Khi vợ chồng… chán nhau

GD&TĐ - Có không ít cặp đôi, khi đang yêu tỏ ra rất thắm thiết, nhưng cưới nhau được một thời gian, bỗng dưng… chán nhau. Chính người trong cuộc đôi lúc cũng không biết rõ, tại sao mỗi ngày đi làm về, chẳng còn thiết tha với việc nấu cho chồng con bữa cơm, tối đến chỉ muốn nằm ôm điện thoại tán gẫu với bạn bè, ngủ chung giường cảm thấy chật chội… Không có người thứ ba, cũng chẳng bị áp lực về công việc, hay kinh tế, chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhặt, rồi cãi cọ, cảm thấy cuộc sống hôn nhân đơn điệu, buồn tẻ, chưa tìm ra liều thuốc để chữa trị. 

Khi vợ chồng… chán nhau

Chuyện thật cứ như đùa

Chị Lan Anh kể về câu chuyện của mình cho bạn thân nghe để được tư vấn khiến ai cũng phải lặng người… Vợ chồng chị yêu nhau được 5 năm mới đi đến hôn nhân.

Lúc còn yêu nhau họ rất lãng mạn, đến nỗi bạn bè đều không khỏi xuýt xoa, cho rằng “chuyện tình yêu của hai người có thể viết thành tiểu thuyết”. Dù ngày ngày nhắn tin, điện thoại, nhưng anh Tuấn vẫn dành thời gian viết thư tay cho chị Lan Anh mỗi tuần.

Những dòng thư có cánh với những lời yêu thương ngập tràn và mơ ước về một tương lai xa hạnh phúc luôn được anh gửi qua đường bưu điện đến tay chị Lan Anh. Những món quà bất ngờ khiến đám bạn của Lan Anh khen hết mức.

Rồi cả những chuyến đi chơi xa, hay chỉ là cử chỉ ân cần với bạn gái, Tuấn tỏ ra như một “soái ca” thực thụ. Và họ đã có một cái kết đẹp với đám cưới viên mãn, trước sự chứng kiến của người thân, bạn bè.

Nhưng cuộc đời không ai biết được chữ ngờ, 5 năm sau, chị Lan Anh và chồng tỏ ra rất mệt mỏi với cuộc hôn nhân ấy. Năm năm, họ chưa có con, chị Lan Anh luôn chủ động yêu cầu chồng cùng tới bệnh viện đi khám nhưng anh chỉ ậm ừ, không hợp tác.

Đề nghị chồng mấy lần, chồng luôn có chung câu trả lời “rồi sẽ có con, em yên tâm, đừng căng thẳng quá…”. Chuyện con cái, chị cũng chẳng buồn nhắc đến nữa.

Ngày ngày đi làm về, chị chẳng còn thiết tha đến việc nấu cơm chờ chồngvề ăn cùng. Nhiều lần, chị nghĩ, cả tuần đi làm, hai vợ chồng chỉ có buổi tối ngồi ăn cơm cùng nhau nên cố nấu những món ăn ngon đãi chồng.

Nhưng câu cửa miệng mà anh nhìn thấy mâm cơm chị bày sẵn mỗi lần về nhà sẽ là “không cần cầu kỳ, nhiều món vậy đâu. Hai vợ chồng ăn sao hết được” hay là “bữa cơm dư chất rồi…”, rồi anh ngó qua bếp rất kỹ… “sao lúc nào em cũng để bếp bừa bãi vậy?”, khiến chị thấy tủi thân vô cùng. Vì theo thói quen, chị thường đợi ăn xong mới dọn dẹp bếp núc, rửa nồi niêu một thể.

Thời gian yêu nhau dù rất lâu nhưng có lẽ chị cũng chưa hình dung được cuộc sống chung sẽ như vậy. Bởi lúc yêu, chỉ biết yêu thôi. Biết người yêu hay quên, hay hơi vụng về một chút, anh Tuấn bảo đó cũng là điểm đáng yêu, để anh nhắc nhở, bảo bọc người yêu, để anh có những hành động lãng mạn bất ngờ mà chị khó đoán ra như kỷ niệm 500 ngày yêu nhau, 1000 ngày yêu nhau…

Tuy nhiên, khi về sống chung, điều này lại là nguyên nhân khiến anh và chị thường xuyên cãi vã. Có lần ra khỏi nhà, đi được một đoạn, chị tức tốc quay lại vì quên điện thoại, có khi quên ví, thậm chí đôi lần… còn hỏi hàng xóm:

Chị xem giúp em khóa cửa nhà chưa? Hay như lần anh chị đi du lịch ở Phú Quốc, ra đến gần sân bay, chị quên chứng minh thư. Đôi lần chị mở cửa sổ nhưng lúc đi làm quên đóng, trời mưa bị nước hắt vào…

Vậy là sau những lần ấy, anh chị lại đôi co với nhau. Cứ mỗi ngày, mỗi lần, hai người lại bất đồng nhiều hơn. Sau lần cãi vã, anh chị lại giường ai nấy nằm, chẳng buồn nói chuyện với nhau, tối đến hai người ôm hai cái điện thoại chát chit trên mạng, đọc báo, chơi game. Dần dần tỏ ra mệt mỏi với cuộc hôn nhân, nhiều lần nằm nghĩ đến việc ly hôn, nhưng chị chẳng làm được.

Chị nói “cứ như vậy, vợ chồng mình chẳng còn như những ngày đầu, đầy lãng mạn, đắm say, bao dung cho nhau, mà suốt ngày cứ tìm điểm chưa hoàn hảo của nhau để đưa nó lên mổ xẻ, cãi cọ, chì chiết nhau.

