Khi tình yêu nồng thắm phụ nữ cũng đừng tin 'nghỉ làm đi, ở nhà anh nuôi'

GD&TĐ - Bạn bè tôi có lần khởi xướng chủ đề tình yêu, hôn nhân. Nhiều người trong số đó tin rằng “chỉ cần cưới được một người chồng giàu có là mặc nhiên cả đời mình sẽ sung sướng”.

Đừng tin “ở nhà anh nuôi” (hình minh họa).
Đừng tin “ở nhà anh nuôi” (hình minh họa).

Họ nói “ra ngoài bươn chải khổ lắm, ở nhà chồng nuôi cho nhàn”. Nhưng thực tế, liệu chỉ ở nhà chăm con hoặc làm việc nhà, không cực nhọc bươn chải kiếm tiền, có thật sự sung sướng và hạnh phúc như họ từng nghĩ?

Không kiếm ra tiền, mất quyền lên tiếng

Bạn có thực sự hạnh phúc không khi cuộc sống hàng ngày chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường nhà bếp? Có thực sự vui mỗi khi đi đâu, làm gì cũng phải “ngửa tay xin chồng”? Dù chồng giàu có cỡ nào thì muốn mua gì cũng ngửa tay xin tiền từ chồng, đàn bà có thấy vui?

Chưa kể, nhiều đàn ông chỉ đưa tiền hàng tháng đủ đi chợ mà không “đưa dư” tiêu vặt, tiêu gì cũng phải “ghi ra giấy cụ thể”. Thỉnh thoảng, lại được nghe những từ như: Ăn bám, cô ấy đâu có làm gì… từ chồng, đàn bà có thấy mình vô dụng?

Không kiếm ra tiền, mất quyền lên tiếng là đúng ở đây!

Nhiều người phụ nữ sau khi có chồng sinh con, đi tìm việc cũng có khó khăn hoặc cơ quan giảm nhân sự, họ đành tạm thời chấp nhận ở nhà chăm con mà nghỉ việc. Đó là giải pháp đúng đắn khi ở nhà, tuy nhiên cần nhấn mạnh, đó chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi.

Thật sai lầm nếu chấp nhận phần còn lại cuộc đời cũng chỉ ở nhà theo nghĩa “chăm con, cơm nước”.

Đừng nghe đàn ông ngon ngọt “nghỉ làm đi, ở nhà anh nuôi”

Giai đoạn chăm con nhỏ vô cùng vất vả và mệt mỏi với hàng tá công việc không tên. Lúc này, anh chồng có vẻ thương cảm, nói “nghỉ làm đi, ở nhà anh nuôi”. Lúc đó, anh thương vợ là có thật, lo lắng cho vợ cũng là sự thật. Nhưng, sự thật ấy sẽ thay đổi dần theo năm tháng.

Đến một lúc nào đó, ngay cả khi đàn ông nói “ở nhà anh nuôi” rồi sẽ có lúc, bản thân anh ta tự nhận ra đó là sai lầm. Họ sẽ chỉ trân trọng được người phụ nữ cùng ghé vai san sẻ với anh ta trong mọi mặt, bao gồm cả vấn đề kinh tế. Làm sao có thể nắm tay từ sáng đến tối. Lúc chồng trục trặc hay bế tắc công việc, vợ phải chung vai gánh vác. Dù có thể không bằng chồng nhưng phần nào chia sẻ đủ để trang trải tiền học, tiền sữa cho con thôi cũng thấy hạnh phúc rồi.

Nếu chỉ ở nhà, người vợ chăm con với tỷ việc không tên. Mệt mỏi là thế, vất vả là thế nhưng không ít đàn ông đi làm về thấy vợ chăm con mọn không giúp đỡ được gì lại còn mặt nặng mày nhẹ khi cơm không lành, canh không ngọt, nhà cửa bề bộn.

Người vợ chấp nhận việc ở nhà chồng nuôi, ngoan ngoãn với quan niệm “ừ thì mình dùng tiền của chồng mình, có sao đâu” “ừ thì mình xin tiền anh ấy, cũng không sao” nghĩa là đang tự thu hẹp chính cuộc sống của mình.

Đi làm, buồn chuyện gia đình thì có bạn bè đồng nghiệp tâm sự. Quanh quẩn bên bốn bức tường, nhiều lúc u uất, mệt mỏi chẳng biết chia sẻ cùng ai. Nỗi buồn chán theo đó cứ tăng dần lên, khiến mỏi mệt và già nua.

Cuộc sống nghiệt ngã, đừng ghim vào niềm tin: 'Ở nhà anh nuôi"! Tình yêu là thứ thiêng liêng nhưng không phải khi nào nó cũng trường tồn theo thời gian. Xã hội hiện đại không ai bắt buộc người phụ nữ bó buộc cuộc sống mình trong bốn bức tường để làm tròn bổn phận người vợ. Đừng để năm tháng thanh xuân và tuổi trẻ của mình mòn mỏi trong căn nhà, căn bếp lạnh căm!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