(GD&TĐ) - Học sinh sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) không còn là vấn đề mới. Tuy nhiên, sự gia tăng của ĐTDĐ đi kèm những hệ quả phát sinh trong thời gian qua đang là hồi chuông báo động, khiến gia đình, nhà trường, xã hội phải giật mình.
Nhiều hệ lụy từ ĐTDĐ
Sử dụng ĐTDĐ trong lớp học |
Giá thành không quá đắt cùng nhiều tính năng tiện ích nên nhiều gia đình không ngần ngại đầu tư cho con một chiếc ĐTDĐ. Từ học sinh cấp một đã sử dụng nhưng nhiều và phổ biến hơn cả vẫn là những học sinh từ cấp THCS, THPT ở thành phố lớn, trong các gia đình có điều kiện. Điện thoại di động dường như đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều học sinh trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày. Song từ việc khai thác triệt để, nhiều hậu họa từ chiếc ĐTDĐ đã nảy sinh.
Cô Bích Vân - Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - nói: Hiện nay có nhiều yếu tố tác động tới việc học tập của học sinh, trong đó có ĐTDĐ. Không chỉ với chức năng gọi hay nhắn tin, với chiếc ĐTDĐ được kết nối mạng các em có thể chơi game, chát chít, kết nối facebook, tải và nghe nhạc... ĐTDĐ đang lấy đi khá nhiều quỹ thời gian học tập, sự tập trung của học sinh. Các em lén lút truy cập vào mạng trên điện thoại di động trong các tiết học, thậm chí giờ ra chơi giúp thoải mái đầu óc thì các em cũng cắm đầu vào ĐTDĐ.
Nhiều thầy cô giáo cấp THPT còn cho biết, từ ĐTDĐ hiện đại các em dễ dàng truy cập vào những trang mạng đồi trụy, tải và xem phim, tranh ảnh xấu mà không bị bất kỳ sự kiểm soát nào. Nhiều học sinh còn tự quay và phát tán những hình ảnh không lành mạnh, thông tin chưa được kiểm soát của người khác, và cả của chính mình để chia sẻ với các bạn trong lớp, trong trường, với cộng đồng mạng.
Tình trạng bạo lực học đường thời gian vừa qua không chỉ phát triển về số lượng mà còn diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Học sinh dùng điện thoại di động để khiêu khích, chửi bới, lăng mạ, kích động đánh nhau. Và không chỉ dừng lại ở việc ẩu đả đánh đấm chân tay, nhiều nữ sinh còn bị xé toạc quần áo và dùng ĐTDĐ cố tình quay cận vào những bộ phận cơ thể nhạy cảm rồi tung lên mạng để hạ nhục lần nữa.
Mặt khác, cô giáo T.H, Trường THPT Kim Liên - Hà Nội, còn báo động một hiện tượng xuất hiện ngày càng nhiều đó là học sinh dùng ĐTDĐ như một công cụ để quay cóp, tìm tài liệu lời giải cho các bài văn, toán được giao về nhà rồi cùng chuyển cho nhau chép.
Gia đình không thể tiếp tay
Học sinh cần có ý thức khi sử dụng ĐTDĐ |
Khi trao đổi với nhiều phụ huynh về việc trang bị cho con ĐTDĐ khi tới trường phần lớn đều cho rằng ĐTDĐ sẽ giúp phụ huynh tiện liên lạc, trao đổi trong quá trình đưa đón học sinh đi học. Đồng thời, ĐTDĐ cũng hữu ích trong việc kiểm soát thời gian học tập cũng như sinh hoạt của học sinh khi cha mẹ không ở bên... Tuy nhiên, học sinh đã và đang sử dụng điện thoại di động với mục đích và ý thức không đúng mong muốn của cha mẹ.
