Nỗ lực giữ gìn nghệ thuật truyền thống

GD&TĐ - Sân khấu truyền thống Việt Nam với những thể loại như múa rối nước, tuồng, chèo, cải lương… đã trở thành những tinh hoa dân tộc. Trong bối cảnh cơn lốc của cuộc sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, gìn giữ, bảo tồn và phát huy những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống là công việc hàng ngày của những người đam mê nghệ thuật truyền thống.

Nỗ lực giữ gìn nghệ thuật truyền thống

Từ “Chuyện nhạc Phố cổ”

Hơn một năm qua, cứ vào tối thứ 6 của tuần thứ hai hàng tháng, tại Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ) lại diễn ra chương trình “Chuyện nhạc Phố cổ”. Đây là một chuỗi chương trình ca nhạc giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước nền âm nhạc xưa và nay của đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội.

Với việc lựa chọn những trích đoạn tác phẩm kinh điển nhất, “Chuyện nhạc Phố cổ” do nghệ sĩ Vũ Nhật Tân và các nghệ sĩ của nhóm nghệ thuật “Đông Kinh cổ nhạc” cùng Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ phối hợp tổ chức đưa người nghe đắm mình trong hồn dân tộc.

Những bộ môn nghệ thuật như hát chèo, hát xẩm, hát ca trù… được thể hiện giản dị và mộc mạc qua các tiết mục âm nhạc cổ truyền như: Ngâm dâng hương – Ca trù cửa đình (NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Bình); Thi nhịp - Ngâm thơ - chèo; Mời nước mời trầu - Quan họ; Giáo tuồng chiêu ban -Xướng - Ngâm xuân - Nói lối - Nam thương - Nam bình - Tuồng (NSND Mẫn Thu); Thét nhạc ca trù cổ (NSƯT Thanh Bình); Hề chèo (NSND Mạnh Phóng); Xẩm chợ (NSND Xuân Hoạch) Cô đôi thượng ngàn - Chầu văn (NSƯT Kim Liên)... mang đến cho khán giả những trải nghiệm nguyên bản và gần gũi nhất về nhạc cổ Việt Nam.

Ngoài thời gian biểu diễn ở Trung tâm Văn hóa Phố cổ, các thành viên trong nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” còn tham gia biểu diễn các loại hình âm nhạc truyền thống ở nhiều không gian văn hóa Nghệ thuật khác nhau, như Trung tâm nghệ thuật Heritage space, Manzi, Trung tâm Văn hóa Pháp... mang đến cho khán giả những cảm xúc, những góc tiếp cận khác nhau của nghệ thuật truyền thống.

...đến giữ gìn hồn dân tộc

Theo NSND Xuân Hoạch, một trong những thành viên sáng lập nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” cho biết, những đêm nhạc trong chuỗi chương trình “Chuyện nhạc Phố cổ” chính là sợi dây gắn kết giữa quá khứ với hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Lúc đầu, nhóm được hình thành chỉ với một mục đích đơn giản, là chỉ để có một sân chơi cho những nghệ sĩ nổi tiếng đã về hưu nhưng vẫn đau đáu với nghề, được thỏa mãn niềm đam mê của mình, cùng nhau gìn giữ những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống.

“Mỗi người góp một câu chuyện âm nhạc của riêng mình, tạo nên bức tranh toàn cảnh về cổ nhạc Việt Nam, từ hát chèo, hát văn, hát xẩm cho đến ca trù, đờn ca tài tử, cải lương... Giữ những điều tinh tế trong âm nhạc mà cha ông truyền lại cần có một thái độ trân trọng kết hợp với quan niệm xã hội hóa tích cực không vụ lợi mới mong đem lại hiệu quả bảo tồn “sống” cho sân khấu truyền thống trong tương lai”.

Giữa cuộc sống xô bồ với nhiều loại hình nghệ thuật đan xen, giới trẻ dường như đang chạy theo những thị hiếu âm nhạc thị trường, giữ gìn những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống là nỗ lực lớn của những người nghệ sĩ. Hát thật, đàn thật chính là những nỗ lực giữ gìn những tinh tế trong âm nhạc của cha ông để lại. Hành trình ấy luôn luôn mới nếu mỗi người biết lắng nghe từ trái tim mình.

“Truyền thống âm nhạc là một chặng đường dài, được bồi đắp từ nghệ thuật và cái tâm của người nghệ sĩ, để các giá trị cổ truyền được lưu giữ và bảo tồn cùng năm tháng. Hành trình tìm lại hồn dân tộc cũng là cách tìm lại chính mình”, theo nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, đạo diễn các chương trình của nhóm “Đông Kinh cổ nhạc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.