Khi tựa đề bài hát gây sốc

GD&TĐ - So với nhạc chuẩn mực được chắt chiu từ ca từ cho đến nhan đề thì dòng nhạc thị trường đa phần tìm cách gây sốc trong ngôn ngữ để câu khách. Nội dung đơn giản, đôi khi rỗng tuếch nghĩ sao viết vậy với câu chữ chẳng cần trau chuốt, chỉ biến “ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết” là có thể hát. Chính vì dễ hát, dễ nhớ nên dễ tiếp cận với giới trẻ.

Poster bài hát Nắng cực của nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng
Poster bài hát Nắng cực của nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng

Nhan đề dài như sớ táo quân

Vài năm trước đây, chắc hẳn nhiều người còn nhớ các nhan đề bài hát dài thậm thượt, nghĩ bụng sao viết ra vậy, như: Hứa thật nhiều thất hứa cũng thật nhiều; Sao em ép anh lại yêu em; Đàn ông không được quên hết tình còn nghĩa; Anh tin mình đã trao nhau một kỷ niệm…

Thường một tác phẩm văn học nghệ thuật, dù ở mảng nào người ta cũng đặt tầm quan trọng lên hàng đầu là nhan đề. Tại sao ư? Vì những gì tinh túy trong tác phẩm được chắt lọc kỹ càng đều chứa đựng trong nhan đề.

Nó vừa có tính thông tin, vừa có tính gợi ý để công chúng lôi cuốn mà nghe hết tác phẩm. Và thường những tác phẩm giá trị như thế có nhan đề rất ngắn, chuẩn nhất là 6 chữ trở lại. Thậm chí giới văn nghệ sĩ còn cho rằng hơn thua nhau là ở cách đặt nhan đề. Càng dài càng bế tắc trong cách suy nghĩ đặt tựa.

Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay hầu như bị âm nhạc thị trường lôi cuốn, quyến rũ ở những cái tựa dài như sớ táo quân.

Cứ thấy lạ tai, nghe ngồ ngộ hoặc giai điệu tạm ổn là thích chứ có khi, chẳng bạn trẻ nào chịu thưởng thức nội dung bài hát mà tác giả gửi gắm trong đó là gì.

Nhiều bạn teen, khi được hỏi bạn có bao giờ cảm nhận nội dung mà tác giả viết, đều được trả lời: “Em nghe vui tai là thích chứ không cần tìm hiểu nội dung làm gì cho mệt”.

Đánh được tâm lý đó nên các nhạc sĩ của dòng nhạc thị trường ra sức sáng tác những bài hát chỉ cần đọc tựa đề là hiểu nội dung viết gì chứ không cần vận động khối óc suy nghĩ sao cho hay. Một số nhạc sĩ cho rằng, sáng tác ca từ không khó, mà khó là ở cách đặt tựa sao cho nhanh, ngắn, hoa mỹ, mang tính thơ ca để uyển chuyển và bay bổng hơn.

Đặt tựa gây sốc

Gần đây, nhạc thị trường lại tiếp tục xuất hiện những ca khúc đến từ những câu chuyện vụn vặt trong đời sống. Nói chung là rất đời chứ không nghệ thuật.

Dù rằng nó đã được nhạc sĩ chuyển tải thành âm nhạc. Đơn cử, một đài truyền hình phỏng vấn về ước mơ của một học viên cai nghiện, thì ngay lập tức, thông qua chuyện đó có bài Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu. Hay các bài Anh không đòi quà; Đưa nhau đi trốn; Tao cũng là cung bò cạp; Oh my chuối

Nhờ truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội Facebook và trang chia sẻ Youtube mà từ ca khúc chẳng có gì đặc biệt, nói đúng hơn là “thảm họa âm nhạc” nhưng lại được đại bộ phận giới trẻ thích thú, đi đâu cũng nghe hát hò. Thậm chí, trong các quán cà phê, bar, hay trung tâm điện máy, siêu thị, người ta cho phát loa những bài hát này suốt ngày.

Có thể nói sốc nhất là bài hát Nắng cực do nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng sáng tác, ra mắt giới trẻ vào giữa năm 2016. Ca khúc được bộ tứ Phạm Toàn Thắng, Trương Thảo Nhi, Trúc Nhân, Bá Hưng thể hiện. Theo như tác giả chia sẻ tâm sự, phân bua với giới truyền thông thì bài hát vô cùng trong sáng, không có gì gọi là thô tục.

