Nghệ sĩ làm gì trong mùa Covid-19?

GD&TĐ - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động văn hóa – nghệ thuật gần như tê liệt. Sân khấu tắt đèn, nhà triển lãm đóng cửa, các show diễn buộc phải tạm dừng… Vậy, nghệ sĩ làm gì để sống qua đại dịch?

Không thể lên sân khấu, vợ chồng nghệ sĩ Kim Tử Long chọn bán hàng online.
Không thể lên sân khấu, vợ chồng nghệ sĩ Kim Tử Long chọn bán hàng online.

Bán hàng online

Trong đợt dịch bùng phát đầu tiên, công chúng còn nhớ những nghệ sĩ như Tùng Dương, Chi Pu, Pha Lê, Giang Hồng Ngọc, Ðại Nghĩa, Nhật Kim Anh, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên… đóng góp tiền bạc, vật chất, mua sắm khẩu trang, đi vận động người dân hưởng ứng phòng, chống Covid-19 bằng việc chấp hành các khuyến cáo của ngành y tế.

Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ tiếp tục kêu gọi và trực tiếp tham gia ủng hộ chống dịch như Đại Nghĩa, Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, NSƯT Xuân Bắc, Hòa Minzy…

Giữa tháng 5, diễn viên Đại Nghĩa kêu gọi quyên góp hơn 1,2 tỉ đồng để ủng hộ bộ đội biên phòng, y bác sĩ. Anh đã dùng số tiền trên cùng với nhóm thiện nguyện của mình mua khẩu trang, thiết bị sinh hoạt và nhu yếu phẩm chuyển đến An Giang.

Số tiền đóng góp của giới nghệ sĩ cho xã hội rất lớn, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động phòng dịch. Không chỉ có vậy, bằng tài năng và tâm tuyết, nhiều nghệ sĩ ra các MV ca nhạc về đề tài đại dịch để động viên mọi người cùng chấp hành phòng, chống dịch Covid-19.

Qua đợt dịch thứ 2, thứ 3 và hiện nay là đợt thứ 4 đã khiến cuộc sống của nhiều nghệ sĩ rơi vào khó khăn. Trong đợt dịch năm ngoái, nghệ sĩ cải lương Bình Tinh cho biết chị đã phải hủy gần như toàn bộ show diễn.

Trước đây chỉ cần đi diễn trong 3 tháng đầu năm, Bình Tinh đã có nguồn thu nhập đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho cả năm. Thế nhưng, dịch bệnh khiến mọi thứ đình trệ, kinh tế gia đình nghệ sĩ bị ảnh hưởng nặng nề.

Không còn cách nào khác, Bình Tinh chuyển sang bán hàng online gồm mỹ phẩm, nhu yếu phẩm. Tự thân chị đi chọn lựa hàng, sau đó livestream giới thiệu, chốt đơn với người mua. “Nhờ được nhiều khán giả yêu mến ủng hộ mua hàng nên những khó khăn kinh tế trước mắt cũng được giải quyết phần nào”, nghệ sĩ Bình Tinh cho hay.

NSƯT Kim Tử Long cũng bán hàng online trên trang Facebook cá nhân. Vợ anh là nghệ sĩ Trinh Trinh cũng đang chuẩn bị thêm nhiều mặt hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì đam mê nghệ thuật nên trong khi livestream bán hàng, vợ chồng Kim Tử Long cũng thường xen kẽ các tiết mục văn nghệ dành cho người đang theo dõi.

“Nghệ sĩ có lợi thế là lúc quảng cáo sản phẩm thì ca vài câu vọng cổ tặng bà con. Khán giả thương mến, ủng hộ đã giúp chúng tôi bảo đảm thu nhập ổn định”, nghệ sĩ NSƯT Kim Tử Long cho hay.

Nhiều nghệ sĩ khác không bán hàng qua mạng thì lại tham gia những công việc tay trái. Gia đình nghệ sĩ Tú Tuấn, Trường Lộc, Trường Quang… chuyên chế tác đạo cụ đã chuẩn bị mọi thứ để xoay xở trong mùa dịch. Một số nghệ sĩ lại đi dạy vũ đạo, dạy nhạc, truyền thụ kỹ thuật biểu diễn.

