Vì lý do này mà Thảo không gặp họ thường xuyên như mong muốn. Nhiều lần cô tự hỏi bản thân: “Anh rể đã làm gì khiến mình có cảm giác khó chịu đến thế?”. Nhưng cô không thể lý giải được.
Mỗi khi stress vì không giải tỏa được cảm giác khó chịu của mình, Thảo chỉ biết xoa dịu bằng cách nghĩ rằng đôi khi mình còn cảm thấy khó chịu với bố mẹ đẻ huống chi là anh rể.
Thảo cố gắng hít thật sâu và thở ra thật chậm để bình thản chấp nhận những điều mình không thể thay đổi. Cô phải thành thật với bản thân rằng mình rất muốn đến thăm chị gái và các cháu vào mỗi dịp cuối tuần. Vì thế, cô phải chấp nhận chạm mặt anh rể ở đó.
Nếu Thảo để chị phát hiện mình không ưa anh rể, chắc chắn chị sẽ phải suy nghĩ rất nhiều. Thảo cũng có thể khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Thậm chí, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tôn trọng mà chị và các cháu đang dành cho cô.
Thảo định im lặng và giấu thật kỹ cảm xúc thật của mình. Nhưng rồi một thứ gì đó không ngừng thôi thúc cô tiếp tục tìm hiểu lý do và giải quyết để cảm giác khó chịu trong cô phải tan biến.
Đầu tiên, Thảo muốn mình tự giải quyết trước. Cô muốn mình xác định rõ các vấn đề với anh rể là sự khác biệt về tính cách hay niềm tin? Nếu vấn đề đơn giản như vậy, cô chỉ cần giảm thiểu mức độ tương tác với anh về bất kỳ chủ đề nóng nào tạo ra xung đột giữa hai người. Còn nếu vấn đề ở mức độ phức tạp hơn, chẳng hạn cô thấy khó chịu khi chứng kiến anh cằn nhằn hoặc to tiếng với chị thì cô cần phải trò chuyện thẳng thắn và trực tiếp với chị.
Thảo biết mình có thể kiểm soát được phản ứng về mặt cảm xúc của mình với anh rể. Cô cũng hiểu rằng cảm xúc của mình thường bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những suy nghĩ mà mình đang có. Thảo cố gắng thực hành bằng cách lưu tâm đến lời tự nói của mình khi gặp anh rể, sau đó, cô thay đổi những suy nghĩ sao cho chúng thực tế, chính xác và công bằng hơn.
Mỗi khi nhìn thấy anh, thay vì nghĩ “mình ghét anh rể quá”, Thảo sẽ cố gắng tập trung vào suy nghĩ “ừ thì mình không thích anh ấy lắm, nhưng dù sao anh ấy cũng yêu thương và đối xử tốt với chị gái mình. Chị cũng rất yêu anh. Anh rể có thể cũng đã cảm nhận được mình không ưa anh, nhưng ơn giời, ít ra mình không phải là người chung sống với anh ấy”.
Cuối cùng, Thảo nhắc nhở bản thân phải quyết định xem hạnh phúc của chị gái và các cháu quan trọng hơn hay cảm xúc tiêu cực của mình đối với anh rể quan trọng hơn. Nếu mình không thể suy nghĩ tích cực hơn về anh rể, mình cũng còn nhiều giải pháp, chẳng hạn mình sẽ ghé thăm chị và các cháu vào những ngày anh rể không ở nhà hoặc những buổi tối anh phải trực ở cơ quan.
Nhưng suy cho cùng, Thảo biết mình vẫn phải chấp nhận một sự thật: Muốn gặp chị và các cháu nhiều hơn, mình sẽ phải gặp anh rể nhiều hơn. Vào một ngày, Thảo quyết định sẽ thử trò chuyện với anh xem sao.
Thảo không thích anh, anh cũng chẳng ưa cô nhưng như thế thì đã sao, bởi cả 2 đều yêu thương và quý trọng một người. Vì thế, Thảo tin anh rể cũng đang có suy nghĩ giống mình: Mong muốn 2 người hòa hợp nhất có thể. Mỗi khi đối diện anh rể, Thảo cố gắng duy trì sự tập trung vào những mặt tích cực của anh. Điều đó cũng khiến Thảo trở nên bớt khó chịu trong mắt anh.