Thì đúng là những ai nghe qua nội dung đều biết bài hát chỉ đơn thuần nói về cái nắng nóng oi ả khiến ai cũng phát mệt. Chỉ thế thôi nhưng sao bài hát tạo được cú hit, top trên các diễn đàn âm nhạc? Theo tôi, nguyên nhân có lẽ bắt đầu từ tựa đề bài hát. Có lẽ nếu dùng một tựa đề nào khác, ví dụ như “Nắng quá”, “Nắng to”, “Nắng nóng” thì chắc không “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc như vậy.

Dù tác giả đã giải thích rằng nó trong sạch về nội dung nhưng liệu người ta có “ám ảnh” nhan đề không? Chắc chắn là có. Bởi nhan đề quá nhạy cảm, dù có giải thích rằng tựa đề đó nói rằng “nắng cực khổ quá”, đại loại là thế, nhưng ngôn ngữ thể hiện lại lôi kéo người ta hướng đến cách nghĩ tiêu cực.

Tại sao rõ ràng chính tác giả cũng biết tiêu đề này quá nhạy cảm vẫn cố tình đặt, mà không chọn nhan đề nào khác nó hay hơn, giá trị nghệ thuật hơn? Điều người ta sốc hơn là nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng dù là nhạc sĩ trẻ nhưng từng có nhiều ca khúc hay đoạt một số giải thưởng âm nhạc, mang giá trị nghệ thuật cao chứ không như bài Nắng cực.

Đồng ý rằng, hiện nay trên thế giới, nhất là thị trường âm nhạc phương Tây có nhiều bài hát không phải dùng lối chơi chữ, láy, mà “thẳng ruột ngựa” ra luôn: Fuck me i’m amous (do Dirt Nasty và Cathy Guetta trình bày), Bitch i’m the shit (Rapper Tyga), Sexbomb (Tom Jones)…

Vin vào cớ đó mà nhiều nhạc sĩ trẻ cho rằng âm nhạc phải là sáng tạo, phải đổi mới để theo kịp với thị trường quốc tế. Chẳng hạn như bài Fuck you của Lily Allen vừa thô tục nhan đề, vừa có nội dung chửi rủa một chính khách. Bài hát như là thông điệp phản đối của Lily gửi tới Tổng thống George Bush vì sự hiếu chiến của ông. Tên công khai của bài hát là Guess Who Batman, những chữ cái in đầu là GBW ám chỉ George Walker Bush.

Đừng quá dễ dãi

Tuy nhiên có một điều chúng ta đã bỏ quên: âm nhạc là gắn liền với văn hóa. Và tất nhiên mỗi quốc gia có một văn hóa khác nhau. Một nhạc sĩ trẻ tên N.S tâm sự rằng âm nhạc thị trường hiện nay cạnh tranh khốc liệt, không phải như ngày xưa.

Muốn được ca sĩ chú ý mua tác phẩm độc quyền, hay công chúng mê hoặc thì đòi hỏi phải sáng tạo, tức theo thị hiếu, dù cho đó là “thảm họa”.

Sáng tạo ở đây theo kiểu giật title (nhan đề) để đánh động vào tâm lý hiếu kỳ của bạn trẻ. Bởi nhạc thị trường có tuổi thọ rất thấp, mau “chết”, nếu trau chuốt quá thì thật lãng phí. “Âm nhạc bây giờ hiếm sáng tác vì đam mê mà là vì tiền, hoặc đam mê + tiền. Điều đó thể hiện rất rõ qua lối sống của họ”, N.S cho biết.

Tại sao các dòng nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc Trịnh… dù đã trải qua hàng chục năm trời vẫn được các lứa tuổi yêu âm nhạc nhớ đến? Hay những bài nhạc trẻ ở thập niên 90 của thế kỷ XX mà đến bây giờ thế hệ 7X, 8X vẫn còn xao xuyến lâng lâng mỗi khi nghe lại?

Đó là bởi nhạc sĩ sáng tác vì tình yêu nghệ thuật, chịu khó sáng tạo theo phong cách riêng, nội dung đa dạng, ca từ bay bổng chứ không phải như nhạc thị trường bây giờ chỉ là yêu đương nhặng xị.

Lẽ ra người trẻ phải tiên phong trong vấn đề sáng tạo, kiến tạo âm nhạc nước nhà phát huy mạnh, tiến ra thị trường âm nhạc quốc tế. Nhưng tín hiệu hiện nay cho thấy âm nhạc đang thụt lùi, dù rằng các bạn trẻ vẫn mê đắm đuối dòng nhạc thị trường. Nhiều nhạc sĩ trẻ khẳng định, dòng nhạc thị trường dù mau “chết” nhưng chỉ một năm “sống sót” họ có thể khỏe re về tài chính từ đứa con tinh thần đó. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.