Khó khăn không cản bước đến trường

Khó khăn không cản bước đến trường

(GD&TĐ) - Trong gian phòng rộng chưa đầy 12 m2 ở điểm bản Huổi Lụ, xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, các thầy cô giáo tâm sự: “Với mong muốn vào đây cũng bởi mục đích giúp các em được học hỏi những kiến thức về xã hội, đời sống, góp phần xóa nạn mù chữ cho bản làng. Đầu tiên khi vào dạy  không biết tiếng địa phương có cảm giác như lạc vào một thế giới thứ 2, có những lúc muốn bỏ giữa chừng. Thế nhưng khi nhìn thấy các em đang rất khát con chữ, chúng em đã vượt qua tất cả”.

Đang là mùa rét, mà trong gian phòng ở của các cô thầy đơn sơ chỉ vẻn vẹn có chiếc giường đơn kê nơi cuối góc và một cái chăn đắp cũ rích, tôi mới hiểu được sự nhiệt huyết, thắp sắng ước mơ học tập cho con trẻ nơi đây.

Chưa an cư... vẫn lạc nghiệp 

Giáo viên trong địa bàn xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) có nhà riêng hoặc ở nhà công vụ ở đây không nhiều. Ở trung tâm xã Trường THCS và Tiểu học chung nhau về cơ sở vật chất và chỉ có trường tiểu học có 8 phòng công vụ nhà xây cấp 4, mỗi phòng “nhét” từ 4 - 5 hoặc 8 - 9 giáo viên. Nhiều giáo tuy chưa lập gia đình, không quen được cảnh sống chật chội, gò bó ở tập thể đành chấp nhận ra ngoài, ở gần trường thuê đất dựng nhà để ở.

Hiện có 10 thầy cô thuê đất, mỗi năm trả 3,5 triệu đồng vì thế cũng chẳng tiết kiệm, dành dụm gì được bao nhiêu. Còn lại cán bộ giáo viên ở trung tâm xã và các điểm trường tại các bản còn khó khăn, vất vả hơn nhiều. Nhất là ở các điểm trường, giáo viên phải dựng chái nhà tạm phía sau lớp học để ở, chịu cảnh mùa nắng thì nóng ran, mùa mưa bão phải làm đi làm lại vì gió thổi đổ sập.

Thầy Vũ Văn Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pá Mỳ, người đã 6 năm tạm biệt quê nhà Hải Dương, vượt đồi núi để mang con chữ đến vùng cao này, nói vui: Đường ô tô mới mở 2 năm nay thôi, những năm trước, thầy trò chúng tôi toàn đi bộ. Khi lên đến đây rồi, không ai muốn quay về, vì rất ngán vượt dốc Tắt Thở (con dốc dài 4 km từ trường ra đến đường liên xã).

Có thầy, vợ dạy học bên xã Mường Toong mà cũng phải đến 2 - 3 tháng mới về thăm được. Trường lớp còn chưa lành lặn, làm gì giáo viên có nhà riêng. Giờ đỡ vất vả hơn nhiều, chứ trước đây 2 - 3 năm giáo viên còn phải ở nhờ nhà dân. Bà con nơi đây toàn người dân tộc Mông, Dao nên khi ở nhờ phải sinh hoạt theo phong tục, tập quán của họ.

Các em học sinh Pá Mỳ tích cực đến trường
Các em học sinh Pá Mỳ tích cực đến trường

Cô giáo Bùi Thị Hoa, giáo viên mầm non  3 năm dạy học ở bản Pá Mỳ 1, kể chuyện vui về cảnh giáo viên nữ sống trọ nhà dân: “Chúng em dở khóc dở cười khi năm đầu em về trường, điểm trường chưa có nhà ở. Phải đến ở nhờ nhà người Mông có đến 9 người con. Đêm phải nằm chung trên sàn nhà, không mắc màn, lại đắp chung chăn, khó ngủ lắm…”. Cô Như Hoa cười bẽn lẽn: “Nhất là khi tắm, phụ nữ tắm trần ở góc bếp vì không có nhà tắm, ngượng chết người luôn, mãi rồi cũng quen”.

Đến thăm căn nhà tập thể của giáo viên Pá Mỳ 1 ngay bên cạnh trường, chúng tôi đều chạnh lòng khi đứng trước căn nhà tranh xiêu vẹo, bên trong có hai tấm phản làm bằng lồ ô đã cũ, quanh năm gió lùa. Cô giáo Cà Thị Phượng than thở: Những đêm mùa đông gió thổi lạnh cắt da, tủi thân nằm khóc thầm. Nhưng thương các em học sinh, nhà xa  5 - 7 cây số mà vẫn siêng năng đến trường. Các em đi học còn phải mang theo gạo, muối ở lại trường nấu ăn cả tuần mới về. Chính tình thương đó đã khiến chúng tôi vượt khó để ở lại với học trò...

