Cuộc chạy đua giữa Nga và phương Tây
Nhà sản xuất vũ khí Nga, Kalashnikov, đang nghiên cứu phát triển các loại vũ khí tự động 100%. Một trong những vũ khí khiến kẻ thù không thể ngủ yên là “Neural Net Combat Module” của Kalashnikov.
Đây là khẩu súng máy 7,62 mm có camera kết nối với hệ thống máy tính, có thể nhắm trúng mục tiêu và nhả đạn mà không cần con người bấm cò.
Kalashnikov không trả lời câu hỏi của báo chí nhưng hãng thông tấn Tass cho biết khẩu súng đã dùng công nghệ “neural network” để xác định chính xác mục tiêu và khai hỏa.
Khác với máy tính thông thường sử dụng các chỉ dẫn lập trình trước để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt nhưng giới hạn, máy tính “neural network” có thể “học” những tình huống giả định để tự đưa ra giải pháp đối với những tình huống chưa gặp bao giờ.
Nhưng các sản phẩm mới nhất của Kalashnikov không chỉ là vũ khí tự dộng hay bán tự động duy nhất được thử nghiệm ở Nga. Các nhà sáng chế ở đây đang thử nghiệm Uran-9, một cỗ xe tác chiến không người lái được trang bị súng máy và pháo có tầm hoạt động lên đến 10 km. Rồi loại robot chiến trường Platform-M có thể tự tìm diệt mục tiêu trong các địa hình cực nóng và ướt.
Trong khi đó, siêu tăng Armata T-14 có một pháo tháp tự động mà theo nhà thiết kế Andrei Terlikov sẽ mở đầu cho thế hệ xe tăng tự hành trên chiến trường.
Công ty Uralvagonzavod sản xuất loại xe tăng này không trả lời câu hỏi của báo chí nhưng giáo sư Sharkey, thành viên của cuộc vận động “Stop Killer Robots” (chặn đứng robot sát thủ) rất cảnh giác về tiềm năng ứng dụng của nó. “T-14 đi trước phương Tây nhiều năm, cứ nghĩ đến viễn cảnh hàng ngàn chiếc T-14 đứng dọc biên giới với châu Âu, bạn sẽ mường tượng được sự nguy hiểm của nó” – ông nói.
Súng SGR-A1 do Samsung sản xuất |
Dĩ nhiên, không chỉ có nước Nga mới phát triển các loại vũ khí tự hành, mà còn nhiều nước khác. Theo Giáo sư Toby Walsh, tất cả mọi quân đội trên thế giới đều tham gia cuộc chơi “Robot-AI” với qui mô lớn nhỏ khác nhau.
Ví dụ, mùa hè qua, cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu tiến bộ quốc phòng Mỹ (DARPA) đã trang bị cho một drone (máy bay không người lái) trinh sát bình thường, một AI tiến bộ để giúp phân biệt giữa dân thường và quân nổi dậy trong cuộc thử nghiệm tại một ngôi làng giả lập ở bang Massachusetts.
Súng “lính gác” SGR-A1 do công ty Samsung sản xuất có khả năng tự bắn đã được quân đội Hàn Quốc triển khai tại Khu phi quân sự dọc biên giới hai miền Triều Tiên.
Drone Tanaris của Anh lớn cỡ chiếc máy bay chiến đấu Red Arrow Hawk đang được công ty quốc phòng BAE Systems phát triển. Nó được thiết kế để mang một số vũ khí tự động có khả năng khai hỏa từ xa.
Trên biển, tàu chiến tự hành Sea Hunter của Mỹ được thiết kế để hoạt động tại một vùng biển nào đó mà không cần thuỷ thủ đi kèm. Nó còn biết ra vào cảng tự động. Nhưng tất cả các nhà chế tạo vũ khí của phương Tây như Phantom Works của Boeing, Northrop Grumman, Raytheon, BAE Systems, Lockheed Martin và General Dynamics đều không đưa tính năng tự hành đầy đủ vào những gì họ sản xuất vì sợ sẽ bị phản đối quyết liệt.
“Robot sát thủ” sẽ sớm có mặt trên chiến trường
Killer Robot (KR) có vẻ giống như sản phẩm của phim khoa học giả tưởng, nhưng thực tế nó đang bắt kịp trí tưởng tượng của con người. Mới đây, có hơn 100 chuyên viên robot hàng đầu thế giới đã gửi lá thư chung đến Liên Hiệp Quốc kêu gọi tổ chức quốc tế cao nhất này hãy ban hành lệnh cấm phát triển robot giết người đồng thời cảnh báo thế giới đang bước vào một cuộc chạy đua võ trang mới có tên “Robot và AI”.
Nhưng nỗi lo sợ của họ có được chứng minh? 100 nhà khoa học có lý do để đưa ra cảnh báo mang tính khẩn cấp nếu chúng ta nhìn vào những chiếc xe tăng không người lái và máy bay không người điều khiển (drone) có thể tấn công chính xác mục tiêu trong đám đông nhờ hệ thống định vị toàn cầu.
Một số loại vũ khí có thể kiểm soát bằng các bộ não được “máy tính hoá” hay lập trình trước để hành động giống như con người và những thứ thông minh tương tự mà kỹ nghệ sản xuất vũ khí thế giới đang chế tạo.
