Cuối cùng thì kết quả vẫn chỉ nằm trên giấy, nhiều trường dần thưa vắng thí sinh. Từ thực trạng này, xin được đưa ra những giải pháp hữu hiệu có thể coi là “vận động hết công năng” của một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn miền Trung.
Nhìn thẳng vào thực trạng để biết người, biết ta
Mùa tuyển sinh năm 2016 này, các trường đều “chín” hơn trong hoạch định những bước đi để có thể duy trì một cách ổn định sự phát triển. Bức tranh tuyển sinh chung đã tươi sắc hơn, nhưng không vì thế mà các trường đã có bề dày phát triển hay thương hiệu lâu năm cho phép mình chủ quan. Việc nhìn thẳng vào thực trạng, tìm ra những nguyên nhân cơ bản, đã thể hiện ở hầu hết các trường mùa tuyển sinh năm nay.
Một nguyên nhân khách quan dễ nhận thấy nhất là do ảnh hưởng của sự khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường lao động ngày càng bị thu hẹp, nhu cầu về nguồn nhân lực giảm sút đáng kể. GS Nguyễn Minh Thuyết từng đưa ra những cứ liệu để chứng minh cho sự mất cân đối trầm trọng giữa cung và cầu ở Việt Nam: Trong khi ở Mỹ cứ 10 người dân có 1 doanh nghiệp, ở Singapore 4 người dân có 1 doanh nghiệp thì ở nước ta 800 dân mới có 1 doanh nghiệp. Song song với đó, hiện tượng dư thừa cử nhân, thạc sĩ là kết quả của việc thiếu hoạch định nguồn nhân lực ở cả phía bên cung lẫn bên cầu.
Cũng không loại trừ một nguyên nhân chủ quan ở một số trường, từ cả phía người dạy và người học. TS Nguyễn Anh Duy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng từng nhận định: SV phần đông không đủ khả năng vào đại học mới vào học tại trường nên chất lượng đầu vào không cao. Nhiều em học yếu, chây lười, chỉ học để đối phó, thiếu ý thức lập thân, lập nghiệp, là một trở ngại lớn cho quá trình đào tạo, đòi hỏi nhà trường phải nghiên cứu lại mọi khâu của quá trình để cải thiện thực trạng.
Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất, có thể nói là trong chiến lược đào tạo của các trường còn thiếu những giải pháp tích cực trong kết nối với các DN. Nhà trường có nghiêm túc, nỗ lực thực hiện việc thu thập thống kê những ngành nghề mà các DN cần để đưa vào chiến lược đào tạo của mình hay không.
Thường thì vào đầu năm học, các trường ĐH, CĐ lập các đoàn tư vấn tuyển sinh đi tới các trường THPT, các sở GD để tư vấn, cung cấp thông tin cho thí sinh về quyền lợi người học ở trường mình. Cách làm này vừa tốn kém vừa ít hiệu quả. Theo PGS.TS Lê Văn An, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm: “Việc làm này có thể mang lại lợi ích trước mắt cho nhà trường, nhưng chưa chắc đã mang lại lợi ích cho người học, đồng thời cũng tạo ấn tượng không mấy tốt đẹp cho xã hội”.
“Mùa tuyển sinh 2016 này, tình hình dường như đã đổi khác. Nhiều trường đã có sự chuẩn bị khá chu đáo, nghiên cứu công phu trong kế hoạch kết nối với doanh nghiệp” - PGS.TS Phan Cao Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm của mình - “Trong tình hình làm ăn thua lỗ, quy mô hoạt động không thể mở rộng, liệu DN có đủ chỗ cho SV tốt nghiệp có nhu cầu với số lượng ngày càng đông hay không? Trong thực tế, các DN hàng năm cần lao động không nhiều, vì vậy, đã đến lúc nhà trường không chỉ lo việc dạy như thế nào cho có chất lượng mà còn phải trực tiếp bươn chải tới thị trường lao động, cùng đồng hành với DN để có sự kết nối một cách bền vững”.
Mấu chốt ở niềm tin và sự thấu hiểu
Mùa tuyển sinh năm nay, ở nhiều trường ĐH, CĐ, việc gắn kết với DN là một điểm mới và hấp dẫn dành cho các em HS. Tại Trường ĐH Kinh tế Huế, thông qua các hội thảo chuyên đề, SV được gặp gỡ giao lưu, học hỏi và tham gia các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các CEO chuyên nghiệp đến từ các công ty, các DN lớn.
Từ đó, SV nắm kỹ hơn các kỹ năng cần thiết để đáp ứng công việc, đồng thời thông qua các hội thảo, các đợt phỏng vấn, các DN cũng tuyển dụng những ứng viên xuất sắc vào làm việc. Trong các hợp đồng ký kết, nhà trường cũng ghi rõ các điều khoản như: Gửi SV về các DN thực tập nghề nghiệp, đồng thời nhà trường cũng mời các CEO chuyên nghiệp về giảng dạy thực tế cho SV thông qua lồng ghép trong chương trình đào tạo.
Tại Trường ĐH Nông Lâm Huế, sự đột phá bắt đầu từ việc cải tiến chương trình đào tạo từ các khoa, bộ môn theo hướng phát triển đại học trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Song song với đó, phương pháp dạy và học cũng được quan tâm, gắn liền với thực tiễn sản xuất và các cơ sở nghiên cứu khác. Bằng các nguồn vốn khác nhau, trường đã đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, thực hành hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều khoa chuyên môn đã hợp tác tốt với các doanh nghiệp để tổ chức cho SV rèn luyện tay nghề trong thực tiễn.
Tại Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), việc phát triển ngành học mới, mô hình đào tạo mới theo sát yêu cầu của thị trường lao động cũng tạo cho sự liên hệ gắn kết giữa nhà trường với DN. Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) hàng năm không chỉ tăng thời gian thực hành nghề nghiệp, học việc tại các DN giúp SV tự tin, đặc biệt là việc tổ chức có hiệu quả Ngày hội việc làm cho SV. Đây thật sự là cơ hội để SV tiếp cận với DN, với các vị trí tuyển dụng đa dạng của thị trường lao động.
Đối với các trường thuộc hệ CĐ, việc tìm đầu ra còn khó khăn hơn nhiều. Nếu nhà trường không vận hành hết công năng sẽ khó mà có được người học như chỉ tiêu đặt ra. Trao đổi về vấn đề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, PGS.TS Phan Cao Thọ đã chỉ ra được điểm mấu chốt: “Đừng nghĩ đến những gì cao siêu, hãy tính đến những gì xã hội cần, thị trường lao động cần. Mình phải biết mình đang đứng ở đâu.
Trường CĐ Công nghệ thì phải nghĩ ngay đến các nghiên cứu ứng dụng, kỹ năng thực hành công nghệ, chứ không phải là những vấn đề hàn lâm. Phần lớn các em xuất thân từ nông thôn, gia đình khó khăn về kinh tế nên mới phải vào học CĐ. Việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các em theo học và có niềm tin vào con đường nghề nghiệp ở phía trước cũng là một trong những giải pháp để giữ sinh viên, dù khó khăn nhưng phải làm, dù số lượng chưa đủ thì càng phải giữ cho bằng được chất lượng. Để xã hội công nhận sản phẩm thì không có con đường nào khác hơn là con đường chất lượng”.