Nỗ lực làm sống dậy dòng nhạc xưa qua các chương trình truyền hình thực tế, liveshow ca nhạc đã mang đến cho người yêu nhạc Việt nhiều sự lựa chọn để giải trí.
Níu giữ dòng nhạc xưa Nhạc xưa đang dần xuất hiện trở lại ngày càng nhiều trên sân khấu của các chương trình truyền hình, những gameshow vốn dành cho khán giả trẻ. Hàng loạt chương trình như “Thay lời muốn nói” của HTV, chương trình định kỳ: “Tình khúc vượt thời gian”, “Sol vàng” của VTV9 và đối tác JetStudio,
chương trình “Những bài hát còn xanh” trên VTV6... đã kéo nhạc xưa trở lại thời hoàng kim.
Qua mỗi chương trình, khán giả được tái ngộ những giọng hát
từng làm rung động bao trái tim người yêu nhạc. Nhiều ca sĩ trẻ sau bao nhiêu năm hát nhạc nhẹ, nhạc trẻ không thành công đã chuyển hẳn sang dòng nhạc xưa và nổi danh nhờ dòng nhạc này.
Có thể kể đến chương trình X-Factor - Nhân tố bí ẩn, thí sinh Trần Quang Đại đã “gây sốt” với ca khúc nhạc xưa Về đâu mái tóc người thương khiến khán giả sững sờ.
Mới đây, ca sĩ Hà Trần trở về Việt
Nam với những đêm nhạc và liveshow ca khúc nhạc xưa, như: Hương xưa, Một mình, Ảo ảnh, Xin thời gian qua mau, Cho em quên tuổi ngọc...
Sở hữu giọng hát đầy nội lực và kỹ thuật điêu luyện, mỗi ca khúc được Hà Trần thể hiện đều mang đến một sắc màu, một phong vị rất riêng qua 2 album Tình ca qua thế kỷ.
Ca sĩ Lệ Quyên trước đây vốn chọn dòng nhạc thị trường để theo đuổi nhưng phải đến khi cô chuyển hẳn sang dòng nhạc xưa thì cái tên Lệ Quyên mới chính thức được khán giả trong và ngoài nước yêu mến nồng nhiệt.
Đơn giản, mộc mạc ở cả hình thức lẫn nội dung, những ca khúc xưa luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả yêu nhạc. Đây là lý do khiến các phòng trà, sân khấu đầy ắp khán giả khi có những chương trình nhạc xưa được thể hiện bằng những giọng ca một thời vang bóng.
Sức hấp dẫn của dòng nhạc xưa khiến cho thị trường âm nhạc trở nên sôi động. Liệu có “lấn át” nhạc hiện đại? Trong dòng chảy âm nhạc hiện nay, việc nhiều ca sĩ đến với dòng nhạc xưa cũng là một điều dễ hiểu.
Ca sĩ Phan Đinh Tùng chia sẻ: “Việc nghe lại những ca khúc xưa không còn dừng lại ở mức trào lưu mà đã trở thành một xu hướng trong thị hiếu thưởng thức nhạc của khán giả.
Không cầu kỳ trong thiết kế giai điệu, hòa âm chỉ dừng lại ở tính tạo điểm nhấn cho ca khúc, ca từ chân chất, mộc mạc đầy chất thơ không quá hoa mỹ đến khó hiểu.
Đó chính là lý do những ca khúc nhạc xưa dễ đi vào lòng người”. Nhạc sĩ Lê Mây cho rằng: “Những bài hát xưa đều là những ca khúc giàu cảm xúc, ca từ có giá trị nhân văn cao. Những điều gì đã được khẳng định qua thời gian thì giá trị của nó sẽ luôn trường tồn.
Không thể biết dòng nhạc này còn tồn tại trong bao nhiêu năm, nhưng một điều chắc chắn rằng, đây là dòng nhạc có sức sống mãnh liệt nhất trong các dòng nhạc đương thời.
Liệu nhạc xưa có tiếp tục giữ được sức hút của mình khi mà có quá nhiều dòng nhạc thị trường hay không cần những sáng tạo vừa có tinh thần gìn giữ và tinh thần làm mới để nhạc xưa luôn là một giá trị đẹp trong đời sống âm nhạc Việt Nam là điều không hề dễ dàng”.