Khó khăn tuyển sinh, ảnh hưởng vì dịch: Trường trung cấp tìm cách tự cứu mình

GD&TĐ - Tuyển sinh khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nặng nề khiến nhiều trường trung cấp trở nên điêu đứng. Để cầm cự qua “khó khăn kép” trong bối cảnh hiện nay, nhiều trường buộc phải lấy ngắn nuôi dài.

ThS Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt trong một buổi khai giảng khóa đào tạo nghề ngắn hạn.
ThS Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt trong một buổi khai giảng khóa đào tạo nghề ngắn hạn.

Điêu đứng vì dịch

Vừa nghỉ né dịch Covid-19 hai tuần sau Tết Nguyên đán, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tiếp tục phải tạm ngưng hoạt động giảng dạy để phòng tránh nguy cơ lây lan.

Việc nghỉ học tránh dịch liên tiếp trong vòng 3 tháng khiến không ít trường TCCN đối diện nhiều khó khăn và thách thức khi vẫn phải trang trải hàng loạt chi phí như lương cán bộ, giảng viên, tiền thuê mướn cơ sở… Trong khi đó, công tác tuyển sinh đã khó lại càng khó khăn hơn vì gián đoạn.

TS Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Đại Việt Sài Gòn cho biết: 2 trường TCCN thành viên của hệ thống đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến việc học tập, tuyển sinh và truyền thông của trường gặp khó.

Theo TS Lê Lâm, chi phí hàng tháng phải bỏ ra trong bối cảnh buộc phải cho sinh viên nghỉ học chống dịch gần như không giảm, bởi vẫn phải duy trì đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong khi đó trường vừa phải giảm học phí cho sinh viên lại vừa khó khăn trong tuyển sinh mới, áp lực tài chính khá lớn.

Tương tự, Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, Trung cấp Đông Nam Á, Trung cấp Công nghệ Bách Khoa… cũng đang tìm giải pháp cứu mình để bảo đảm nguồn thu tài chính nhằm duy trì bộ máy hoạt động, chi trả lương cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bởi công tác tuyển sinh của các trường gần như đứng im suốt 2 tháng qua.

Trở thành trường cao đẳng gần năm nay, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn chịu hậu quả nặng nề vì dịch Covid-19. Được nâng cấp lên cao đẳng từ trường trung cấp, suốt 2 năm qua trường phải dốc cạn nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ, công tác tuyển sinh, truyền thông… Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay (tính từ khi nâng cấp) trường chịu tác động của 4 đợt dịch lớn. Dịch đến, sinh viên, học sinh toàn trường nghỉ học, trong khi công tác tuyển sinh của trường mới chỉ bắt đầu nên nguồn thu sụt giảm mạnh.

TS Hoàng Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn nhìn nhận: Trường đối mặt quá nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sinh viên không thể đến trường nên không có nguồn thu trong khi chi phí lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và tiền thuê cơ sở vật chất vẫn phải trả đều đặn.

Để cứu mình, trường đang xây dựng và tiến hành tuyển sinh đào tạo các chương trình ngắn hạn, đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, nghề theo nhu cầu (hợp tác với doanh nghiệp) để có thêm nguồn thu, hạn chế nguy cơ phá sản.

Học viên theo học nghề phun xăm thẩm mỹ tại Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt.
Học viên theo học nghề phun xăm thẩm mỹ tại Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt.

Lấy ngắn nuôi dài

Tháng 3/2020 (đợt dịch đầu), 150 đơn vị giáo dục tư thục tại TPHCM có bản kiến nghị gửi Thủ tướng và các bộ, ngành về việc họ đã “kiệt sức” vì phải đóng cửa thời gian dài, đồng thời đề xuất các phương án hỗ trợ.

Sau hơn 1 năm chịu đựng và chống chọi với dịch Covid-19, nhiều chính sách hỗ trợ cho khối tư thục cũng được Chính phủ, địa phương đưa ra nhưng nhìn chung không thể bù đắp cho những khó khăn các trường TCNN đang phải đối mặt. Tìm hướng đi và lấy “ngắn nuôi dài” là giải pháp không ít trường TCCN đang thực hiện để tự cứu mình.

Ngoài việc tiết giảm chi phí hoạt động một cách tối đa, hầu hết trường TCCN xác định việc tuyển sinh và đào tạo lớp nghề ngắn hạn, liên kết, liên thông là nguồn lực tài chính chủ yếu để bù đắp cho nguồn thu từ hoạt động dài hạn bị tổn thất, ảnh hưởng vì dịch.

Trường nào có thế mạnh gì thì tận dụng khai thác triệt để có nguồn thu bù đắp lại. Đơn cử, Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt với thế mạnh là nhóm ngành du lịch, thẩm mỹ, nghiệp vụ nhà hàng - khách sạn, trong bối cảnh không thể tuyển được sinh viên, trường thường xuyên khai giảng, tuyển sinh đào tạo tay nghề cho các học viên theo các khóa ngắn hạn 6 - 18 tháng.

“Trường vẫn khai giảng và chiêu sinh hàng tháng các lớp ngắn hạn, cấp chứng chỉ cho học sinh có nhu cầu học nghề phun xăm thẩm mỹ, chăm sóc da, spa, nghiệp vụ môi giới bất động sản, nghiệp vụ nhà hàng, chế biến món ăn… Đây là nhóm ngành nghề gần gũi và thiết thực với đời sống hàng ngày nên nhu cầu học của học viên khá cao.

Ngoài cơ sở, đội ngũ sẵn có, trường cũng ký kết hợp tác, phối hợp với nhiều nhà hàng, spa, trung tâm thẩm mỹ, trung tâm dạy nghề quận, huyện để giảng dạy. Tuy vậy, giải pháp trên cũng chỉ là tình thế trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, bởi mình không tự xoay xở để cứu mình thì ai giúp mình” - ThS Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt nói.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.