Vợ chồng nghệ sĩ Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh dành toàn thời gian để sáng tác.

Vợ chồng nghệ sĩ Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh dành toàn thời gian để sáng tác.

Sáng tạo giữa đại dịch

Trong mùa dịch, giới nghệ thuật chịu ảnh hưởng lớn không kém nhiều ngành nghề khác. Trước khó khăn chung của xã hội, giới nghệ sĩ không ngồi yên hay than phiền về vấn đề của bản thân. Khi các nghệ sĩ chung tay, điều họ quyên góp không chỉ là tiền bạc hay vật chất mà còn truyền đi những thông điệp không thể đo đếm bằng tiền.

Những nghệ sĩ có đặc thù lao động, sáng tác tại nhà cũng tích cực tham gia vào việc vận động nghệ thuật. Là người con của quê hương Bắc Ninh, nhạc sĩ Đỗ Phương – Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã viết ca khúc và dàn dựng MV “Về Kinh Bắc quê anh” để cổ vũ người dân Bắc Ninh – Bắc Giang vững tâm vượt qua đại dịch.

“Em có về quê anh không em? Nhà máy vươn lên từ cánh đồng, em không còn ngô khoai cây lúa, rộn ràng nụ cười nhớ áo tứ thân...”. Bài hát được thể hiện qua giọng baritone truyền cảm của ca sĩ Minh Dũng, cũng là người con của mảnh đất Kinh Bắc.

Còn nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương, ngay từ đợt giãn cách xã hội đầu tiên, anh đã khiến mình phải bận rộn bằng cách ghi chép “Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam thời Covid”.

Các bức họa nổi tiếng của Tô Ngọc Vân, Lê Phổ… được Nguyễn Đức Phương “chế” lại một cách hài hước nhưng tràn đầy tinh thần nghệ thuật. Nguyễn Đức Phương đã thêm cho cho các nhân vật khẩu trang, cồn sát khuẩn, và thậm chí là giãn cách các nhân vật theo thông điệp phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Đám trẻ trong “Chơi ô ăn quan” (Nguyễn Phan Chánh) phân chia chỗ ngồi mỗi bé một góc; hai đấu sĩ trên sới vật (Đấu vật – Nguyễn Sáng) không lao vào nhau với những đòn miếng hiểm mà thay vào đó, họ tìm cách chạy khỏi nhau như thể đối phương là F0 hoặc F1.

Bức “Tĩnh vật” của danh hoạ Bùi Xuân Phái còn kèm thêm chai cồn 70 độ. “Em Thuý” đeo khẩu trang khi làm mẫu vẽ. Hai người phụ nữ ngồi nhà đeo khẩu trang, cách xa 2m để chuyện trò.

Trong suốt thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, vợ chồng hoạ sĩ – điêu khắc gia cao tuổi Lê Triều Điển - Hồng Lĩnh cho ra đời 50 tranh và 6 tượng gốm, trong đó có hai bức dài trên 10m hội tụ trong một lãm có tên “50 – 70 - 80”.

Ấy thế nhưng nghệ sĩ Lê Triều Điển nói rằng, đó chỉ là gần 1/3 tác phẩm mà họ đã sáng tác từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Và chính từ khi có lệnh giãn cách xã hội, vợ chồng nghệ sĩ không thể đi đâu xa nên dành nhiều thời gian cho sáng tác nghệ thuật.

Còn họa sĩ Bùi Công Khánh lại tận dụng những ngày giãn cách xã hội để vừa dạy mỹ thuật, vừa học âm nhạc. Sẵn thời gian, anh viết nhật ký Covid bằng cách vẽ các ký hoạ chì về cuộc sống thường nhật. Những chi tiết ít khi anh để tâm như khoảnh khắc người vợ chuẩn bị bữa ăn, lại trở thành đề tài – mà sau này Bùi Công Khánh nhất định sẽ mở triển lãm khi dịch Covid-19 qua đi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