Mới đây, những người yêu điện ảnh và yêu nhạc Trịnh Công Sơn lại “giật mình” trước thông tin nữ giáo sư người Nhật Michiko Yoshii yêu cầu phía Galaxy Play - đơn vị sản xuất phim “Em và Trịnh” phải xin lỗi công khai vì đã khai thác đời tư của bà mà không xin phép.
Trong quá trình truyền thông cho dự án “Em và Trịnh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) cũng như suốt thời điểm phim được chiếu ngoài rạp, nhân vật Michiko Yoshii được giới thiệu là một trong những “nàng thơ” của Trịnh Công Sơn, với nguyên mẫu có thực ngoài đời, bên cạnh các “nàng thơ” khác như Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly, Thanh Thúy. Mối tình giữa Trịnh Công Sơn với Michiko Yoshii cũng thu hút sự chú ý của công chúng từ khi ekip làm phim bắt đầu khâu tuyển chọn diễn viên.
Trước khi Giáo sư Michiko Yoshii nhờ luật sư vào cuộc, dư luận trong nước cũng có nhiều ý kiến xung quanh việc xây dựng các nhân vật trong phim. Nhất là các nguyên mẫu như ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy từng lên tiếng vì những chi tiết không chính xác liên quan tới đời tư của họ. Tuy nhiên phản ứng từ phía nhà sản xuất chỉ là xin lỗi và… xin thông cảm.
“Em và Trịnh” thuộc dòng phim tiểu sử, một thể loại còn mới mẻ ở nước ta song khá phổ biến với điện ảnh thế giới. Dưới con mắt của những người làm nghề, những sự cố, những sai sót mà ekip làm phim mắc phải không khác biệt, cũng không quá trầm trọng.
Phản ứng của dư luận cũng là điều bình thường đối với một bộ phim tiểu sử. Vấn đề ở đây là phía nhà sản xuất đã thực sự cầu thị trong lắng nghe và phản biện, đã thực sự chuyên nghiệp trong công việc. Nhân vật trong phim và ngoài đời thực không hoàn toàn đồng nhất. Đúng vậy. Cho dù đó là một bộ phim tiểu sử, nhưng người làm nghệ thuật có quyền hư cấu.
Đúng vậy. Tuy nhiên, hư cấu như thế nào để phục vụ cho ý tưởng nghệ thuật, hư cấu như thế nào để vừa thuyết phục người xem vừa không làm tổn thương người trong cuộc? Những người trong cuộc đó họ lại vẫn đang hiện hữu ngoài đời, có cuộc sống riêng với những mối quan hệ riêng, và họ có thể đi xem chính bộ phim có họ trong đó.
Họ và gia đình của họ, những người thân quen của họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu thấy bộ phim ấy có những chi tiết, những tình tiết không đúng về họ, thậm chí gây bất lợi cho họ? Đây luôn là những câu hỏi mà nhà sản xuất, đạo diễn cùng biên kịch cần phải trả lời cho thấu đáo trước khi bắt tay xây dựng một bộ phim tiểu sử.
Biết là khó, song vẫn có thể làm được nếu những người làm phim luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng nhân vật, không vì mục đích thương mại mà xây dựng những tình tiết hư cấu không phù hợp. Bản thân sự thật tự nó đã có tính thuyết phục.
Và, khi được hư cấu trên nguyên tắc tôn trọng sự thật bằng bàn tay tài ba của biên kịch và đạo diễn thì sẽ không bao giờ bị chênh, bị phô, mà chỉ làm nền cho câu chuyện phim thêm phần sâu sắc mà thôi.