Năm học này, thực hiện việc đánh giá theo Thông tư 30, học sinh được đánh giá một cách toàn diện theo ba mặt: Học tập, năng lực và phẩm chất.
Những em được tuyên dương khen phẩm chất, năng lực phải gương mẫu, nổi trội phải có thành tích nổi bật trong học tập, hay có sự tiến bộ vượt bậc trong quá trình học trên lớp.
Vì thế, số lượng học sinh được khen thưởng cũng hạn chế hơn
trước. Nhiều phụ huynh đã quen với việc hàng năm con mình đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.
Nay bỗng dưng không còn được như thế, vì vậy, không ít người đã có những ý kiến thắc mắc, không vừa lòng với thầy cô và nhà trường.
Trong cuộc họp phụ huynh giữa học kỳ vừa qua, một phụ huynh có con là học sinh lớp 3 của một trường tiểu học Phước Hội ở Bình Thuận, phản ánh việc trong học kỳ I, trong danh sách học sinh được tuyên dương không có tên con mình.
Tại cuộc họp đó, phụ huynh này đã có ý kiến, nay tiếp tục nhắc lại,
vẫn ý cũ: “Mọi khoản tiền tôi đều đóng góp đầy đủ, những khoản tiền ủng hộ tự nguyện luôn cao nhất nhì trong lớp. Vậy mà tại sao con tôi không được khen thưởng?”.
Một số phụ huynh khác cũng “cùng hoàn cảnh”, phụ họa theo:
“Tôi thấy cháu luôn chăm chỉ học, lực học của con tôi vẫn như mọi năm nhưng nó không được khen thưởng, thật không hiểu nổi…”. Có phụ huynh suốt buổi họp không có ý kiến gì nhưng tỏ ra rất buồn và thất vọng…
Tình trạng không chỉ xảy ra ở một lớp, một trường. Theo trao đổi của một số giáo viên ở các trường tiểu học trong thị xã, việc thắc mắc, không vừa lòng của một số phụ huynh khi thấy con mình không nằm trong tốp các em được khen thưởng của lớp không phải là ít.
Ngoài một số ý kiến thẳng thắn của một số phụ huynh trong cuộc họp, giáo viên đã có cơ hội để giải trình cho cha mẹ các em hiểu.
Nhưng một số người không đi họp nên ít nhiều chưa thông hiểu cách đánh giá xếp loại theo tinh thần mới mà thầy cô phổ biến, họ lại đem thắc mắc của mình ra ngoài bàn tán, rồi bình luận, phỏng đoán lý do theo ý kiến chủ quan của mình…
Người cho rằng con mình học giỏi hơn em A, em B nhưng tại sao lại
không được khen thưởng?
Người lại thắc mắc cho rằng cô thầy thiên vị… chín người mười ý, đã làm cho hình ảnh thầy cô méo mó Quá chú trọng vào tờ giấy khen của con mà quên đi cái quan trọng nhất là những kiến thức con mình đã tiếp thu, đã đạt được đến mức nào.
Chính những phụ huynh ấy đã góp phần tích cực làm gia tăng căn bệnh thành tích trong giáo dục. Chống bệnh thành tích - một căn bệnh trầm kha không còn là trách nhiệm của những người làm giáo dục.
Mà chính các bậc phụ huynh, cũng cần phải thay đổi cách nghĩ của mình, để không tạo nên áp lực về việc học hành của con. Đồng thời cùng đồng hành với thầy cô trong việc thực hiện đánh giá xếp loại học sinh theo tinh thần của Thông tư mới .