Qua tìm hiểu được biết ngoài việc giảng dạy con chữ, các thầy cô cắm bản nhiều hôm phải đến tận nhà để động viên từng em đi học nhằm đảm bảo sĩ số. Vào mùa mưa, nước suối dâng cao, các thầy cô còn tới nhà để đưa đón các em đến lớp. Khó khăn chồng chất vậy mà trong những ngôi trường chật hẹp, ngày ngày tiếng kẻng vẫn leng keng gọi học sinh đến lớp. Ngoài các giờ học chính khóa, các thầy cô cắm bản còn thường xuyên kể chuyện, tổ chức những trò chơi cho các em học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Chuyên, Phó hiệu Trưởng trường tiểu học Pá Mỳ, tâm sự với chúng tôi: Những ngày nắng đường đi đến trường còn đỡ hơn một chút, còn mưa thì vô cùng vất vả. Lúc thì vật lộn đường đi với chiếc xe máy cà tàng rồi xắn quần lội bộ. Tuy nhiên, vấn đề lo nhất khi đến đây giảng dạy là duy trì các em đến lớp đầy đủ, đó là một hành trình gian khó.

Vậy là, các thầy cô giáo ở đây lại gánh thêm một trọng trách cao cả, phải vận động, giúp đỡ các em từ vật chất đến tinh thần như thế dân mới tin, mới cho con đến lớp. Bởi đời sống bà con nơi đây, dường như biệt lập cuộc sống bên ngoài cộng thêm cái nghèo đói và ý thức của một số cha mẹ học sinh ở đây vẫn còn hạn chế vì họ cho rằng, đi học đâu làm ra cơm, ra gạo.

Đó là chưa nói đến chuyện các em thích thì học, không thích thì bỏ đi chơi, đi nương, rẫy. Và những lúc như thế các thầy cô giáo lại khăn gói đi tìm để các em trở lại trường, trở lại lớp. Cũng nhờ sự tích cực vận động của các thầy cô giáo mà trong những năm trở lại đây nhà trường không có em nào bỏ học giữa chừng.

Dù khó khăn vất vả và còn nhiều thiệt thòi, nhưng hầu hết các thầy cô đang ngày ngày thầm lặng làm người đưa đò chở chữ ở xã vùng sâu Pá Mỳ bằng tình thương yêu, trách nhiệm nghề nghiệp và tương lai của các em.

Phòng ở nội trú...
Lớp học của các em còn nhiều khó khăn.

Ước mơ của thầy cô

Chúng tôi biết khó khăn gian khổ của các thầy cô, học sinh ở đây còn rất nhiều, họ đang từng ngày đang phải đối mặt với thiếu thốn... Nhưng khi được hỏi niềm mong ước nhất của những nhà giáo nơi đây, thì tất cả thầy cô đều có chung câu trả lời: mong sao có được chỗ ở, chỗ học đàng hoàng cho các em học sinh.

Dù khó khăn là vậy nhưng các thầy cô chẳng suy bì, đòi hỏi cho mình vì theo như họ so ra với nhọc nhằn, thiệt thòi của các em học sinh thì chẳng thấm vào đâu. Thật đáng quý trân trọng tấm lòng của những thầy cô, chúng tôi đã thấy rõ trong những ngày ít ỏi được sống ở nơi đây, và cảm nhận được Pá Mỳ thật sự còn lắm gian nan...

Ở điểm trường trung tâm cả 2 cấp học Tiểu học và THCS có 400 em học sinh trong đó chỉ với 6 phòng học bán kiên cố, 8 phòng học tạm. 8 phòng học tạm phải trả tiền thuê đất, mỗi năm 6 triệu đồng. Phòng học không đủ nên bậc học THCS phải học 2 ca, mùa mưa thì thật khốn khổ như lời cô Hoa giáo viên dạy bộ môn Sinh: Những hôm mưa to hắt vào lớp học, ướt hết sách vở quần áo của thầy lẫn trò, chẳng thể nào học được đành chờ mưa tạnh, tiết học mới lại tiếp tục. Còn mưa nhỏ thì 2 dẫy lớp học sát vách ngồi dồn vào giữa, các em ngồi học run lên cầm cập thế mà chẳng em nào muốn nghỉ học. Thương các em mà không biết làm gì, em chỉ ao ước có phòng học che được nắng mưa, cho các em yên tâm học tập.

và lớp học của các em còn nhiều khó khăn.
Phòng ở nội trú còn tạm bợ...

