Khó khăn lớn nhất cơ bản đã được giải quyết

Khó khăn lớn nhất cơ bản đã được giải quyết

(GD&TĐ)-Nhân sự kiện Viện nghiên cứu cao cấp về toán ra mắt quốc tế, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại Online đã có cuộc trao đổi với GS.Ngô Bảo Châu về những hoạt động của Viện trong thời gian qua cũng như dự định trong năm tới.

>>>"Ngôi sao mới trong các chòm sao toán học ở phía Đông thế giới"

>>>Viện nghiên cứu cao cấp về Toán ra mắt quốc tế

GS.Ngô Bảo Châu. Ảnh: gdtd.vn
GS.Ngô Bảo Châu. Ảnh: gdtd.vn

PV. Là một cơ sở nghiên cứu đặc biệt lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, hoạt động của Viện trong năm đầu thành lập có gặp khó khăn gì không thưa giáo sư?

GS.Ngô Bảo Châu:
Theo tôi, khó khăn lớn nhất cơ bản đã được giải quyết do có sự ủng hộ nhiệt tình của Chính phủ, đặc biệt là của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, của Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Hiện tại, trách nhiệm lớn thuộc về ban lãnh đạo Viện và thuộc về cá nhân tôi để những tiền tố tích cực như sự ủng hộ của Chính phủ, của Nhà nước và cộng đồng toán học trong nước và quốc tế có thể tạo ra sức sống mới cho toán học Việt Nam.

Tuy đã có được những thuận lợi ban đầu nhưng để tạo ra được điều tích cực thực sự cho khoa học không phải là dễ. Để cuốn hút được các nhà khoa học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài, hoặc các nhà Toán học Việt Nam trong nước có thể được phép nghỉ dạy trong vòng ba tháng theo một chương trình khoa học của Viện, tất cả những chuyện đó đều có thể làm được. Nhưng sẽ đòi hỏi một sự bố trí, tổ chức, làm việc tích cực của lãnh đạo của Viện và của cả các nhà khoa học nữa. Còn để cho sự cộng tác có thể xảy ra thì còn có rất nhiều việc phải làm.

PV. Năm 2012, hoạt động của Viện sẽ ưu tiên cho những nội dung gì thưa giáo sư?

GS.Ngô Bảo Châu: Viện nghiên cứu cao cấp về toán với sự hỗ trợ của hội đồng khoa học Viện gồm 15 nhà toán học sẽ cùng tổ chức những hoạt động khoa học thực sự có ý nghĩa. Chương trình năm nay đã hình thành rồi và chúng tôi sẽ tiếp tục để xây dựng chương trình cho sang năm. Tiếp sau buổi lễ hôm nay, tháng sau sẽ có một nhóm làm việc về tối ưu do GS. Phan Quốc Khánh chủ trì làm việc tại Viện trong vòng hai tháng. Đó là chương trình làm việc về toán ứng dụng rất có ý nghĩa trong cuộc sống. Tiếp theo, tháng 6, 7, tháng 8 cũng có chương trình về ứng dụng toán học do GS Hồ Tú Bảo (làm việc bên Nhật Bản) và GS Vũ Xuân Long (làm việc bên Mỹ) thực hiện. Đề tài đó kết hợp giữa thống kê với khoa học máy tính xử lý khối lượng dữ liệu rất lớn bằng phương pháp học….Đợt hè, vào tháng 7, tôi sẽ về Viện và tổ chức chương trình toán cơ bản về lý thuyết số. Tháng 9, tháng 10 và cuối năm sẽ có chương trình khác do một giáo sư người Pháp và GS Lê Quang Hưng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chủ trì.

GS.Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại lễ ra mắt Viện. Ảnh: gdtd.vn
GS.Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại lễ ra mắt Viện. Ảnh: gdtd.vn

PV. GS có thể cho biết về cơ chế hợp tác quốc tế của Viện nghiên cứu cao cấp về toán?

GS.Ngô Bảo Châu: Cơ chế đó là do mình đặt ra, các nhà khoa học tự chủ động sao cho những người tham gia vào chương trình bố trí được thời gian và giải phóng được công việc để đến Viện làm việc. Về điều kiện cơ sở vật chất và sự ủng hộ của Chính phủ sẽ ủng hộ chương trình đó như thế nào thì mới chỉ là khung chung. Để cụ thể, Viện sẽ phải có quá trình đàm phán, xây dựng chương trình riêng và chọn lọc.

PV. Còn về kế hoạch thu hút tri thức trẻ về làm việc trong viện thì như thế nào, GS có thể chia sẻ?

GS.Ngô Bảo Châu: Có kế hoạch và những kế hoạch này sẽ được thực hiện dần dần. Hiện Viện bắt đầu liên lạc với các bạn trẻ, nhưng không phải các bạn ấy về một mình, tự động mà sẽ về theo một kế hoạch làm việc…

Có thể nói, trong năm qua, vì mới hoạt động nên kết quả chưa thực hiện được nhiều nhưng bức tranh triển vọng thì rất lớn.

PV. Được biết, Viện đã tiến hành một nghiên cứu khảo sát về thực trạng Toán học Việt Nam hiện nay. Giáo sư có thể cho biết một số vấn đề nổi lên từ báo cáo này?

GS.Ngô Bảo Châu: Hội Toán học Việt Nam đã làm một báo cáo rất chi tiết, xem toàn bộ Việt Nam có bao nhiêu giảng viên về toán học, có bao nhiêu người có bằng tiến sĩ, kết quả nghiên cứu khoa học như thế nào, thống kê từ trước đến nay có bao nhiêu bài báo khoa học. Thống kê đó giúp đánh giá được trình độ nghiên cứu khoa học của Toán học Việt Nam. Từ khảo sát đó, có thể thấy nhu cầu bức thiết về chuyện nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên trong các trường ĐH của Việt Nam hiện nay.
 

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