Khi nhà văn chấp bút viết tự truyện

GD&TĐ - Không ít nhà văn hiện đang “sống khỏe” với việc viết chấp bút và câu “cơm áo không đùa với khách thơ” không hề có “nghĩa lí” gì với những người mang nghiệp chữ nghĩa có duyên với công việc này. Tuy vậy, chấp bút vẫn chưa được xem là công việc “đáng tự hào” của người cầm bút.

Nhà văn Việt Hà và nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh tại buổi ra mắt Tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái
Nhà văn Việt Hà và nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh tại buổi ra mắt Tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái

Số lượng in trong mơ nhờ viết hồi kí

Đa phần những người nổi tiếng muốn có sách về mình như một kênh chia sẻ hữu hiệu nhưng khả năng viết lách và thời gian hạn chế nên họ sẽ thông qua công ty sách, nhà xuất bản hoặc các mối quen biết để kết nối với nhà văn làm công việc chấp bút. Công việc này được biết đến rộng rãi có thể kể từ tự truyện Lê Vân yêu và sống do Bùi Mai Hạnh chấp bút cách đây hơn 10 năm. Hiện nay, số nghệ sĩ, người nổi tiếng ra tự truyện, hồi kí có thể kể tới hàng trăm.

Không ít nhà văn, nhà thơ nhận rằng mình “sống tốt” (về vật chất) nhờ vào công việc chấp bút, chứ không phải là việc sáng tạo. Thực tế cho thấy, so với tác phẩm sáng tạo thường được in với số lượng khiêm tốn 1000 - 2000 cuốn, thì nhiều cuốn chấp bút hồi kí có lượng in lên tới 5000, 10.000 cuốn, hoặc nhiều hơn nữa, có thể khiến không ít nhà văn thấy “mát lòng” với công việc này.

Do tính chất của “tự truyện” là tôn trọng sự thật, mang nhiều câu chuyện đời tư tự kể nên thể loại này khơi gợi nhiều tính tò mò của độc giả. Nhất là tự truyện của giới nghệ sĩ, những câu chuyện về quá khứ, tình yêu, tuổi thơ đã qua sẽ khiến không ít độc giả có nhu cầu tìm hiểu. Số lượng in tự truyện vì thế thường cao hơn nhiều so với nhiều thể loại khác. Không ít tự truyện, hồi kí có lượng in hàng chục nghìn cuốn như hồi kí của Thành Lộc, hồi kí Kim Cương, Thương Tín... Nhuận bút dành cho sách hồi kí thường được xem là “trong mơ” có thể lên tới hàng trăm triệu, cá biệt có thể lên tới tiền tỷ.

Khả năng sáng tạo liệu có bị mất đi?

Không ít nhà văn quen tay với công việc viết tự truyện, chấp bút cho nhân vật ít nhiều cảm thấy khả năng sáng tạo của mình bị chai mòn dần và thậm chí có lúc dường như… biến mất. Điều này không quá khó hiểu, vì công việc chấp bút đòi hỏi người viết làm việc theo đề cương mong muốn có sẵn của nhân vật, tuân theo những chi tiết, câu chuyện cuộc đời có sẵn chứ không được phép “phiêu” theo khả năng sáng tạo của người cầm bút.

Nhà văn T.Đ cho biết, anh vừa thành công về số lượng với một tác phẩm viết về doanh nhân H. Số lượng in của tác phẩm này gấp rất nhiều lần so với các tác phẩm trước đó, thù lao nhận được đương nhiên cũng là con số trong mơ so với những tác phẩm trước. Tuy nhiên, “cái giá” mà anh phải chấp nhận là sau khi hoàn thành cuốn này anh có một thời gian rơi vào khoảng lặng, khó cảm thấy thoải mái, ưng ý bất cứ đề tài nào, tác phẩm nào của riêng mình. Thậm chí có lúc, anh cảm thấy bế tắc trong công việc sáng tạo, chỉ muốn vứt bút đi làm nghề khác. Tâm trạng ấy chưa bao giờ xảy ra trước đây, khi anh chưa viết chấp bút.

