Một gia đình có con riêng, con chung thường phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn một gia đình bình thường với biết bao câu chuyện buồn vui và để giải bài toán “hòa thuận” không hề dễ dàng.
Chinh phục con riêng - Bài toán khó
Đắn đo, suy nghĩ, sau nhiều đêm mất ngủ chị Mai Thanh (Đống Đa, Hà Nội) mới quyết định tái hôn với anh Minh. Cả hai người xây dựng lại mái ấm gia đình cùng hai đứa con riêng của mình.
Đó là quyết định khó khăn khi chị phải phải vượt lên những tính toán, do dự bởi đã lường trước được những khó khăn trở ngại trên bước đường mình sẽ đi.
Thuyết phục được cô con gái 10 tuổi để nó vui vẻ chấp nhận có bố, có em trai mới đã khó chị còn phải tìm mọi cách chinh phục cậu con trai 9 tuổi của chồng.
Thời gian tìm hiểu nhau, việc tiếp cận và xây dựng tình cảm với cậu bé cũng không nhiều trở ngại nhưng lấy nhau về sống chung nhà chị mới biết nếu không khéo léo trong ứng xử thì khó khăn hơn gấp bội.
Cu Long vốn rất kén ăn nên riêng việc nấu ăn cho bé đã làm chị đau đầu. Không ít lần, chị cố kìm nén cơn tức giận khi bé vạch vòi: “Cô nấu ăn chán lắm, cháu không thể nuốt được”.
Làm bất cứ việc gì chăm sóc nó thằng bé cũng so sánh: “Cô phải làm như mẹ cháu ấy” hoặc là thế này, thế nọ… Lúc ốm đau nó cũng không chịu uống thuốc chị mua.
Đã vậy hai đứa trẻ lại sàn sàn tuổi nhau, chúng tranh giành, tỵ nạnh nhau từng món đồ hay dựa vào bố vào mẹ để tìm sự bênh vực, quan tâm làm anh chị thêm mệt mỏi, áp lực.
Dù tuổi bốn mươi đã cận kề nhưng kế hoạch sinh thêm một đứa con cho thêm phần gắn bó của anh chị vẫn phải hoãn lại vì chị Thanh chưa sẵn sàng đương đầu với những thách thức làm mẹ trong hoàn cảnh “con anh, con em, con chúng ta”…
Công bằng và thực sự yêu thương
Rút kinh nghiệm những sự cố mâu thuẫn giữa con riêng và bố dượng trong cuộc tái hôn của người anh họ, anh Thành (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) khi quyết định tái hôn với chị Thư đã “đầu tư” thời gian để xây dựng tình cảm với đứa trẻ trước khi hai người chính thức làm đám cưới.
Hiểu được tâm lý khao khát tình phụ tử của đứa trẻ chỉ thỉnh thoảng mới gặp bố đẻ của nó, anh Thành đã bù đắp cho nó sự thiếu thốn tình cảm đích thực của một người cha bằng sự hào hiệp và yêu thương.
Quá trình làm quen, gắn bó giữa hai người diễn ra thân thiện và tự nhiên đúng như cái “kịch bản” mà anh chị thiết kế. Yêu quý, tin tưởng bác đồng nghiệp của mẹ, chính con bé đã chủ động tha thiết mời anh Thành đến nhà sửa máy tính giúp hai mẹ con.
Thỉnh thoảng, do mẹ bận việc “đột xuất”, bác Thành lại đến trường đón hoặc đưa nó đến lớp học múa và kiên nhẫn ngồi chờ đón nó về. Sau sự thân thiết ấy, con bé không từ chối sự quan tâm chăm sóc của anh Thành, vui vẻ mời bác ở lại cùng ăn cơm hoặc cùng đi chơi xa với hai mẹ con…
Cuộc hôn nhân của anh Thành đã không gặp nhiều rắc rối. Sau này, cũng bằng cách nhẹ nhàng và tự nhiên, thỉnh thoảng anh đón con riêng của mình về nhà hoặc cùng đưa các con đi chơi để chúng kết bạn với nhau.
Cách hành xử ân cần, công bằng của anh đã loại bỏ sự đối kháng giữa những đứa con vì chúng không sợ bị chia sẻ tình cảm hoặc không được quan tâm.
Không ít lần vợ chồng anh chị rơi vào những cuộc cãi vã, tranh luận kịch liệt trong cách nuôi dạy con riêng của mình nhưng họ nhanh chóng cân bằng, bình tĩnh tìm cách giải quyết.
Anh chị hiểu những thiệt thòi của con trẻ nên ra sức bù đắp, không phân biệt con ai và tế nhị trong ứng xử hàng ngày. Chính tình cảm chân thành, không tính toán ấy đã giúp gia đình họ đi qua nhiều cơn giông bão, đến nay đã có được một tổ ấm hạnh phúc.