Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, các đối tượng liên quan trong vụ án nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) đã nhận tội và “tự nguyện khắc phục”. Cũng theo Thứ trưởng Quang, cả bên mua lẫn bên bán đã thông đồng nâng khống lên gấp 3 lần giá trị thật. “Bộ Công an cũng sẽ mở rộng điều tra việc nâng khống (nếu có) này ở tất cả các tỉnh, thành và sẽ xử lý nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Quang cho biết thêm.
Chỉ cần một ánh đèn pin rọi qua như thế, cả một mảng tối khuất tất mua sắm trang thiết bị y tế ở các tỉnh đã lộ sáng dưới mắt người dân. Sở Y tế các tỉnh, kẻ thì vội vã “trả lại máy”, người thì “đàm phán lại hợp đồng”, cũng có nơi thì nói phân trần rằng chỉ “mượn tạm của đối tác trong mùa dịch, sau đó sẽ trả lại”…
Dù là khai như thế nào để tạo chứng cứ ngoại phạm một cách hợp lý nhất, những người mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ chữa bệnh trong những ngày dịch Covid-19 này cũng khó có thể thuyết phục được mối ngờ vực trong dư luận. Bởi vì, đấu thầu giá thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế là một trong những hoạt động xảy ra nhiều tiêu cực nhất mà cơ quan điều tra chưa có dịp bóc tách hết. Vụ mua sắm tại CDC Hà Nội mới đây sở dĩ bị lộ là do chủ đầu tư “ăn quá dày”, lại “ăn” trong một thời điểm quá nhạy cảm nên dễ bị “soi” - như đánh giá của dư luận thời gian qua.
“Các đối tượng trong vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội sẽ tự nguyện khắc phục”, điều đó cũng có nghĩa, ngân sách đã không phải chịu mất tiền oan sau phi vụ gian lận “siêu lợi nhuận” này. “Tự nguyện khắc phục” là một cách nói “uyển ngữ” chứ thực ra là nuốt không trôi thì phải nhả ra! Chắc chắn CDC Hà Nội không phải là đơn vị cá biệt “nuốt không trôi” này.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng “nuốt không trôi thì nhả”. Vụ án kinh thiên động địa tại AVG khiến hai đời bộ trưởng của Bộ TT&TT phải đối mặt với mức án nghiêm khắc vừa xảy ra cách đây không lâu là một ví dụ rõ nhất.
Có một câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu người dân là, pháp luật của ta luôn nghiêm khắc với những hành vi ăn cắp của công như thế mà tại sao những kẻ tham lam kia vẫn cứ mù lòa lao vào? Có cái gì đó lỏng lẻo trong cách quản lý và kiểm tra hay là do cơ chế mua sắm có những kẽ hở để cho tiêu cực chen vào?