Nằm trong số không nhiều phụ huynh nhận thức được vấn đề lợi và hại của học sinh khi sử dụng ĐTDĐ, chị Hồng Vân có con học Trường THPT Kim Liên chia sẻ: Gia đình cho cháu sử dụng ĐTDĐ chủ yếu để tiện cho việc liên lạc đưa đón đi học. Chính vì vậy, ngay từ khi mua máy đã nhất trí với con chỉ mua máy có chức năng phục vụ cho việc nghe gọi chứ không mua máy hiện đại để con có thể sử dụng các tính năng khác.
Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, các gia đình có điều kiện, việc học sinh sử dụng ĐTDĐ khá phổ biến nhưng chưa nhiều gia đình hiểu biết đầy đủ về công nghệ, lợi hại của ĐTDĐ và có cách quản lý chặt chẽ. Nhiều gia đình chiều con, vẫn sắm cho con em mình những loại điện thoại hiện đại, đầy đủ chức năng, đắt tiền nhất như một điều kiện, khích lệ để con học tốt hơn... Điều đó vô tình đã đẩy các em tới sự phân hóa giàu nghèo đối với học sinh học cùng lớp, mặt khác sẽ trở thành cạm bẫy, điều kiện thuận tiện để nảy sinh cái xấu, gây mất an toàn cho chính bản thân con học sinh khi sử dụng.
Có thể thấy, việc học sinh sử dụng ĐTDĐ không phải là điều gì xấu. Vấn đề mấu chốt ở chỗ các em đang sử dụng điện thoại với nhiều mục đích chưa đúng mà gia đình lại không hay biết và chủ quan với vấn đề trên.
Giáo dục ý thức học sinh là quan trọng
Theo thầy Nguyễn Đức Long – Giám thị Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) - hiện nay pháp luật không cấm học sinh được sử dụng ĐTDĐ. Trong khi đó, ngành giáo dục cũng chỉ quy định cấm học sinh không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học... vì vậy nhà trường chỉ kiểm soát được một phần việc sử dụng ĐTDĐ của học sinh trong thời gian lên lớp. Em nào vi phạm quy định, nhà trường sẽ lập biên bản tịch thu điện thoại di động và mời phụ huynh tới để bàn giao lại. Còn khi các em ra khỏi cổng trường, nhiệm vụ này hoàn toàn có thể bị bỏ ngỏ bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện để giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, thầy Long cũng cho rằng, tịch thu tạm thời điện thoại của học sinh chỉ là một biện pháp làm hạn chế chứ chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm bởi trên thực tế, nhiều học sinh khi bị tịch thu ĐTDĐ chấp nhận không lấy lại (phần do điện thoại ít tiền, một phần do gia đình có điều kiện nên mất thì mua lại cái mới) chứ nhất định không chịu mời phụ huynh tới.
Chính vì vậy, các thầy cô giáo đều chung một quan điểm cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục ý thức học sinh khi sử dụng ĐTDĐ. Nhà trường đẩy mạnh giáo dục để các em thấy được sự nguy hại của phương tiện này nếu không được sử dụng đúng mục đích; Làm sao để các em nhận thức đúng đắn và sủ dụng ĐTDĐ một cách hữu ích cho việc học tập, sinh hoạt... Còn các bậc phụ huynh chỉ nên trang bị ĐTDĐ cho con khi thực sự cần thiết. Hãy xây dựng cho các em ý thức sử dụng ĐTDĐ một cách hợp lý đồng thời có biện pháp quản lý hiệu quả.
Việc học sinh sử dụng ĐTDĐ đã và đang nảy sinh nhiều hệ lụy và đòi hỏi những biện pháp giáo dục hiệu quả cũng như cơ chế xử lý chấn chỉnh nghiêm minh.
Một trong những biện pháp giáo dục ý thức học sinh khi sử dụng ĐTDĐ tốt nhất đó là giáo viên cũng phải chấp hành nghiêm túc, là tấm gương để học sinh học hỏi, noi theo.
Ngọc Hà