Drone điều khiển từ xa đã được quân đội Mỹ sử dụng từ 2001. Dù vẫn còn ở giai đoạn 2 non trẻ, nhưng chừng đó thôi cũng đủ để chúng ta tin rằng “cuộc cách mạng thứ 3 trên chiến trường” sắp diễn ra.
“Trong mỗi chiến địa của chiến tranh, trên không, trên biển, trên đất liền và dưới mặt nước nhiều quốc gia đã chứng minh khả năng sát thương cao và chính xác của các loại vũ khí tự động – Giáo sư Toby Walsh giảng dạy môn AI tại Đại học New South Wales ở Sydney, Australia nói – Các công nghệ mới trong robotics và AI đã giúp đẩy nhanh cuộc cách mạng này.
Một số nước biết tận dụng tiến bộ công nghệ để chiếm ưu thế trên chiến trường, đặc biệt là các nước đã phát triển”. Một câu hỏi khác là các hệ thống vũ khí robot chiến trường có ít phạm sai lầm hơn con người trong việc phân biệt ta-địch và dân thường? Và khả năng làm quyết định của nó (bấm cò chẳng hạn) có chính xác?
Đây chính là 2 trong những lo lắng nhất của các nhà khoa học hoài nghi. “Nếu các vũ khí biết dùng ‘neural network’ và AI tiến bộ để tự hành động thì quyền của con người ở “đoạn cuối” coi như không còn nữa. Như vậy là rất nguy hiểm. Mọi sai lầm sẽ không được sửa chữa kịp thời” - Giáo sư Andrew Nanson, phụ trách công nghệ tại công ty chuyên viên quốc phòng Ultra Electronics nhận định.
Ông hoài nghi những cam kết của các nhà chế tạo vũ khí về tính an toàn của robot chiến trường. Các hệ thống phòng thủ tự động mới đã tự đưa ra được các quyết định dựa trên việc phân tích một mối đe dọa, từ tốc độ, hình dáng, kích cỡ, đường đi của tên lửa đang đến và chọn phản ứng thích đáng nhanh hơn con người nhiều.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một hệ thống tác chiến tự động gặp phải những tình huống khó nó chưa được “học”, được phân tích nhưng lại được thoải mái phản ứng theo cách nó nghĩ.
Vũ khí thông minh và cách đối phó của “nhà nghèo”
Sai lầm trong những trường hợp này có thể là thảm họa không thể cứu vãn được, như giết lầm dân thường vô tội, phá hủy những mục tiêu phi quân sự và đánh trúng “phe mình”.
Đây là những gì mà các chuyên viên quân sự lo lắng chứ không phải là sợ AI thông minh hơn sẽ thống trị thế giới như siêu máy tính Skynet trong loạt phim Terminator. “Vấn đề làm cho chúng ta đau đầu nhất hiện nay không phải robot siêu thông minh mà là những robot… đần độn, robot “lỗi” không thể phân biệt chính xác mục tiêu dân thường và quân sự, lâu lâu… nổi khùng lẫn lộn ta và địch. Sự lầm lẫn chỉ cần một lần là đã gây hậu quả rất lớn” - Noel Sharkey, Giáo sư AI và robotics tại Đại học Sheffield nói.
Nguy cơ đã rõ, nhưng công nghệ quân sự tự hành có thể hỗ trợ những chiến dịch quân sự do con người điều khiển? Roland Sonnenberg, phụ trách quốc phòng tại Công ty tư vấn an ninh PricewaterhouseCoopers nhận định:
“Giả lập chiến trường, vận chuyển, phân tích các nguy cơ và hỗ trợ hậu cần là những việc quan trọng không thua gì tác chiến mà robot và AI có thể giúp con người trong một cuộc chiến tranh. Thực tế cho thấy chúng làm rất tốt việc này. Những ích lợi mà AI đem lại chỉ có thể áp dụng trong thế giới thực và chỉ có thể được áp dụng rộng rãi nếu các công ty, người tiêu dùng xã hội tin tưởng, chấp nhận và có trách nhiệm khi sử dụng”.
Có người cho rằng vũ khí tự hành sẽ giúp giảm thương vong của bên sử dụng, nhưng Elizabeth Quintana, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RIDSS) không đồng tình.
Bà nói: “Sử dụng các hệ thống robot có thể làm hài lòng một số chính trị gia vì có ít túi xác mang về nhà hơn, nhưng quan điểm của tôi là bạn không thể giảm thương vong trong một cuộc chiến tranh vì đối phương sẽ dùng những phương cách khác để bù trừ số thương vong bạn giảm được trên chiến trường.
Nói rõ hơn, chiến tranh là hoạt động của con người chứ không phải máy móc. Thương vong nhiều ít là do con người chứ không phải robot hay AI. Bọn khủng bố đã chứng minh điều đó. Chúng không cần vũ khí sát thương thông minh mà vẫn có thể gây tổn thất và gieo rắc nỗi sợ hãi bằng cuộc chiến của nhà nghèo. Ví dụ là những gì chúng ta đang thấy tại châu Âu”.