Khi nghệ sĩ “ám chỉ” nhau

GD&TĐ - Thay cho thành ngữ “trở mặt như bàn tay”, giờ đây người ta nói rằng “trở mặt như nghệ sĩ”.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Điều đó phần nào nói lên sự xuống cấp trong văn hóa, cũng như cách ứng xử của giới nghệ sĩ.

Những mâu thuẫn cãi cọ giữa nghệ sĩ với nhau, đặc biệt là giới ca sĩ, diễn viên, người mẫu… không còn xa lạ đối với công chúng. Nhưng lạ lùng nhất là hôm nay nghệ sĩ cãi nhau như “chém chả”, ngày mai đã thấy họ cười cợt chụp ảnh cùng nhau. Thực ra đó là chiêu lừa công chúng để đánh bóng tên tuổi, không đáng để nhắc đến.

Còn một sự thật đã tồn tại rất lâu trong giới nghệ sĩ, từ mâu thuẫn cá nhân trở thành mâu thuẫn mang tính xã hội. Phản ánh sự xuống cấp về văn hóa ứng xử của những người, vốn có sứ mệnh đem cái đẹp cũng như sự nhân văn đến với công chúng.

Ca sĩ A vì hát hay, vũ đạo giỏi nên được nhiều đơn vị mời gọi đã kéo theo sự bực dọc, ghen tị của ca sĩ B. Ca sĩ B ngoài việc viết trên Facebook với những dòng chữ ám chỉ, còn bày tỏ trên một số kênh truyền thông chuyên câu khách bằng những lời lẽ miệt thị vô văn hóa.

Nhưng đáng sợ nhất, sự ám chỉ của họ lại không dừng ở phạm vi cá nhân với nhau. Họ huy động, nói đúng hơn là “thuê” và kích động những người hâm mộ mình chiến đấu với đối phương. Nhẹ thì lên mạng xã hội chửi bới, nhục mạ, kêu gọi tẩy chay. Nặng hơn thì nhằm lúc ca sĩ đó lên sân khấu biểu diễn sẽ đồng thanh nguyền rủa, hành hung, ném trứng thối…

Còn cả những vợ chồng nghệ sĩ, khi còn đầu gối tay ấp thì tâng nhau đến tận mây xanh. Nhưng khi ly hôn thì bắt đầu bới lông tìm vết, ám chỉ nói xấu nhau bằng tất cả sự cay độc. Những thói xấu, trong thực tế không biết có hay không cũng được trưng ra trước bàn dân thiên hạ.

Những mâu thuẫn, ám chỉ nhau rồi sẽ nhanh chóng qua đi, nhưng hậu quả để lại thì rất khó lường và đầy tai hại. Đầu tiên là hình ảnh nghệ sĩ trong mắt công chúng trở nên méo mó, tiếp theo là hệ quả mang tính xã hội về mặt pháp luật, văn hóa và định kiến.

Đặc biệt trong giới văn chương, vì không ưa nhau mà hạ bệ nhau bằng những tác phẩm ám chỉ đầy tính phi nhân. Hình ảnh ông A, bà B hiện lên với tất cả sự xấu xa đồi bại. Họ ám chỉ bằng nhiều hình thức, nếu nguyên mẫu tên là Tám thì nhân vật có tên là Bát.

Ám chỉ bằng cách nói xấu chưa hết, họ còn ám chỉ bằng cách “tâng” đối phương lên theo cách “khen cho nó chết”. Thậm chí họ còn lôi cả gia đình vợ con đối phương vào tác phẩm để ám chỉ.

Thích nói xấu đồng nghiệp, hay ám chỉ nhau, coi mình là nhất nhưng điểm chung ở một số nghệ sĩ, mà thực tế đã chứng minh là “hám tiền nhưng hèn nhát”. Trong suốt thời gian qua, khi dư luận bức xúc về những quảng cáo “thần dược” kém chất lượng, diễn viên Q.L đã gửi lời xin lỗi, coi đó bài học sâu sắc trong suốt 20 năm làm nghệ thuật.

Tuy nhiên, còn rất nhiều nghệ sĩ vẫn đang hàng ngày, hàng giờ dùng tên tuổi của mình để quảng cáo cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Thậm chí làm hại đến người tiêu dùng, nhưng họ lặn mất tăm và coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