Khó thở ngay sau khi xịt thuốc diệt kiến, gián

Hóa chất diệt côn trùng thường được các gia đình sử dụng. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan hoặc không biết rằng, nếu sử dụng nhiều và trong phòng nhỏ, kín, không thoáng khí thì có nguy cơ bị ngộ độc.

Khó thở ngay sau khi xịt thuốc diệt kiến, gián

Thạc sĩ - bác sĩ Phan Thanh Sơn - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, nơi đây đã tiếp nhận những trường hợp bị ngộ độc hóa chất diệt côn trùng sau khi phun xịt trong gia đình.

Nhà bà Phan Thị B. (58 tuổi, ở Q.6) mới mở cơ sở chế biến cơm cháy nhưng trong nhà có rất nhiều kiến và gián. Sợ kiến, gián làm hỏng thức ăn và mất vệ sinh, không an toàn thực phẩm nên con gái của bà B. đã ra tiệm tạp hóa mua một chai xịt côn trùng với nhãn toàn tiếng Trung Quốc. Khi xịt, các thành viên trong gia đình đều được “sơ tán” ra ngoài sân và 15 phút sau thì trở vào sinh hoạt bình thường.

Nhưng sau khi vào nhà được khoảng 30 phút, bà B. nhảy mũi, ho liên tục và choáng, khó thở. Ngay lập tức, bà được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bà B. bị kích ứng đường hô hấp thuốc diệt côn trùng. Bà được cho thở ô-xy và nằm theo dõi một buổi rồi xuất viện. 

Kho tho ngay sau khi xit thuoc diet kien, gian
Bác sĩ Đinh Tấn Phương khám cho một bệnh nhi bị ngộ độc hóa chất

Tương tự, ông Trần Bình H. (67 tuổi, ở Q.10) vốn bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và tim mạch, nên sau khi gia đình phun thuốc trừ gián, kiến hiệu R. thì ông bị tức ngực, choáng váng, khó thở kèm nôn ói. Ông được đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115 và may mắn nhờ cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Phan Thanh Sơn cho biết: “Nếu sử dụng thuốc (những chai xịt nhỏ hay được lưu thông trên thị trường) đã được cấp phép và chỉ xịt ít, khi xịt phải đi ra ngoài thì vẫn an toàn. Tuy nhiên, dù thuốc diệt côn trùng có nguồn gốc hóa học, hay thực vật thì cũng phải sử dụng đúng liều”.

Bác sĩ Sơn lưu ý: nếu phun xịt thuốc diệt côn trùng trong không gian hẹp, kín, thiếu không khí và thời gian cách ly không đảm bảo thì có thể gây ngộ độc. Mức độ ảnh hưởng từ hóa chất diệt côn trùng phụ thuộc vào nguồn gốc hóa chất tạo nên nó, nồng độ, diện tích và thời gian cách ly. Ngay cả chất khử mùi, có mùi thơm nồng (hay sử dụng ở các phòng karaoke để khử mùi thuốc lá, rượu bia, ẩm mốc) cũng có thể gây ngộ độc. 

Những đối tượng có nguy cơ bị ngộ độc là người có cơ địa dị ứng, bệnh hô hấp như suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh lý tim mạch. Ảnh hưởng sức khỏe rõ nhất là bị kích ứng đường hô hấp: hắt xì hơi, nghẹt mũi, ho, choáng váng, nặng ngực, khó thở - trong trường hợp nặng hơn có thể gây nôn ói, hôn mê.

 “Một khi có dấu hiệu bị ngộ độc: hồi hộp, tức ngực, nặng ngực, hơi khó thở, thở nhanh, bồn chồn thì lập tức ra khỏi môi trường đó và đến chỗ thông thoáng khí. Sau 5-10 phút, nếu vẫn còn các triệu chứng này thì cần đến cơ sở y tế - nhất là những người có bệnh lý từ trước như tim mạch, hô hấp, dị ứng”, bác sĩ Sơn khuyên.

Theo Phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