Khi xiếc năng động… chào hàng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không đợi khách hàng tìm đến mà ngay từ đầu năm 2023, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chủ động tổ chức hội nghị khách hàng để quảng bá sản phẩm.

Một tiết mục xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Một tiết mục xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

“Đây là sự đổi mới tư duy với mong muốn hướng đến tiếng nói chung cũng như nhận được những chia sẻ thẳng thắn của các đối tác để cùng tìm ra giải pháp phát triển và lan tỏa nghệ thuật xiếc Việt Nam đến với khán giả trong nước và quốc tế”, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết.

Khuyến khích kích cầu

Năm 2023, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức hàng chục chương trình, tiết mục như: “Những cánh hồng bay” (4 - 8/3), “Gala Xiếc ba miền” lần thứ 5 (29/4 – 2/5); chương trình Tết thiếu nhi 1/6 (26/5 – 4/6); “Vó ngựa biên cương” (27 – 30/7); “Nối vòng tay nhân ái” gây dựng quỹ hỗ trợ nghệ sĩ xiếc có hoàn cảnh khó khăn (19/8); chương trình chào mừng Quốc khánh 2/9 (1 – 3/9), chương trình Vui tết Trung thu (22 – 30/9);

“Hà Nội mùa Thu” (7 – 8/10); “Xiếc & Rock” (20 – 21/10); chương trình nghệ thuật tổng hợp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - tôn vinh nhà giáo xiếc (18 – 19/11); chương trình Vui Noel và chào đón năm mới 2024 (23/12/2023 – 1/1/2024); Gala “Ngôi sao xiếc Việt” (13 – 16/1/2024)...

Ngoài ra, liên đoàn còn có các chương trình phối hợp khai thác biểu diễn ở trường học và các tỉnh, thành như vở xiếc “Chúa tể rừng xanh”, vở cải lương kết hợp xiếc “Thượng thiên Thánh Mẫu”…

Việc chủ động đưa sản phẩm nghệ thuật là những vở diễn sân khấu đến với khách hàng bằng một hội nghị khách hàng có lẽ chưa từng được nhà hát, đơn vị nghệ thuật nào thực hiện một cách thường xuyên.

Nếu có chỉ là những gặp gỡ nhỏ lẻ nhân dịp kỷ niệm gì đó hay tổ chức câu lạc bộ khán giả (như Nhà hát Tuổi trẻ đã từng làm song chỉ được một thời gian).

Vậy mà, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức được 3 lần (năm 2022 không tổ chức vì dịch Covid-19) và xác định đây là Hội nghị khách hàng thường niên để lắng nghe những ý kiến đóng góp xây dựng cho công tác tổ chức biểu diễn của đơn vị thêm hiệu quả.

Nhất là, nếu như 2 lần trước, thời điểm diễn ra hội nghị vào khoảng tháng 4 thì năm nay đã được bắt đầu ngay từ tháng 2 để thực hiện chiến lược phủ sóng rộng rãi các sản phẩm của liên đoàn đến trường học, đến các đơn vị, nhiều thị phần được mở ra, thu hút đầu tư để đưa sản phẩm nghệ thuật đến với cuộc sống.

Tại Hội nghị khách hàng năm 2023, hàng loạt chương trình mới trong năm của liên đoàn đã được thông tin đến các công ty du lịch, truyền thông, tổ chức sự kiện... Theo NSND Tống Toàn Thắng, kế hoạch chương trình năm của liên đoàn đã được chuẩn bị từ cuối năm ngoái.

Gần 20 chương trình tiết mục được giới thiệu đến các đối tác, trong đó có chương trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, đồng thời có chương trình là sản phẩm gắn với du lịch hoặc theo đối tượng khán giả.

Các sản phẩm được đầu tư đa dạng, cả từ nguồn đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa, trong đó có những sản phẩm được đối tác chiến lược “đặt hàng”.

Tuy nhiên, những năm qua, đơn đặt hàng của của các đối tác chiến lược chưa nhiều. Để thay đổi thực tế này, ngay tại hội nghị khách hàng, ông Tống Toàn Thắng mong muốn tới đây Liên đoàn Xiếc sẽ sớm nhận được những “đề bài” hoặc gợi ý đề tài từ nhu cầu thực tiễn mà các công ty tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nhất là các trường học.

Vở xiếc 'Chúa tể rừng xanh' của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhận được nhiều suất diễn từ các trường học. Ảnh: LĐXVN.