Trước đây mình nghĩ, vì người thứ ba, nên nhiều cặp vợ chồng phải ly hôn, nhưng thực ra chẳng cần người thứ ba, do cuộc sống xung đột nên người ta ức chế mới tìm một ai đó để tâm sự, chính mâu thuẫn nhỏ trong vợ chồng đã đẩy bạn đời của mình ngoại tình. Mình chỉ nghĩ thôi, chưa quyết định ly hôn… Vì suy nghĩ kĩ, cuộc hôn nhân này vẫn có thể hàn gắn, chẳng qua mình chưa tìm ra cách”.

Đi tìm lại hạnh phúc

Một ngày, chị Thanh ngồi tiếc vì chưa đi hết những ngày đắm say với bạn đời đã chủ động dừng cuộc hôn nhân của mình. Chị vẫn hi vọng lời đề nghị của mình với chồng, nối lại tình xưa được chấp nhận.

Chị tâm sự, “thực ra tôi cảm thấy chán với cuộc sống tẻ nhạt, chán với việc vợ chồng đi làm về ít giao tiếp, không thấy niềm vui khi ở chung nhà, ngủ cũng muốn ngủ riêng để thấy thoải mái hơn…”. Và lý do khiến những cuộc giận hờn kéo dài, không hồi kết đó chính là chị chưa muốn sinh con.

Chuyện là, bố mẹ chồng chị đã lớn tuổi, anh Hòa chồng chị muốn nhanh nhanh có kế hoạch sinh con, rồi chị nghỉ việc để dành thời gian chăm sóc con, nhưng chị phản đối. Hai người cứ bàn đến chuyện sinh con, chị đều đưa ra mong muốn của mình “em muốn học xong thạc sĩ, muốn tận hưởng cuộc sống vợ chồng son một thời gian mới sinh con”.

Dần dần anh Hòa cũng không đề cập đến nữa mà hay tỏ ra giận dỗi vợ, ôm gối ngủ phòng riêng, lâu lâu bóng gió “em không sinh con cho anh, anh đi nhờ người khác”. Chị hiểu anh Hòa yêu chị như thế nào, nên chị cũng chẳng ngại khi anh đùa như vậy.

Nhưng chị cũng có lý do riêng của mình về kế hoạch sinh con, ít nhất trong 3 năm tới, chị muốn hoàn tất việc học thạc sĩ, học trung cấp chính trị… Nhiều người khuyên chị “đi học vẫn có thể sinh con được mà, hay sinh con vẫn đi làm”…, chị bác bỏ hết.

Tính hơi cố chấp, có phần bảo thủ của chị đã đẩy chị vào những lần cãi cọ với chồng không tìm ra được điểm dừng. Rồi chị lên mạng nhiều hơn, gặp lại mấy người bạn cũ hồi ĐH, chia sẻ, dần dần chẳng hiểu sao chị và người bạn cùng khóa bỗng tâm đầu ý hợp trong khi trò chuyện.

Người đó luôn lắng nghe chị nói, thi thoảng đợi ở cổng công ty đón chị đi ăn trưa, tặng chị vài món quà nho nhỏ… Chị lại cảm thấy như được quan tâm, yêu thương… giữa tâm bão của chị và chồng, chị xiêu lòng với người thứ ba.

Và chị quyết định ly hôn, mặc cho chồng phân tích, năn nỉ… Nhưng được một thời gian, chị mới nhận ra, đó chỉ là say nắng. Bởi, chia tay rồi mà khi chị bệnh, anh vẫn đến chăm sóc, khi chị có chuyện, anh Hòa là người chị gọi nhờ vả đầu tiên, như một thói quen, chị vẫn đi về phía căn nhà cũ mỗi ngày.

Rồi chị gọi điện cho anh, chị khóc, chị nhận ra, chỉ có anh, chỉ có vợ chồng là yêu thương vô điều kiện, có trách nhiệm với nhau, còn những mối quan hệ khác chỉ là… gió thoảng, mây bay.

Theo các chuyên gia tâm lý, vợ chồng luôn có những khoảng thời gian, có thể ngắn, có thể kéo dài một chút, cảm thấy cuộc hôn nhân buồn tẻ, thấy cuộc sống sao đơn điệu quá. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại những việc cũ kĩ.

Nhưng nếu bạn muốn món ăn không nhạt, chưa thơm, chưa ngon, bạn phải tự cho thêm gia vị và đổi nguyên liệu. Hãy làm mới cuộc sống của mình, tự lấy lại cân bằng sau những lần tỏ ra chán nản, mệt mỏi, tẻ nhạt.

Nếu quá căng thẳng, cần có khoảng thời gian suy nghĩ và hai người có những buổi nói chuyện thẳng thắn, nhìn nhận vấn đề để giải quyết. Không vội vàng đưa ra quyết định khi tâm trạng bất ổn, ức chế.

Nhiều người ly hôn, ly thân rồi mới nhận ra, chẳng ai bằng vợ, bằng chồng mình. Khi đó, liệu có còn hàn gắn được không? Hay cái bình đã vỡ, hàn gắn lại cũng chẳng còn dáng vẻ như ban đầu và có thể vỡ ra bất cứ lúc nào? Hãy suy nghĩ chín chắn, hỏi ý kiến người thân, bạn bè nhờ các chuyên gia tâm lý tư vấn để giải quyết những thắc mắc của bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.