Diễn biến phức tạp, gay gắt
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiều chủ trương, giải pháp và tăng cường lãnh đạo, thường xuyên sát sao chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tình hình khiếu nại, tố cáo đã có giảm so với những năm trước.
Các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 342.630 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 11%); nhận 261.051 đơn thư các loại, trong đó có 27.529 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết (giảm 25,6%).
Đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết được 21.851 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 79,4%.
Phân tích từ kết quả giải quyết 16.342 vụ việc khiếu nại cho thấy: Có 1.786 khiếu nại đúng (10,9%); 11.954 khiếu nại sai (73,2%); 2.602 khiếu nại có đúng, có sai (15,9%).
Phân tích kết quả giải quyết 3.521 vụ việc tố cáo cho thấy: có 379 tố cáo đúng (10,7%); 2.411 tố cáo sai (68,5%); 731 tố cáo có đúng, có sai (20,8%).
Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 52,5 tỷ đồng, 32,7 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.631 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 413 người (đã xử lý 229 người), chuyển cơ quan điều tra 15 vụ, 9 đối tượng.
Tuy nhiên, trong năm 2017, có đến 4.763 đoàn đông người (tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016). Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, gay gắt.
Đơn cử như, khiếu kiện, giữ người trái pháp luật tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội; khiếu kiện của hàng trăm hộ dân liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn qua thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh…
“Đáng lo ngại, một số thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, biểu tình, chống đối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.
Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, có nhiều trường hợp công dân khiếu kiện có hành vi gây rối an ninh trật tự như gửi tin nhắn đe dọa hay dùng một số vật dụng cầm tay để đánh, ném… gây xây xát nhẹ cho một số công chức, người lao động.
Có nơi chỉ chú trọng giải quyết hết thẩm quyền
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra, trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp tại một số nơi chưa làm tròn trách nhiệm như huyện Đại Lộc, Tiên Phước, Điện Bàn, Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam); huyện Tân Châu, Châu Thành, TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh); huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Nho Quan, Kim Sơn, Tam Điệp, TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình).
Ở địa phương, nhất là cấp cơ sở vẫn còn nhiều vụ việc giải quyết chậm, chất lượng còn hạn chế, sai sót trình tự, thủ tục, chỉ chú trọng giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc.
Riêng trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tình trạng công dân gửi đơn khiếu nại vượt cấp lên các cơ quan Trung ương vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 85% số lượng các vụ việc chưa được địa phương giải quyết công dân gửi đơn đến Bộ nhận được).
Việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật tại một số địa phương chưa nghiêm túc, triệt để, nhất là khi kết luận của cấp có thẩm quyền không đồng thuận với cơ quan có trách nhiệm giải quyết…
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.
Sai phạm, yếu kém quản lý, khiếu nại, tố cáo còn diễn ra
“Thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực như: Quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, nông nghiệp, đầu tư xây dựng, giao thông vận tải… và không làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”, Chính phủ nhận định.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, theo Bộ trưởng Nội vụ, Chính phủ đề ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp như hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; tăng cường thanh tra trách nhiệm, tập trung vào địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Cùng với đó, quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng chuyên nghiệp am hiểu chính sách pháp luật, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, tôn trọng dân, lắng nghe dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
Chính phủ cũng tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo cũng như các trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối…
Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành 1.510 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.633 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 539 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 452 tổ chức, 562 cá nhân; xử lý hành chính 14 tổ chức, 17 cá nhân.
Các cơ quan thanh tra đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện 368 kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra trách nhiệm. Kết quả cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm điểm trách nhiệm của 288 tổ chức, 324 cá nhân; đã xử lý hành chính đối với 18 tổ chức, 33 cá nhân.