Vở xiếc 'Chúa tể rừng xanh' của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhận được nhiều suất diễn từ các trường học. Ảnh: LĐXVN.

Ví như, các công ty có thể cập nhật năm nay các đơn vị trường học xây dựng chuyên đề học tập ngoại khóa là gì, căn cứ vào đó liên đoàn sẽ dàn dựng những sản phẩm cụ thể phù hợp với nội dung chuyên đề đó.

Cũng từ những “đề bài” ấy, liên đoàn sẽ xây dựng được chủ đề bao quát và kế hoạch biểu diễn sát hơn với nhu cầu thực tế mà các trường, các em học sinh mong muốn.

Cùng với đó, liên đoàn còn kêu gọi các đơn vị truyền thông triển khai các hợp đồng truyền thông dài hơi, xây dựng phương thức cạnh tranh dành riêng cho từng đối tác.

Hiện nay, liên đoàn đã mời một số đơn vị tổ chức sự kiện cùng phối hợp để làm sao trong năm 2023 có nhiều sản phẩm được công diễn tại các công viên giải trí như Thiên đường Bảo Sơn ở Hà Nội hoặc một số tỉnh thành khác.

Đồng thời, Liên đoàn còn phối hợp với các doanh nghiệp như gốm Kim Lam, Ngân hàng VIB, công ty dược phẩm, nhà máy sản xuất thiết bị y tế... để cùng tạo ra những sản phẩm mới với những tạo hình liên quan để quảng bá nghệ thuật xiếc cũng như số hóa việc bán vé…

Có thể thấy, đây là cách tiếp cận mới để Liên đoàn Xiếc Việt Nam khuyến khích kích cầu, tăng thêm số buổi biểu diễn, tăng cường sự hợp tác với đối tác chiến lược và đối tác thường xuyên.

“Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp xúc động được nhìn thấy khán giả xếp hàng mua vé vào ngày mùng 5 Tết và hết vé. Hơn 50 khán giả phải đi về trong sự tiếc nuối…

Bởi vậy, trong năm nay chúng tôi tiếp tục có nhiều sự đột phá, đổi mới về tư duy, phương hướng, hợp tác, hợp sức, cộng hưởng với các doanh nghiệp, tổ chức để lan tỏa nghệ thuật xiếc đến đông đảo khán giả, tiếp cận được nhiều đối tượng nhất.

Từ đây, chúng tôi cũng mong muốn được lan tỏa sự khát khao, cống hiến cho nghệ thuật của nghệ sĩ; đồng thời, nâng cao đời sống vật chất để nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề…”, NSND Tống Toàn Thắng tâm huyết chia sẻ.

Công ty Du lịch Minh Trung tổ chức cho học sinh mầm non đến thưởng thức các tiết mục xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: MT.

Công ty Du lịch Minh Trung tổ chức cho học sinh mầm non đến thưởng thức các tiết mục xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: MT.

Cần linh hoạt và độc đáo

Là đơn vị có khoảng 6 năm hợp tác đưa sản phẩm của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đến với học sinh, ông Nguyễn Chí Tình - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Minh Trung đánh giá cao sự phối hợp chuyên nghiệp, luôn sớm đưa ra phương án tối ưu, hiệu quả, giải quyết ngay những ý kiến thắc mắc của khách hàng.

Hội nghị khách hàng được liên đoàn tổ chức chuyên nghiệp, luôn lắng nghe và ghi nhận ý kiến đóng góp của các đối tác, sau đó cùng bàn bạc và đưa ra phương án giải quyết hiệu quả nhất để tạo ra giá trị tốt nhất cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Chí Tình, khách của Công ty Du lịch Minh Trung tập trung vào đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Mỗi năm, lượng khách đến với các chương trình của Liên đoàn Xiếc tăng thêm khoảng 30%.

“Năm nay, chúng tôi có kế hoạch tổ chức khoảng 30 buổi đưa khoảng 3 – 40 nghìn học sinh các trường đến thưởng thức nghệ thuật xiếc. Chúng tôi lựa chọn nghệ thuật xiếc để giới thiệu tới các em nhỏ là vì muốn lan tỏa giá trị của xiếc cũng như để các em thấu hiểu công việc đầy vất vả và nguy hiểm của nghệ sĩ trong cả quá trình được đào tạo và làm nghề”, ông Tình cho biết.