Nhà văn Việt Hà là một trong những người viết chấp bút nhiều hiện nay. Chỉ trong 1 năm nay, tính tới tháng 8, chị đã ra mắt 3 cuốn sách tự truyện, chấp bút cho nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh, hotgirl Lâm Khánh Chi, nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm. Kinh nghiệm của chị là, để có cảm xúc với những trang viết, trước hết chị phải tìm được sự đồng cảm trong thân phận nhân vật. Không phải nhân vật nào cũng có thể đồng ý nhận lời chấp bút.

Ra mắt cuốn sách Trò chuyện với cõi vô hình của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm do nhà văn Việt Hà chấp bút

Ra mắt cuốn sách Trò chuyện với cõi vô hình của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm do nhà văn Việt Hà chấp bút

 Những bài học “để đời”

Ca sĩ Ái Vân từng đồng hành cùng nhà báo Đinh Thu Hiền để viết hồi ký, nhưng cuốn sách chưa hoàn thành thì ca sĩ từ bỏ ý định viết tiếp. Khi viết lại Để gió cuốn đi, Ái Vân đã nhận được sự giúp đỡ từ nhà văn Nguyễn Quang Lập. Bản thân nhà báo Đinh Thu Hiền từng rất buồn khi chia sẻ trên FB của mình rằng, đây là một tình huống mà chị cần rút bài học, cần phải có hợp đồng trước khi làm việc, tránh tình trạng mất thời gian vô ích.

Nhà thơ, nhà báo Đinh Thu Hiền cũng từng gặp nhiều “sự cố” khi cuốn sách hồi kí Thương Tín ra đời. Những câu chuyện tình đến từ quá khứ của nam diễn viên tài hoa khiến chị bị vạ lây khi nhận được những phán xét “không có tâm”, “làm ảnh hưởng gia đình người khác”… chưa kể tới chị suýt phải nhờ người đi… đòi thù lao nhuận bút, khi công ty sách chây ì không trả.

Tác giả Khôi Nguyên Thảo từng gặp sự cố khi nhận lời chấp bút cho hotgirl Huyền Anh, Bà Tưng. Dù cuốn sách hướng về những bài học từ thất bại của Huyền Anh, nhưng vẫn không ít người cho rằng chị muốn ăn theo cái xấu, muốn rút ngắn giai đoạn để nổi tiếng. Câu chuyện thậm chí gây nhiều tranh cãi trên các báo khi cuốn sách được nhiều bạn trẻ quan tâm trong hội sách. Tác giả hoàn toàn chịu tiếng oan khi thực chất chị đã “né” bằng cách sử dụng bút danh, không dùng tên thật của mình. Bản thân chị cũng đã in hơn 10 đầu sách chứ không phải là cây viết mới muốn “rút ngắn giai đoạn”. Sau sự cố ấy, tác giả đã từ chối những cơ hội tương tự đến với mình và cũng không bao giờ tự tin tặng bạn bè cuốn sách này của mình.

“Có tiếng nhân vật hưởng, mang tiếng nhà văn chịu” (?) là một trong những vấn đề khá nổi cộm trong công việc chấp bút. Thực tế không ít cuốn sách đã minh chứng điều này. Chính vì thế, có không ít người viết đề nghị không đề tên mình dù họ là người viết hoàn toàn cuốn sách, nhân vật thậm chí không sửa dấu chấm phẩy. Tác giả chấp bút ký hợp đồng, nhận thù lao viết và không “chịu trách nhiệm” trước công luận về cuốn sách cũng như bất cứ điều gì liên quan nhân vật.

Dù không ít rắc rối như vậy nhưng viết chấp bút vẫn là công việc phù hợp khả năng và đưa lại lợi nhuận cao thu hút không ít nhà văn. Nhiều nhà văn như T.S có thể mua nhà đất từ tiền để dành khi viết tự truyện, hồi kí, T.Đ, N.T có thể trang trải cuộc sống tốt hơn, đưa con đi du lịch thường xuyên hơn khi đến với công việc này.

Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo, kể chuyện của cá nhân hoặc tập thể nào đó. Người chấp bút là người làm cái công việc ấy. Chấp bút có thể là một người nhưng cũng có thể một nhóm người cùng thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