Khi ngôn từ leo thang

GD&TĐ - Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo: Để trả đũa cho lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về các hoạt động quân sự nhằm trấn áp Triều Tiên, nước này có thể thử một vũ khí cực kỳ mạnh mẽ ở khu vực Thái Bình Dương.

Khi ngôn từ leo thang

Nguy cơ khủng hoảng hạt nhân

Bộ trưởng Ri Yong Ho đã không xuất hiện tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc theo lịch và tuyên bố với giới truyền thông rằng đây là chỉ đạo của ông Kim Jong Un. “Điều này cũng có thể có nghĩa là sẽ tiến hành một cuộc thử bom hydro loại nặng nhất ở Thái Bình Dương. Về các biện pháp tiến hành, tôi thật sự không biết, vì đó là những gì ông Kim Jong Un sẽ làm” - ông Ri Yong Ho cho biết.

Các bình luận của ông Ri Yong Ho được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Triều Tiên tuyên bố Tổng thống Trump sẽ “phải trả giá đắt” vì đã “dám đe dọa hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên trong bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc. Trong một phát biểu trực tiếp hiếm hoi, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nói rằng ông sẽ “xem xét nghiêm túc việc thực hiện một mức độ phản ứng mạnh mẽ nhất trong các biện pháp trả đũa trong lịch sử”.

“Hiện nay, tôi đang suy nghĩ nhiều về những phản ứng nào mà ông ta (Tổng thống Donald Trump) sẽ phải chờ đợi để đối mặt, khi mà ông ấy có thể cho phép những lời lẽ kỳ quặc đến mức ấy thoát ra khỏi miệng”, ông Kim nói.

Căng thẳng từ những phát ngôn

Theo Vipin Narang, Giáo sư khoa học chính trị, chuyên gia về chính sách hạt nhân của Viện Công nghệ Massachusetts MIT, cụm từ “mức độ phản ứng mạnh mẽ nhất trong lịch sử” có thể được coi là sự leo thang trong việc lựa chọn ngôn ngữ đối ngoại. “Rõ ràng, Triều Tiên đang muốn ép Mỹ vào cuộc chơi” - ông Narang nói.

Trong bài diễn văn đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc với tư cách là Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẵn sàng “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, nếu nước Mỹ buộc phải bảo vệ các đồng minh. Đây được coi là một hành động ngoại giao hi hữu vì chưa từng có một vị Tổng thống Mỹ nào đưa ra lời cảnh báo trực tiếp đề cập đến một đất nước trong một cuộc họp cao cấp toàn các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà ngoại giao hàng đầu như vậy.

Phản ứng lại phát biểu của ông Trump, ông Kim Jong Un nhận định đây là một sự xúc phạm. “Tôi muốn khuyên ông Trump phải cẩn trọng trong việc lựa chọn từ ngữ và quan tâm đến người nghe, nhất là khi ông ấy phát biểu trước thế giới” ông Kim nói. Một số nhà phân tích cho rằng, đây là lần đầu tiên ông Kim Jong Un đã phát biểu với tư cách lãnh đạo quốc gia như vậy.

“Chúng tôi có thể nói đây là điều chưa từng có” - ông Narang nói - “Rõ ràng bài phát biểu đã xúc phạm ông ấy, và cả thế giới đang quan tâm đến phản ứng mà ông Kim Jong Un đang xem xét”.

Theo dự kiến, đại diện Triều Tiên sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tối 22/9, nhưng người đại diện thay đổi kế hoạch. Tuy nhiên, nước này vẫn có thể có cơ hội vào một thời điểm khác.

Thêm những biện pháp trừng phạt

Trong khi đó, Nhà Trắng tiến thêm một bước trong chiến dịch “áp lực ôn hòa” nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, bằng cách mở rộng các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên và các đối tác của nước này.

Mặc dù phần lớn hàng hóa mà Triều Tiên nhập khẩu là từ Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin vẫn tuyên bố: “Hành động này áp dụng đối với tất cả mọi người” và “không hề nhằm vào Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lệnh trừng phạt của ông được đưa ra gần như ngay lập tức, nhằm tăng cường hoạt động của các cơ quan Bộ Tài chính nhắm tới những người cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ cho Triều Tiên.

Ông Trump nêu rõ mệnh lệnh của ông cũng cho phép Mỹ xác định thêm các ngành công nghiệp nữa như dệt may, đánh bắt và sản xuất của Triều Tiên như các mục tiêu tiềm năng cho các biện pháp trừng phạt trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