Khó khăn tuyển sinh TCCN

Khó khăn tuyển sinh TCCN

(GD&TĐ)-Theo công bố của Bộ GD&ĐT, năm 2012 có 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được học sinh, nhiều trường không tuyển đủ thí sinh so với chỉ tiêu được thông báo.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Ảnh: gdtd.vn
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Ảnh: gdtd.vn

Môi trường, Sản xuất và chế biến: chỉ xấp xỉ 1% TS nhập học 

Năm 2012, cả nước có 591 cơ sở giáo dục (chưa kể các trường quân sự tỉnh) được giao nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo trình độ TCCN, với tổng chỉ tiêu được xác định là 374.787 chỉ tiêu.

Tính đến ngày 31/12/2012, Bộ GD&ĐT đã nhận được báo cáo kết quả tuyển sinh TCCN của 573 cơ sở đào tạo TCCN với 449.626 thí sinh đăng ký dự tuyển, so với 395.870 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 114%. 

Các trường đã xét tuyển được 359.339 thí sinh, đạt 90,8% so với chỉ tiêu. Số thí sinh đến nhập học là 251.202 thí sinh, đạt 63,5% (năm 2011 là 71,7%), trong đó số thí sinh nhập học tại các trường TCCN là 112.681 thí sinh, chiếm 44,9%; tại các trường cao đẳng là 107.068 thí sinh, chiếm 42,6%; tại các trường đại học là 26.695 thí sinh, chiếm 10,6% và tại các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN là 4.758 thí sinh, chiếm 1,9%.

Số thí sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào học TCCN là 22.865 học sinh, chiếm 9,1%; số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT được tuyển vào học TCCN là 10.271 học sinh, chiếm 4,1%.

Bộ GD&ĐT thống kê, các thí sinh theo học nhiều nhất lần lượt là các ngành tập trung ở 4 lĩnh vực: Sức khỏe gần 90.000 thí sinh (chiếm khoảng 34%); Kinh doanh và Quản lý  hơn 50.000 thí sinh (chiếm khoảng 22%); Công nghệ kỹ thuật hơn 40.000 thí sinh (chiếm khoảng 17%); Đào tạo giáo viên hơn 36.000 thí sinh (chiếm khoảng 14%); thấp nhất là hai lĩnh vực Môi trường, Sản xuất và chế biến có số thí sinh nhập học chỉ xấp xỉ 1%.

Đặc biệt, các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, Môi trường, Sản xuất và chế biến có rất ít thí sinh đăng ký dự tuyển và nhập học.

Khó khăn tuyển sinh: do đâu?

Mặc dù nhìn chung, công tác tuyển sinh TCCN năm 2012 đã diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, nhưng Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận công tác tuyển sinh TCCN năm 2012 vẫn còn một số hạn chế. Nhiều trường không tuyển đủ thí sinh so với chỉ tiêu được thông báo, công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, thời gian tuyển sinh phải kéo dài, nhưng hiệu quả thấp.

Một số trường đã thông báo thông tin mập mờ, gây sự hiểu lầm cho thí sinh và xã hội về việc thí sinh sẽ được học liên thông lên CĐ, ĐH như là việc đương nhiên nếu học sinh đăng ký theo học TCCN tại trường, trong khi thực tế để được học liên thông lên ĐH, CĐ thí sinh phải đảm bảo các điều kiện khác theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GDĐT.

Một số trường tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu được thông báo, không phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó tập trung chủ yếu ở các trường có đào tạo các ngành về Sư phạm và Y - Dược. Ngược lại, ở một số trường lại không thu hút được học sinh, hiệu quả thấp, trong đó tập trung chủ yếu ở các trường TCCN tư thục và một số trường Văn hóa nghệ thuật hoặc các trường đào tạo về lĩnh lực Nông, Lâm, Thủy sản...

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yêu kém trên, theo Bộ GD&ĐT là do số học sinh tốt nghiệp THPT một vài năm gần đây giữ ổn định và có xu hướng giảm trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ vẫn tăng, cộng với thời gian tuyển sinh vào ĐH, CĐ quá dài nên nguồn tuyển sinh vào học TCCN gặp nhiều khó khăn, năm 2012 đã có 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được học sinh.

Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế, cộng với thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp thời gian gần đây khiến nhiều thí sinh và gia đình không muốn cho con đi học TCCN vì điều kiện tìm được việc làm ngày càng trở nên khó khăn, thu nhập đối với lao động có trình độ TCCN thấp.

Công tác hướng nghiệp ở bậc học phổ thông còn nhiều hạn chế, nên nhiều học sinh và gia đình vẫn lựa chọn học CĐ, ĐH làm con đường phát triển sự nghiệp của mình trong tương lai. Chính sách hỗ trợ phân luồng và giáo dục nghề nghiệp của trung ương và ở các địa phương chưa được chú trọng nên khó thu hút học sinh vào học TCCN. Một số trường chưa chú trọng trong việc bồi dưỡng, huấn luyện cho cán bộ làm công tác tuyển sinh, nên công tác tuyên truyền và tổ chức tuyển sinh bị hạn chế, hiệu quả thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Năm 2013, tuyển sinh TCCN sẽ  thế nào?
 
Về cơ bản công tác tuyển sinh TCCN năm 2013 được thực hiện ổn định như năm 2012. Cụ thể, tiếp tục quy định thống nhất việc tuyển sinh TCCN theo hình thức xét tuyển, riêng đối với các ngành năng khiếu, môn văn hóa được thực hiện theo hình thức xét tuyển, môn năng khiếu do hiệu trưởng nhà trường quyết định thi tuyển hoặc xét tuyển.

Việc xét tuyển căn cứ kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2013 của thí sinh. Các trường có thể tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, tuyển nhiều loại đối tượng theo quy định với những tiêu chí xét tuyển phù hợp để tuyển sinh theo chỉ tiêu đào tạo đã được xác định của trường.

Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào TCCN sẽ nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường đăng ký dự tuyển (qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc đến nộp trực tiếp tại trường).

Ngoài ra, tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể của việc thu nhận hồ sơ và công tác tuyển sinh TCCN tại địa phương, các sở GD&ĐT có thể tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào TCCN của thí sinh trên địa bàn tỉnh (thành phố) và chủ động bàn giao cho các trường theo kế hoạch và yêu cầu thu nhận hồ sơ của từng trường.

Bộ GD&ĐT lưu ý, năm 2013, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường nhằm giữ vững trật tự, an toàn, nghiêm túc trong công tác tuyển sinh và đào tạo TCCN. Bộ GD&ĐT, các Bộ ngành có cơ sở đào tạo TCCN, các sở GDĐT địa phương sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra sự minh bạch, chính xác về những thông tin tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quá trình tổ chức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo TCCN trên phạm vi cả nước. 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