Vào mỗi mùa Xuân, Công ty Du lịch Nga Mi lại tổ chức các đợt đưa khách hàng là học sinh tiểu học đến thưởng thức nghệ thuật xiếc ở sân khấu tròn của Liên đoàn Xiếc.

Theo ông Hà Đức Vinh, Giám đốc Công ty Du lịch Nga Mi, lượng khách của công ty luôn ổn định trong 9 năm qua và luôn được Liên đoàn Xiếc đón tiếp chu đáo. Cơ sở vật chất gần đây được nâng cấp, tiện nghi hơn, chương trình biểu diễn đa dạng, phong phú đem lại cho các em sự thích thú cũng như nhiều bài học bổ ích.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, hiện nay các tiết mục xiếc thú chiếm đa số dễ gây nhàm chán, liên đoàn nên xây dựng và bổ sung thêm những tiết mục vận động, có độ khó hơn. “Nhất là liên đoàn nên có thêm những suất diễn linh hoạt phù hợp với đoàn có quy mô nhỏ, khoảng 3 - 400 khách”, ông Vinh bày tỏ.

Không nên lạm dụng nhiều xiếc thú sẽ khiến khán giả nhàm chán. Ảnh: LĐXVN.

Không nên lạm dụng nhiều xiếc thú sẽ khiến khán giả nhàm chán. Ảnh: LĐXVN.

Góp ý thêm về chất lượng sản phẩm, theo ông Nguyễn Chí Tình, để các vở diễn thêm phong phú đa dạng, thu hút thì phải độc lạ và độc quyền qua sự khác biệt theo chủ đề. Ví như, sau chuỗi chương trình về xiếc thú thì nên khai thác thêm chủ đề về biệt đội siêu anh hùng cũng được khán giả nhí đặc biệt tò mò, yêu thích.

Cùng với đó, khi tiếp xúc với khách hàng là các trường ở Hà Nội, ông Tình nhận được phản hồi, họ mong muốn khi đi xem xiếc, học sinh vừa được giải trí vừa được học tập theo chủ đề.

Vì vậy, mỗi chương trình cần có chủ đề khác nhau và liên quan đến bài học, tiết dạy ngoại khóa của từng trường cụ thể. Nhiều khi các trường rất muốn tổ chức các tiết học ngoại khóa tại rạp xiếc song họ lấn cấn về vở diễn có thực sự nổi bật, đặc sắc hay không; có đúng với nội dung của chương trình học hay không.

“Liên đoàn cần nghiên cứu nhiều hơn về nội dung từng chương trình, vở diễn để làm sao tiếp cận được với học sinh một cách thực tế và sát với nhu cầu của nhà trường cũng như các em nhất. Ngoài ra, vì Hà Nội hay tắc đường, nhất là khoảng thời gian 7 giờ 30 phút đến 9 giờ, liên đoàn cũng nên linh hoạt về thời gian biểu diễn, căn chỉnh theo từng đoàn.

Theo tôi, chương trình nên được bắt đầu mở màn từ 9 giờ 30 phút là phù hợp. Nếu vẫn biểu diễn theo khung giờ như hiện nay, nhiều khách đến muộn không xem được trọn vẹn chương trình, rất lãng phí công sức của nghệ sĩ”, ông Tình nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số đơn vị còn góp ý thêm về việc liên đoàn cần gửi chương trình sớm để các công ty ký hợp đồng sớm. Khi chương trình đã lên danh sách tiết mục thì phải biểu diễn đầy đủ, không cắt bớt. Liên đoàn cũng cần có mức giá rõ ràng, nhất là đối với số lượng khách từ trên 1.000 khách.

“Chúng tôi mong muốn liên đoàn có những chương trình tiếp cận nhiều hơn nữa đến các vấn đề giáo dục cũng như biên soạn các chương trình mang tính định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ nhỏ.

Cùng với đó, việc mời nghệ sĩ chia sẻ những câu chuyện hậu trường của nghề xiếc cũng rất thú vị, hấp dẫn. Qua mỗi câu chuyện này, nghệ sĩ sẽ trực tiếp truyền cảm hứng đam mê nghề, sự khổ luyện cho từng động tác kỹ thuật của mình đến các em học sinh.

Nhất là có không ít nghệ sĩ đã đổ máu trên sàn tập và trong khi biểu diễn, bị tai nạn nghề nghiệp song vẫn kiên cường vượt qua để tiếp tục cống hiến thì sẽ là những tấm gương đẹp về nghị lực sống cần được truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ hôm nay…”, bà Phan Thùy Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục Việt Nam đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.