảm họa tự nhiên này có sức hủy diệt lớn như vậy.
Chuỗi hiện tượng địa chất bắt nguồn từ động đất mạnh đã hóa lỏng đất mềm và có thể gây trượt lở đất dưới biển, tạo nên sóng thần. Sóng thần nhiều khả năng còn mạnh lên nhờ hình dạng đặc biệt của vịnh. Giới khoa học đang tiếp tục thu thập dữ liệu về trận động đất 7,5 độ cũng như các rung chấn xảy ra trước và sau đó.
Đứt gãy Palu-Koro gây ra trận động đất mạnh. |
Các chuyên gia cho rằng có thể yếu tố dẫn đến thảm họa là sự dịch chuyển của đứt gãy Palu-Koro chạy từ phía bắc xuống phía nam đảo Sulawesi, xuyên qua vịnh Palu. "Đó là một trong những đứt gãy hoạt động mạnh nhất thế giới", tiến sĩ Jane Cunneen tại khoa Khoa học Trái Đất và Hành tinh thuộc Đại học Curtain cho biết.
Palu-Koro thuộc loại đứt gãy trượt ngang, nghĩa là hai bờ trượt qua nhau theo chiều ngang. Đứt gãy này thường dịch chuyển 30-40 mm một năm, bờ tây dịch về phía nam trong khi bờ đông dịch về phía bắc.
Động đất ở loại đứt gãy này gây rung lắc mạnh và có thể khiến hai bờ dịch chuyển đáng kể, theo Adam Switzer, giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang. "Các thông số ban đầu cho thấy chúng dịch chuyển khoảng vài mét", Switzer nhận định.
Tâm chấn của động đất không nhất thiết nằm trên trục chính của đứt gãy. Trong trận động đất đảo Sulawesi, tâm chấn ở phía bắc của đứt gãy chính.
Quá trình trượt lở đất ngầm gây ra chuyển động sóng. |
Giới nghiên cứu vẫn chưa rõ chính xác cách đứt gãy trượt ngang gây ra sóng thần, theo giáo sư Phil Cummins tại khoa Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Quốc gia Australia. Đứt gãy nghịch dễ gây ra sóng thần hơn vì khi nó dịch chuyển dọc, một cột nước biển được đẩy lên và dẫn đến chuyển động sóng.
Các chuyên gia cho rằng trận động đất nhiều khả năng đã gây ra lở đất dưới biển. Do những ngọn núi dốc tại Palu lấn sâu xuống biển, một hoặc vài sườn núi có thể bị động đất phá hủy, khuấy động lượng lớn nước và tạo nên sóng thần.
Cụ thể, một mảng đất dưới biển tách ra và trượt xuống, khiến nước tràn vào vị trí cũ. Trong khi đó, nước ở vị trí mảng đất rơi xuống lại dâng lên. Điều này có khả năng dẫn đến chuyển động sóng, Cummins cho biết.
Hình dáng hẹp của vịnh có thể khiến sóng thần tàn phá mạnh hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần thu thập thêm thông tin về vị trí, nguyên nhân sóng thần hình thành trước khi xác định mức độ ảnh hưởng của hình dáng vịnh.
Một khả năng khác là một trong các bờ vịnh đã dịch chuyển, gây ra chuyển động sóng, theo giáo sư Cummins. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu xem sóng thần hình thành ở trong hay ngoài vịnh, liệu có nhiều nguyên nhân cùng kết hợp không.