(GD&TĐ)- Theo công bố gần đây nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động 9 tháng đầu năm 2012 là 2,17%, trong khi năm trước là 2,22% và năm 2010 là 2,8%. Có nghĩa là, theo số liệu này thì tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong những năm gần đây. Thế nhưng trên thực tế thì không có được những tín hiệu tích cực như thế; nguy cơ thất nghiệp đã trở thành nỗi ám ảnh của hầu hết người lao động, thể hiện qua việc số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lại liên tục tăng mạnh.
Cơ quan thống kê đưa ra những con số tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm, thế nhưng với con số hàng chục nghìn DN phá sản, ngừng hoạt động kể từ đầu năm tới giờ; phần lớn số DN còn lại cũng chỉ hoạt động ở một chừng mực nào đó, lấy đâu ra lượng việc làm tăng thêm cho người lao động, kể cả lao động chất lượng cao?
Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cho thấy 9 tháng đầu năm có hơn 51.000 DN thành lập mới, nhưng cũng có tới 40.000 đơn vị phá sản, ngừng hoạt động. Chính phủ chưa công bố số liệu thất nghiệp, chỉ cho biết 8 tháng đầu năm đã có 345.500 người đăng ký thất nghiệp, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, tuy không đề cập đến con số người lao động thất nghiệp nhưng cũng chỉ ra trong hai năm qua có gần 100.000 DN rời thị trường, bằng một nửa 20 năm trước cộng lại. Điều đó cũng có nghĩa hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu lao động mất việc trong 2 năm qua; trong khi dự báo tình hình còn khó khăn trong 1 – 2 năm tới, lấy đâu việc làm mới bổ sung trong giai đoạn này?
Ảnh MH |
Tất nhiên, mọi con số thống kê cũng chỉ mang tính chất định lượng, nhất là đối với tỷ lệ việc làm của người lao động trên cả nước vốn khá đa dạng, từ DN nhà nước tới DN tư nhân, từ DN lớn đến DN vừa và nhỏ, thậm chí là ở cả hộ kinh doanh. Chỉ có thể nhìn vào con số đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp để thấy được phần nào tình hình thực tế.
Theo số liệu đưa ra cách đây ít lâu của Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 9 tháng đầu năm nay có 423.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong số này có 345.000 người đã có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp. So với tổng số đăng ký hưởng thất nghiệp từ năm 2010 đến nay, con số của riêng 9 tháng năm 2012 đã bằng gần 50%.
Mức tăng đột biến này có nhiều nguyên nhân, như số người tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên, số người đủ điều kiện hưởng trợ cấp cũng nhiều hơn và việc di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố cũng là nguyên nhân khiến nhiều lao động phải nghỉ việc...; nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là kinh tế khó khăn, hàng hóa ứ đọng, sức mua thấp khiến nhiều DN đóng cửa, giải thể, hoặc cho người lao động nghỉ bớt để giảm chi phí.
Cứ nhìn từ 2 đầu tầu kinh tế lớn nhất cả nước là Tp. HCM và Hà Nội là rõ nhất. Theo thống kê gần đây của Trung tâm giới thiệu việc làm Tp. HCM, trong gần 100.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 9 tháng thì số lượng những người có mức lương hàng tháng gần 7 triệu đồng trở lên chiếm trên 8%, khá cao so với mức chỉ 5% của năm ngoái.
Còn theo Trung Tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay cả thành phố có hơn 21.000 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, năm 2011 là 16.100 và cao gấp 5 lần so với năm 2010 (4.192 người đăng ký). Trong 10 tháng đầu năm, trung bình mỗi ngày, Trung tâm giới thiệu việc làm tiếp nhận hơn 70 người đăng ký, trong khi năm 2011 là hơn 40 người.
Ngoài ra, không chỉ lao động phổ thông mà những người có chuyên môn, thu nhập cao cũng tìm đến trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn. Cụ thể trong 10 tháng đầu năm 2012, lao động phổ thông chiếm 53%, lao động có trình độ CĐ, ĐH chiếm 35% (tương đương với con số tại Tp. HCM).
Không có lý gì khi đang có công ăn việc làm ổn định, người lao động lại đổ xô đi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhất là đối với những lao động trình độ cao. Chính tình hình khó khăn chung đã ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của những người có trình độ từ cao đẳng trở lên. Số lượng lao động đến xin việc tại trung tâm ngày càng tăng, trong khi nhu cầu tuyển dụng ở các công ty lại giảm đi.
Thực tế đó phù hợp với sự khó khăn của nền kinh tế hiện tại, phản ánh qua “sức khoẻ” của cộng đồng DN. Dẫu những con số đó không “phụ hoạ” cho các số liệu tích cực được cơ quan thống kê nhà nước đưa ra về tỷ lệ giảm thất nghiệp, hay nói đúng hơn, đây không phải những con số “đẹp”, nhưng ít nhất, đó là những con số thực tế từ thực trạng của xã hội và chúng ta buộc phải nhìn nhận một cách thẳng thắn.
Nhất Nguyên