Thầy Nguyễn Quang Tuyến Hiệu trưởng Trường THCS, tâm sự: Khó khăn, vất vả, thiếu thốn... của giáo dục vùng cao là lẽ đương nhiên cũng chỉ mong sao một ngày nơi đây có ngôi trường mới, sân chơi sạch sẽ đàng hoàng cho các em học sinh đỡ thiệt thòi. Giờ phòng học thiếu các em học sinh phải học 2 ca chen chúc. Trường hiện với tiêu chí “3 không” không phòng đồ dùng, phòng thực hành và thư viện nên ảnh hưởng rất nhiều đến học tập của học sinh và nâng cao trình độ của giáo viên.

Bên cạnh đó, trường chưa được quy hoạch nên hàng năm phải trả 8 triệu tiền thuê đất, của khu nhà bán trú học sinh và 8 phòng học tạm. Nếu không số tiền ấy giúp các em học sinh bán trú sẽ bớt được không ít khó khăn.

Tôi chỉ tay lên ngọn đồi cạnh trường và nói đùa với thầy Tuyến: Mai này các thầy cô sẽ được xây dựng ngôi trường khang trang trên quả đồi kia thì sao! Lúc ấy chắc chẳng có niềm vui gì bằng nhỉ? Chắc hẳn đó là niềm chất chứa, ấp ủ của các thầy cô nơi đây hướng về ngày mai...     

Chia tay các thầy cô giáo cắm bản nơi Pá Mỳ, khi bóng tối bao trùm các khe núi, đỉnh đèo. Trong suy nghĩ của tôi, ai cũng có niềm tin. Chính vì vậy mà con chữ đang lan tỏa khắp các bản làng đến với các em nơi vùng núi xa xôi, nhờ công sức và nhiệt huyết của bao thầy cô giáo. Tôi tin ngày nào đó trở lại Pá Mỳ sẽ có một ngôi trường mái đỏ tươi, thấp thoáng trong rừng cây xanh mướt trong rộn ràng tiếng học bài của học sinh. Trong niềm vui bất tận của những người gieo chữ nơi đây. Họ vẫn ngày, ngày mong đợi...

Từ năm 2010 đến nay, VietinBank đã đầu tư, hỗ trợ 17 tỷ 950 triệu đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và các nhà ở nội trú dân nuôi cho các huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Năm 2010, VietinBank tài trợ 2 tỷ đồng xây dựng 200 nhà ở cho hộ nghèo; năm 2011, tài trợ 10 tỷ 600 triệu đồng để xây dựng 84 phòng ở nội trú dân nuôi tại 6 điểm trường trên địa bàn huyện Mường Nhé (trong đó có 30 phòng và 5 gian bếp Trường THCS xã Chung Chải), 15 phòng cho Trường THCS Pá Mỳ, 20 phòng và 3 gian bếp cho Trường Tiểu học số 1 Nà Khoa, 10 phòng cho Trường Tiểu học Nậm Pơ, 12 phòng cho Trường THCS Chà Cang… cùng 1.552 chiếc áo ấm, 495 chiếc chăn mùa đông cho các em học sinh và bà con.

Bên cạnh đó, VietinBank còn tặng các trường 10 bộ máy vi tính, 2 bộ ti vi + âm ly, loa đài; 5 xe ô tô cứu thương chất lượng cao (kèm theo đầy đủ các trang thiết bị y tế bên trong) trị giá 5 tỷ đồng để các cơ sở y tế đưa vào phục vụ vận chuyển cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nhân dân; giúp các cơ sở y tế tuyến huyện tăng cường phương tiện vận chuyển để cấp cứu bệnh nhân, nhất là đối với những cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa; 350 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm thể hiện tình cảm, trách nhiệm của hơn 18 nghìn cán bộ, nhân viên VietinBank đối với sự nghiệp cộng đồng nói chung và nhân dân tại các huyện, xã nghèo của tỉnh Điện Biên nói riêng; nhằm chia sẻ phần nào khó khăn về nhà ở cho các hộ nghèo, tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao sức khỏe cho các học sinh, giúp các em yên tâm sinh hoạt, học tập để phục vụ đất nước và địa phương sau này.

Gia Minh

Kiên Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...